Bất bình đẳng về kinh tế là đề tài đang được thảo luận gay gắt, khi nhiều người cho rằng tầng lớp người giàu luôn có những lợi thế. Tuy nhiên, sự thực là mọi người đều có cơ hội ngang bằng để trở nên giàu có trong nền kinh tế. Điều duy nhất khiến người giàu vượt trội so với phần còn lại là ở suy nghĩ, niềm tin và triết lý về tiền của họ.
Trong cuốn "Người giàu nghĩ ra sao", tác giả Steve Siebold đã phỏng vấn 1.200 người thuộc giới siêu giàu trong 30 năm, và đúc kết lại những điểm khác biệt chính.
1. Người giàu luôn tập trung vào việc kiếm tiền
Trong khi số đông tập trung vào việc bảo vệ và tiết kiệm tài sản, người giàu tập trung vào kiếm tiền.
Tầng lớp giàu có biết được sự quan trọng của tiết kiệm, nhưng với họ, kiếm tiền còn quan trọng hơn rất nhiều.
Đa phần mọi người đều quá bận tâm về việc làm thế nào để sinh lời vụn vặt từ những khoản đầu tư nhỏ hay gửi tiết kiệm, thay vì sử dụng tài năng của mình để kiếm những khoản kếch xù.
Thay vì lo kiếm ba cọc ba đồng, mất thời gian nghĩ chuyện tiết kiệm chi li, người giàu tập trung phần lớn trí tuệ vào việc làm thế nào để kiếm thật nhiều tiền.
2. Người giàu luôn tối đa hóa
Trong suy nghĩ của các triệu phú, tối đa hóa là chìa khóa. Người giàu tập trung có chiến lược công sức của họ vào lĩnh vực có khả năng sinh lời cao nhất, tận dụng tối đa các mối quan hệ, sự uy tín và tiềm lực để có được kết quả tốt nhất trong mỗi hành động.
Tầng lớp trung lưu coi làm việc chăm chỉ là một thành tựu lớn, người giàu lại nghĩ thành công cuối cùng mới là thành tựu lớn nhất.
Nếu bạn tự đánh giá mình làm việc rất chăm chỉ mà thu nhập vẫn ở mức dưới trung bình so với những người trong ngành, hãy cởi bỏ những lối mòn về định nghĩa "chăm chỉ", và bắt đầu suy nghĩ về việc làm sao tối đa hóa mỗi hành động để trở nên thành công hơn.
3. Người giàu nghĩ về tiền một cách phi tuyến tính
Phần đông mọi người đánh đổi thời gian lấy tiền. Điều này tạo nên lối mòn, rằng kiếm tiền là hành động tuyến tính liên kết với thời gian. Một người bình thường sẽ tin rằng cách duy nhất để kiếm thêm tiền là thêm thời gian làm việc.
Các triệu phú biết rằng việc kiếm nhiều tiền yêu cầu bạn phải suy nghĩ về tiền một cách phi tuyến tính.
Họ là những bậc thầy trong việc tạo ra tiền từ những ý tưởng có thể giải quyết các vấn đề. Họ nhận ra không có giới hạn nào cho những ý tưởng và vì thế, không có giới hạn cho lượng tiền họ có thể kiếm được.
Những khối tài sản lớn có thể được tạo nên chỉ sau một đêm với ý tưởng đúng tại thời điểm đúng, nhưng chỉ khi người tạo ra tài sản hiểu được sự phi tuyến tính trên.
4. Người giàu nhìn tiền bằng con mắt logic
Người giàu định hình tiền bạc bằng con mắt logic. Không nhiều người có thể nghĩ về tiền mà không mang những cảm xúc tiêu cực, điều rất phổ biến trong lối mòn suy nghĩ của tầng lớp trung lưu.
Cảm xúc rất cần thiết trong cuộc sống, nhưng khi định hình tiền bạc, hãy cất cảm xúc qua một bên và để lý lẽ dẫn đường.
Khi bạn ngừng việc nhìn tiền bạc bằng cảm xúc, bạn sẽ không còn bị ràng buộc bởi rào cản tâm lý và thông thoáng đầu óc để kiếm tiền. Hãy luôn dùng logic để lên chiến lược tài chính và cảm xúc để thúc đẩy bản thân đi theo chiến lược đó.
5. Tin rằng giàu là quyền cơ bản
Phần lớn mọi người đều nghĩ trở nên giàu có là đặc quyền của những kẻ may mắn. Những cái đầu tầm cỡ thế giới tin rằng trong nền kinh tế, mọi người đều có quyền được giàu nếu họ sẵn lòng tạo ra giá trị lớn cho mọi người.
Người giàu tin rằng nếu họ làm cuộc sống mọi người trở nên tốt đẹp và thuận lợi hơn, họ có quyền được giàu có.
Họ luôn cố gắng suy nghĩ làm sao để cải thiện một sản phẩm nhưng lại thường bị chỉ trích là những kẻ suy nghĩ vật chất, bóc lột và tham lam.
Những người ưu tú tin rằng họ có quyền giàu có tương xứng với giá trị họ tạo ra cho xã hội. Hãy ngừng việc tin tỷ phú tự thân đi lên là do may mắn, hãy tin rằng bạn đáng giá từng đồng bạn kiếm được và hơn thế nữa.
Điều quan trọng nhất cần nhớ về tiền là bất luận bạn có trình độ học vấn như thế nào, điểm IQ ra sao, điểm số ở trường có tốt không, bạn có đầy đủ tố chất để trở thành một triệu phú và kiếm được tất cả những gì bạn muốn.
Hãy ngừng việc nghĩ về tiền một cách sợ hãi và thèm muốn và bắt đầu việc nhìn tiền qua con mắt của cơ hội và tiềm năng.
Nếu bạn giàu, hãy cứ suy nghĩ như bạn vẫn nghĩ, còn nếu bạn chưa giàu, có lẽ bạn nên thay đổi cách bạn nghĩ về tiền.