45.000 tỷ đồng từ TPCP sẽ được phân bổ năm 2011

(ĐTCK-online) Trong khi chờ Quốc hội thông qua Danh mục các công trình, dự án được đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) cho giai đoạn 2011 - 2015, Chính phủ đang dự kiến phân bổ 45.000 tỷ đồng vốn TPCP cho năm 2011.
Tính đến cuối năm 2010, nợ công của Việt Nam đã lên đến 57% GDP - Ảnh: Hoài Nam Tính đến cuối năm 2010, nợ công của Việt Nam đã lên đến 57% GDP - Ảnh: Hoài Nam

Theo tính toán của các bộ, ngành, nguồn vốn TPCP tối thiểu để đầu tư cho các công trình, dự án quan trọng, bức thiết, có hiệu quả và có khả năng hoàn thành sớm để đưa vào khai thác, sử dụng năm 2011 vào khoảng 83.352 tỷ đồng. Tuy nhiên, đứng trước thực trạng nợ công đang tiến rất nhanh đến giới hạn mất an toàn (nợ công của Việt Nam vào cuối năm 2010 đã lên đến 57% GDP), năm 2011, Quốc hội chỉ "cấp quota" 45.000 tỷ đồng TPCP, giảm đáng kể so với nguồn vốn TPCP năm 2010 là 66.000 tỷ đồng (trong đó có 10.000 tỷ đồng được chuyển từ năm 2009 sang).

"Trong bối cảnh cơ sở hạ tầng vừa thiếu, vừa yếu, vừa không đồng bộ nên bộ, ngành, địa phương nào cũng có nhu cầu đầu tư, nhưng nguồn vốn có hạn nên cần phải "liệu cơm gắp mắm". Vì vậy, ngoại trừ các công trình đang đầu tư dở dang, cần phải rà soát lại tất cả các công trình mới dự kiến khởi công trong năm nay", Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên phát biểu.

Việc phải giảm nguồn vốn đầu tư từ TPCP, theo ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội là phù hợp với tình hình thực tiễn trong điều kiện phải giảm nợ công, giảm bội chi ngân sách xuống mức 2-3% GDP trong vòng vài năm tới. Lạm phát năm 2010 đã tăng vọt lên mức 11,75% và dự báo trong năm 2011 tiếp tục diễn biến phức tạp. "Ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát phải được đặt lên hàng đầu và cần phải chú trọng ngay từ đầu năm 2011. Nếu lạm phát tiếp tục có chiều hướng xấu, cần phải sử dụng các biện pháp mạnh để kiềm chế như đã từng thực hiện vào năm 2008, trong đó phải rà soát, cắt giảm các dự án đầu tư chưa thực sự cấp bách", ông Hiển đặt vấn đề.

"Đầu tư cơ sở hạ tầng được coi là bước đột phá nhằm gỡ 1 trong 3 nút thắt lớn nhất trong phát triển kinh tế giai đoạn tới là hợp lý, nhưng nếu ngân sách cứ đầu tư tràn lan thì cả nước sẽ trở thành ‘đại công trường’ và công trình nào cũng dở dang do thiếu vốn, làm giảm hiệu quả kinh tế, tăng gánh nặng cho ngân sách, tăng bội chi cho những năm sau này. Vì vậy, một mặt phải giảm đầu tư từ ngân sách, mặt khác, phải xã hội hoá hoạt động đầu tư. Dự án nào có khả năng thu hồi vốn thì nên khuyến khích các thành phần kinh tế khác tham gia thay vì Nhà nước đầu tư bằng ngân sách hoặc nguồn vốn TPCP", ông Hiển kiến nghị.

Đồng quan điểm phải đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát lên trên mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Phúc cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến lạm phát năm 2010 vượt ngoài tầm kiểm soát là do lãi suất trên thị trường tiền tệ quá cao, mà nguyên nhân chính khiến lãi suất thị trường tiền tệ tăng mạnh là do Bộ Tài chính đẩy mạnh phát hành TPCP, "cạnh tranh" với các ngân hàng trong việc huy động vốn.

"Trong khi chúng ta (Chính phủ và Uỷ  ban Thường vụ Quốc hội) chỉ bàn về việc phân bổ nguồn vốn TPCP, phân bổ cho những dự án nào, bộ, ngành nào bao nhiêu tiền, thì lại quên mất vấn đề đề hết sức quan trọng là trong bối cảnh lãi suất huy động trên thị trường tiền tệ đang ở mức 14-16%/năm thì lãi suất TPCP ở mức bao nhiêu là hợp lý? Với mức lãi suất hợp lý (thấp hơn lãi suất thị trường) thì liệu có huy động được không? Còn nếu lãi suất TPCP chạy theo lãi suất thị trường sẽ tiếp tục tạo ra cuộc cạnh tranh lãi suất với hệ thống ngân hàng và hệ quả là mục tiêu kiềm chế lạm phát khó đạt được mức tối đa 7% như Nghị quyết của Quốc hội đặt ra", ông Phúc lo ngại.

Không phủ nhận hiệu quả của nguồn vốn TPCP, song ông Phúc cho rằng, ngoại trừ năm 2011, Quốc hội đã "quyết khối lượng TPCP" từ năm 2012 trở đi nên giảm dần khối lượng phát hành. "Thậm chí ngay trong năm nay, nếu tình hình lạm phát căng thẳng thì nên lùi hoặc giãn việc phát hành TPCP. Bởi cùng một đồng vốn trong xã hội, nếu ngân sách giảm bớt huy động sẽ tạo ‘dư địa’ cho các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp huy động vốn để mở rộng đầu tư hoạt động sản xuất - kinh doanh hoặc đầu tư cho các công trình, dự án sẽ hiệu quả hơn".

TPCP là nguồn vốn đi vay, ngân sách trung ương phải chịu trách nhiệm trả nợ. Vì vậy, theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, cần phải chấm dứt ngay tình trạng các địa phương đua nhau lập dự án rồi… giao phó cho ngân sách trung ương huy động vốn để thực hiện. "Nhu cầu đầu tư thì vô cùng, nhưng phải "liệu cơm gắp mắm" theo hướng kiên quyết không bố trí vốn cho những dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, không bố trí phần vốn tăng thêm do điều chỉnh quy mô dự án hoặc tăng đầu tư bất hợp lý…", ông Kiên chỉ đạo. 

Hàn Tín
Hàn Tín

Tin cùng chuyên mục