"Lạm bàn" chính sách
Ảnh hưởng của kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới đến TTCK Việt Nam, vốn đã được kiểm chứng trong những giai đoạn thăng trầm của năm 2008 và 2009, tiếp tục giành được sự quan tâm đặc biệt của thị trường trong năm 2010 vừa qua. Tuy nhiên, ảnh hưởng này đến tâm lý NĐT trong năm 2010 đã được khuyếch đại, bởi việc nở rộ các hoạt động luận bàn, hay đúng hơn là lạm bàn về chính sách. Cùng với những yếu tố ngoại cảnh khác, việc "lạm bàn" sôi nổi về CPI, về khủng hoảng nợ của châu Âu, về dòng tiền và đặc biệt là các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ đã tạo ra những con sóng giá chứng khoán tăng hoặc giảm mạnh kéo dài.
Năm 2011 là năm khởi đầu của các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, là năm đánh dấu vị thế mới của Việt
Triển vọng lợi nhuận quyết định xu hướng giá
So với 31/12/2009, VN-Index đóng cửa năm 2010 giảm 2%, HNX-Index giảm 32%, vì hoạt động thao túng bóp méo chỉ số cũng có, nhưng chủ yếu là do khả năng tạo lợi nhuận của các DN niêm yết tại HOSE tốt hơn ở HNX. Tuy nhiên, tìm kiếm được những DN tốt để ra quyết định đầu tư trong một "rừng" DN là rất khó khăn.
Đây chính là lúc NĐT cần đến các công cụ sàng lọc, phân loại cổ phiếu dựa trên các chỉ tiêu tài chính cơ bản; cần đến các tổ chức cung ứng dịch vụ thông tin đầu tư chứng khoán.
Các DN được sàng lọc cần phải được nghiên cứu và đánh giá sâu hơn về triển vọng lợi nhuận sắp tới trước khi đi tới quyết định mua bán. Hiểu được DN, nhưng NĐT cũng cần phải hiểu được xu hướng vận động của thị trường.
Quản trị rủi ro trước khi dùng đòn bẩy tài chính
Mặc dù chưa được thừa nhận về mặt pháp lý, nhưng việc cung cấp và sử dụng dịch vụ margin dưới hình thức "Hợp đồng hợp tác đầu tư" giữa CTCK và NĐT đã nảy nở từ giữa năm 2009 và phát triển mạnh trong năm 2010.
Ở một số CTCK, giá trị Tài khoản "Hợp đồng hợp tác đầu tư" chiếm 20 - 30% tổng giá trị tài sản và khoảng 20 - 30% tổng doanh thu là do hoạt động này mang lại.
Đối với người sử dụng "Tài khoản margin", lợi nhuận mang lại sẽ tăng lên nhiều lần nếu khoản đầu tư có lãi. Tuy nhiên, hoạt động này chứa đựng rất nhiều rủi ro.
Do đó, NĐT cần phải: (i) xác lập "điểm tựa", gồm xác định "thời thế "của thị trường, hiểu được triển vọng lợi nhuận của danh mục cổ phiếu được tài trợ bằng vốn vay; (ii) xác lập được kỳ vọng lợi nhuận mong muốn (về mặt thời gian và mức lợi nhuận) và nguồn vốn tự có có thể huy động; (iii) xác lập tỷ lệ đòn bẩy cần sử dụng, mức dự phòng về nguồn lực và "đường rút" khi cần thiết. Kỷ luật đó cần phải được tuân thủ.
Hoạt động thao túng trên thị trường
Hoạt động thao túng trên TTCK trong năm 2010 có sự thay đổi mạnh về diện (không chỉ dừng lại ở một vài cổ phiếu đơn lẻ, mà còn đối với cả chỉ số chung của thị trường), về mức độ tinh vi (không chỉ đơn thuần thông qua hoạt động giao dịch trực tiếp trên thị trường, mà còn thông qua hoạt động truyền bá tin đồn, thông qua các bản phân tích và nhận định về triển vọng lợi nhuận của DN, thông qua các tuyên bố hùng hồn với những con số rất ấn tượng nhưng lại rất khó kiểm chứng), về phạm vi lôi cuốn (không chỉ lôi cuốn NĐT tham gia, mà còn lôi cuốn cả CTCK và các thành viên chủ chốt của DN niêm yết).
Khó có thể loại bỏ hoàn toàn hoạt động thao túng trên TTCK, các biện pháp giám sát chỉ có tác dụng làm giảm thiểu và hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực của hoạt động này. Do vậy, NĐT cần tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin và tránh các hoạt động giao dịch theo kiểu "kị sĩ không đầu".
Phát hành cổ phiếu theo kiểu "tận thu"
"Tận thu" có lẽ là từ phù hợp nhất để nói về hoạt động phát hành cổ phiếu có thu tiền trong năm 2010. Tính đến 20/12/2010, có 305 DN trên cả 2 sàn (trong số 376 DN đăng ký phát hành năm 2010) đã phát hành 5,726 tỷ cổ phiếu (trong số 8,108 tỷ cổ phiếu đăng ký phát hành) ra thị trường. Trong số đó, lượng cổ phiếu phát hành có thu tiền chiếm khoảng 67%. Mục đích của đợt phát hành và kế hoạch sử dụng vốn còn mang nặng tính đại khái.
So với bộ hồ sơ vay vốn ngân hàng và quá trình xét duyệt của nó, thì bộ hồ sơ phát hành cổ phiếu ra công chúng và quá trình xét duyệt cấp phép phát hành là quá dễ dãi. Trong khi đó, khả năng thu nợ của ngân hàng còn được đảm bảo bằng các khoản thế chấp, còn với cổ đông chỉ có bằng "niềm tin và kỳ vọng" vào ban lãnh đạo DN. Thị trường đã nhận ra điều đó, bằng chứng là sự sụt giảm giá kéo dài của cổ phiếu cho đến trước ngày chốt danh sách cổ đông (đây là điều ngược lại so với sự hồ hởi của những năm trước). Theo khảo sát biến động giá cổ phiếu của các DN đã phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu trong năm 2010 của StoxPlus, 40,7% mã cổ phiếu giảm giá trong vòng 2 tuần trước thời điểm chốt danh sách cổ đông.
Huy động vốn qua TTCK được hiểu một cách đơn giản là DN bán ra "lời hứa" dưới dạng cổ phiếu và trái phiếu cho NĐT để thu tiền về. Do vậy, để đặt đúng chỗ đồng vốn của mình, thị trường cần phải quan tâm và giám sát chặt chẽ hơn về hoạt động hiện tại của DN, về lộ trình phát triển hợp lý của DN, vì đó là những cái tạo ra nhu cầu về huy động vốn của DN, cái đảm bảo "lời hứa" của DN khi phát hành.
Biến động VN-Index và HNX-Index năm 2010 |