5 dự án thành phần PPP cao tốc Bắc - Nam: Hồi hộp chọn nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
Ngay cả khi 3 trong 5 dự án PPP thành phần cao tốc Bắc-Nam phía Đông có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, khả năng huy động được vốn tín dụng để thực hiện vẫn là ẩn số.
5 dự án thành phần PPP cao tốc Bắc - Nam: Hồi hộp chọn nhà đầu tư

Kéo dài thời hạn đóng thầu

Mặc dù phải đến ngày 12/10, 2 dự án thành phần PPP cao tốc Bắc - Nam phía Đông là Nghi Sơn - Diễn Châu và đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt mới tiếp tục tiến hành mở thầu, nhưng khả năng có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu không cao.

Trước đó, vào các ngày 2/10 và 5/10, các ban quản lý dự án (BQLDA) của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) là 2, 6, PMU 85 và đường Hồ Chí Minh trong vai trò bên mời thầu đã tiến hành mở thầu đối với các gói thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 5 dự án PPP thành phần cao tốc Bắc - Nam, gồm các: đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu; Diễn Châu - Bãi Vọt; Quốc lộ 45 - Nghi Sơn; Nha Trang - Cam Lâm; Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Kết quả mở thầu cho thấy, 3 dự án thành phần (Diễn Châu - Bãi Vọt; Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo) có 2 - 3 nhà đầu tư đã nộp hồ sơ mời thầu cho mỗi dự án. Trong khi đó, 2 liên danh nhà đầu tư được Bộ GTVT phê duyệt trúng sơ tuyển Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu là Tân Nam - Vinaconex - Thái Sơn và Hòa Hiệp - Vinaconex 2 - Cienco4 - Núi Hồng đã không đến nộp hồ sơ dự thầu tại thời điểm mở thầu (14h30 ngày 2/10).

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Quốc lộ 45. Hai liên danh trúng sơ tuyển là Cienco4 - Hòa Bình - Thuận An - Tân Thành Đô - Công ty 18 và Licogi16 - FECON - 468 - Điền Phước - Hạ tầng và Phát triển đô thị FECON cũng không đến nộp hồ sơ dự thầu.

Căn cứ quy định khoản 4, Điều 80, Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/2/2020 của Chính phủ, Bộ GTVT quyết định gia hạn thời điểm đóng thầu đến ngày 12/10/2020.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một nhà đầu tư lọt qua vòng sơ tuyển tại Dự án thành phần PPP cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Nghi Sơn - Quốc lộ 45 cho biết, doanh nghiệp không nộp hồ sơ dự thầu là do chưa thể thuyết phục các ngân hàng thương mại trong nước tài trợ vốn tín dụng để triển khai công trình như hồ sơ mời thầu yêu cầu (khoảng 2.700 tỷ đồng).

Được biết, đối với 2 dự án thành phần đang phải gia hạn thời gian đóng thầu, trong Công văn hỏa tốc số 9981/BGTVT-ĐTCT gửi Thủ tướng Chính phủ vào ngày 5/10/2020, Bộ GTVT cho biết, trường hợp đến hết thời điểm gia hạn đóng thầu vẫn không có nhà đầu tư nộp hồ sơ mời thầu, bên mời thầu sẽ căn cứ quy định tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội kiến nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Tăng tốc lựa chọn nhà đầu tư

Được biết, đối với 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam triển khai theo hình thức PPP đã tiến hành mở thầu là Diễn Châu - Bãi Vọt; Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Bộ GTVT vừa có công văn yêu cầu các BQLDA khẩn trương đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt danh sách các nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật trước ngày 20/10/2020.

Cũng tại Công văn số 9981, Bộ GTVT cho biết, đến ngày 25/10/2020, kết quả sơ bộ đánh giá về hồ sơ đề xuất kỹ thuật (các nhà đầu tư đã được đánh giá, rà soát cập nhật về năng lựa tài chính, có cam kết cung cấp tín dụng của ngân hàng và đạt yêu cầu về điểm kỹ thuật) sẽ được công bố, qua đó có thể đánh giá sơ bộ về kết quả lựa chọn nhà đầu tư.

“Nhà đầu tư có hồ sơ đề xuất đạt điểm yêu cầu sẽ tiếp tục được mở, đánh giá đề xuất tài chính; nhà đầu tư có giá gói thầu (mức vốn góp nhà nước) thấp nhất sẽ được xem xét phê duyệt trúng thầu. Dự kiến, tháng 12/2020, công tác lựa chọn nhà đầu tư sẽ hoàn thành”, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định.

Được biết, các nhà đầu tư đạt đủ điểm kỹ thuật theo yêu cầu và có giá bỏ thầu phần vốn góp của nhà nước thấp nhất và không vượt giá trị vốn góp tối đa của nhà nước theo quy định của hồ sơ mời thầu sẽ được xếp thứ nhất và được xem xét đề nghị trúng thầu, mời vào đàm phán hoàn thiện hợp đồng.

Theo yêu cầu tại Nghị quyết số 20/NQ-CP của Chính phủ, nhà đầu tư có thời gian tối đa 6 tháng (từ thời điểm ký kết hợp đồng) để huy động vốn tín dụng, trường hợp nhà đầu tư không huy động được vốn tín dụng, Bộ GTVT sẽ hủy hợp đồng và tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng.

Ông Lâm Văn Hoàng, Giám đốc BQLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, kết quả lựa chọn nhà đầu tư tại 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, dù có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự sơ tuyển, vẫn là ẩn số lớn. Một số liên danh dù có thư cam kết cho vay vốn của ngân hàng, nhưng để tiến đến việc ký được hợp đồng tín dụng vẫn còn một khoảng cách rất lớn.

Thực tế triển khai các dự án BOT giao thông thời gian qua cho thấy, trong điều kiện các cơ chế chia sẻ rủi ro (nhất là rủi ro về doanh thu) chưa được áp dụng, huy động vốn tín dụng để triển khai đầu tư dự án BOT giao thông gặp nhiều khó khăn.

“Ngay cả một số dự án có nhu cầu vận tải lớn, mức độ khả thi về tài chính cao (như dự án Trung Lương - Mỹ Thuận) cũng rất khó khăn trong huy động vốn tín dụng để triển khai thực hiện; nhiều dự án BOT đã ký kết hợp đồng (như đường bộ cao tốc đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng, Vân Đồn - Móng Cái,...), nhưng đến nay vẫn chưa thể huy động được vốn tín dụng”, một chuyên gia lo ngại.

Theo hồ sơ mời thầu đã được cập nhật, 5 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đầu tư theo hình thức PPP có tổng vốn đầu tư khoảng 39.530 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước tham gia là 20.136 tỷ đồng, chiếm khoảng 51%; vốn nhà đầu tư huy động là 19.394 tỷ đồng, chiếm khoảng 49% (gồm vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% là 3.879 tỷ đồng, vốn huy động tín dụng khoảng 15.515 tỷ đồng). Nhu cầu vốn tín dụng trung bình khoảng 3.100 tỷ đồng/dự án.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục