Đoàn kết với người tài, đức, có lòng phụng sự nhân dân
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu nhiều luận điểm sâu sắc, thấm thía, có tính chân lý về vai trò của khối đại đoàn kết. Người luôn nhấn mạnh, đoàn kết là cội nguồn của sức mạnh. Người viết: “Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết chặt chẽ, thì chúng ta nhất định có thể khắc phục mọi khó khăn, phát triển mọi thuận lợi và làm trọn nhiệm vụ nhân dân giao phó”, “Đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi”, “Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thắng lợi”, “Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công”; “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, Thành công, thành công, đại thành công”… Và Người coi đoàn kết là gốc, là nơi sản sinh ra những thành tựu khác: “Bây giờ còn một điểm rất quan trọng, cũng là điểm mẹ. Điểm này mà thực hiện tốt thì đẻ ra con cháu đều tốt: Đó là đoàn kết”.
Tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa, phát triển những giá trị tốt đẹp của truyền thống dân tộc, vừa kế thừa tinh hoa văn hóa nhân loại. Sự thống nhất hài hoà giữa tư tưởng, hành động và đạo đức Hồ Chí Minh đã làm cho đại đoàn kết không phải chỉ là tư tưởng, khẩu hiệu mà thực sự trở thành động lực, thành sức mạnh quy tụ toàn dân tộc dưới ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Chính mục đích và lý tưởng suốt đời vì độc lập cho đất nước, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân của Hồ Chí Minh, chính đạo đức cách mạng mẫu mực, tác phong bình dị, chân tình của Người khiến cho tư tưởng đoàn kết Người nêu luôn có sức cảm hoá lớn đối với mọi người.
Trong từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng, đại đoàn kết dân tộc là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng, của dân tộc. Để thực hiện mục tiêu này, Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần quan điểm quần chúng, phải gần gũi quần chúng, lắng nghe quần chúng; vận động, tổ chức và giáo dục quần chúng, coi sức mạnh của cách mạng là ở nơi quần chúng: phải thấm nhuần lời dạy “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”.
Người khẳng định, đại đoàn kết dân tộc là đại đoàn kết toàn dân, trên nền tảng liên minh công nhân, nông dân, lao động trí óc. Theo ý nghĩa đó, nội hàm khái niệm đại đoàn kết trong tư tưởng Hồ Chí Minh rất phong phú, nó bao gồm nhiều tầng lớp, nhiều bộ phận. Hồ Chí Minh đã nhiều lần nói: “Đoàn kết của ta không những rộng rãi mà còn đoàn kết lâu dài… Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và bảo vệ Tổ quốc; ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà. Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”.
Đại đoàn kết dân tộc còn phải đoàn kết và thống nhất trong Đảng. Đồng thời muốn đoàn kết thống nhất trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi ở trong Đảng, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân và các biểu hiện tiêu cực khác, phải sống với nhau có tình có nghĩa.
Để tổ chức khối đại đoàn kết dân tộc, tuỳ theo từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất có thể có tên gọi khác nhau qua các thời kỳ, từ Hội Phản đế đồng minh (1930) đến khi mang tên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1955, 1976), nhưng thực chất chỉ là một, với mục tiêu duy nhất là đoàn kết dân tộc.
Đó là tổ chức chính trị - xã hội rộng rãi, tập hợp đông đảo các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, đảng phái, các tổ chức, cá nhân yêu nước ở trong và ngoài nước, phấn đấu vì mục tiêu chung là độc lập, thống nhất của Tổ quốc và tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Chính bởi Người đã hiểu thấu tất cả, cảm thông tất cả, phấn đấu và hy sinh vì tất cả những khát vọng, ước mơ sâu lắng nhất của dân tộc - con người Việt Nam nên tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh trở thành sức mạnh vô địch, sức sống bất diệt, tên tuổi Hồ Chí Minh thành gần gũi, thân thiết mà thiêng liêng đối với dân tộc Việt Nam.
Bài học “mẹ” của Bác hôm nay
Hiện nay, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, kinh tế tri thức và quá trình toàn cầu hoá diễn ra mạnh mẽ, tác động sâu sắc đến sự phát triển của nhiều nước.
Trong bối cảnh đó, bên cạnh những thành tựu đạt được, công cuộc đổi mới của đất nước ta vẫn đang tiềm ẩn những khó khăn, thách thức khó lường, đòi hỏi toàn Đảng toàn dân ta phải hết sức sáng suốt và kiên quyết tháo gỡ, khắc phục.
Đảng ta đã nhận định, công cuộc đổi mới của đất nước đang đứng trước 4 nguy cơ, thách thức chúng ta cần phải khắc phục, vượt qua. Đó là nguy cơ tụt hậu về kinh tế; nguy cơ chệch hướng XHCN; tham nhũng, hối lộ đang là tệ nạn xã hội; nguy cơ diễn biến hòa bình.
Từ thực tế đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng nêu rõ: ‘‘Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong bối cảnh mới. Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng; xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung... để tập hợp, đoàn kết mọi người vào mặt trận chung, tăng cường đồng thuận xã hội’’.
Bối cảnh mới nói trên cho thấy, bài học đại đoàn kết dân tộc của Người vẫn nóng hổi tính thời sự, đòi hỏi càng phải hết sức thực hiện đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân và đoàn kết quốc tế theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thứ nhất, về đoàn kết trong Đảng, trong chủ trương, đường lối của Đảng
Từ khi cả nước Việt Nam thống nhất bước vào cách mạng xã hội chủ nghĩa, bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết phù hợp với thời kỳ mới. Qua các Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng và nhiều Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương, từ năm 1976 đến nay, các Nghị quyết của Đảng đều toát lên những tư tưởng chỉ đạo là: Phải khơi dậy và phát huy đến mức cao nhất sức mạnh dân tộc, đặt lợi ích dân tộc, của đất nước và của con người lên hàng đầu, lấy đó làm cơ sở để xây dựng các chủ trương, chính sách kinh tế - xã hội.
Trong gần một phần ba thế kỷ đổi mới vừa qua, hiếm thấy nghị quyết nào của Đảng nhận được sự đồng tình, ủng hộ, nhất trí cao của tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI của Đảng, đang được thực thi sâu rộng trong toàn Đảng, các cấp chính quyền, đoàn thể.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã xác định rõ ràng, dứt khoát, công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Để có một Việt Nam phát triển nhanh, bền vững theo quan điểm Đại hội XI của Đảng dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, thì Đảng “cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân” như lời dặn trong Di chúc của Người. Bởi vì có dân là có tất cả, mất niềm tin của dân là mất tất cả.
Thứ hai, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trên nền tảng liên minh công - nông - trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng
Đại đoàn kết dân tộc trên nền tảng liên minh công nhân - nông dân - trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn hiện nay để nhằm rửa cái nhục đói nghèo, lạc hậu, tụt hậu xa hơn về kinh tế, về khoa học, kỹ thuật và công nghệ so với các nước trong khu vực và trên thế giới; thực hiện được điều mong muốn của Người là làm cho đất nước ta có thể ‘‘sánh vai với các cường quốc năm châu’’, là ‘‘xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh’’; hay như Đảng ta đã nêu mục tiêu là: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thứ ba, đại đoàn kết dân tộc phải gắn với đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước và sức mạnh quốc tế để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần vào sự nghiệp cách mạng thế giới.
Thực tiễn cách mạng Việt Nam hơn 8 thập kỷ qua đã chứng minh hùng hồn sức sống kỳ diệu và sức mạnh vĩ đại của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc. Tư tưởng đó sẽ ngày càng phát triển, hoàn thiện cùng với thực tiễn đang biến đổi của đất nước, là ngọn nguồn tạo nên sức mạnh vô địch của cách mạng Việt Nam để thực hiện thành công công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.