Sáng 2/7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM, tổ chức họp để đánh giá các giải pháp phòng chống dịch thời gian qua.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, nhận định dịch Covid-19 tại TPHCM diễn biến rất khó lường và phức tạp. Trong 10 ngày gần đây, ca mắc Covid-19 mới của thành phố đều ở 3 con số và tốc độ gia tăng rất nhanh.
"Đặc biệt, trong hôm qua, thành phố ghi nhận 464 trường hợp mắc Covid-19 mới. Trong đó, đến 85 bệnh nhân ghi nhận ở ngoài cộng đồng", Thứ trưởng Bộ Y tế dẫn con số.
Xu hướng lây lan cao
"Số ca nhiễm cộng đồng bắt đầu có xu hướng xảy ra lây lan cao. Đây là một trong những yếu tố hết sức khó khăn cho thành phố trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19", ông Nguyễn Trường Sơn nói.
Đại diện Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Y tế tại TPHCM, thông tin dịch Covid-19 tại TPHCM đang có dấu hiệu liên quan, lan rộng và có tính chất phức tạp ở một số địa phương. Ngoài những địa phương giáp ranh, như: Long An, Bình Dương, Đồng Nai; còn có một số tỉnh, thành khác có quan hệ mật thiết với thành phố, như: Tiền Giang, Đồng Tháp, xa hơn là Phú Yên và Quảng Ngãi.
"Việc liên thông, giao lưu với các địa phương đặt ra tình huống cần lưu tâm là có thể dịch bệnh xuất phát từ TPHCM, nhưng có thể có sự lây lan ngược lại qua quá trình tiếp xúc. Tình hình rất phức tạp", Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá.
Tại buổi họp, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh, cho biết tính từ 6h ngày 1/7 đến 6h ngày 2/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) ghi nhận 533 trường hợp nghi mắc Covid-19.
Trong đó, 460 trường hợp phát hiện tại khu vực đã cách ly, phong tỏa; 2 người là dân quân trực tại khu phong tỏa quận 5 và TP Thủ Đức; 42 người được phát hiện khi đi khám tại bệnh viện; một trường hợp phát hiện khi tầm soát cộng đồng và 28 người khác đang được bổ sung thông tin.
Lãnh đạo ngành y TPHCM cho rằng dịch bệnh tăng nhanh trong đợt bùng phát lần này do chủng virus Delta có đặc tính lây nhiễm mạnh. Đợt bùng phát dịch lần này ghi nhận những ca lây nhiễm trong hàng xóm, gia đình, nơi làm việc, nơi chế biến thực phẩm và các tòa nhà làm văn phòng...
TPHCM mới sử dụng 128.000 test nhanh là rất hạn chế
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá công tác tổ chức xét nghiệm, lấy mẫu, tổng hợp mã và cho kết quả tại TPHCM cần khắc phục nhiều vấn đề. Bên cạnh đó, công tác truy vết, cách ly, phong tỏa chưa đạt được như mong đợi, còn bất cập cần khắc phục.
"Quan điểm của Bộ Y tế là khuyến cáo các địa phương sử dụng test nhanh một cách hợp lý. Đặc biệt, các test nhanh được sử dụng trong khoanh vùng, phong tỏa khi phát hiện các F0. Việc TPHCM mới sử dụng 128.000 test nhanh trên tổng số 252.000 test được cấp là còn rất hạn chế", ông Nguyễn Trường Sơn đề nghị lãnh đạo thành phố tăng cường chỉ đạo các quận, huyện tăng cường năng lực.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (bên trái), kiểm tra kho lưu trữ vắc xin phòng Covid-19 tại TPHCM (Ảnh: Phạm Nguyễn). |
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương chủ động, đảm bảo không tụ tập trong tổ chức xét nghiệm Covid-19. Trong đó, người dân cần được phân bổ thời gian, không gian, địa điểm hợp lý, đảm bảo giãn cách trong thời gian thực hiện Chỉ thị 10 của UBND TPHCM.
"Các địa phương có thể thực hiện lấy mẫu tại đầu ngõ, hẻm để người dân bên trong đi ra. Phương án này đơn giản hơn và đảm bảo hơn là lấy mẫu tại các trường học hay địa điểm có quy mô lớn", Thứ trưởng Bộ Y tế nêu giải pháp.
Đại diện Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế, HCDC có đội ngũ dự bị để triển khai xét nghiệm nhanh khi cần hoàn thành xét nghiệm tại khu cách ly, khu phong tỏa. Ông Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh các lực lượng cần đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm, tránh để người dân chờ đợi kết quả, chưa thể giải tỏa cách ly sau 21 ngày.
Về vắc xin phòng Covid-19, ông Nguyễn Trường Sơn thông tin sáng nay, 400.000 liều vừa về tới sân bay Tân Sơn Nhất, lượng vắc xin này có thể được sử dụng cho địa bàn TPHCM. Thời gian tới, Trung ương sẽ phân bổ số lượng lớn vắc xin cho TPHCM, khoảng gần một triệu liều.
"Thành phố vẫn còn chệch choạc trong lần tiêm vắc xin vừa rồi. Mong thành phố sớm xây dựng kế hoạch chi tiết về sử dụng lượng vắc xin này để khi tiếp nhận sẽ sẵn sàng triển khai cho chiến dịch tiêm chủng diện rộng tiếp theo", Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị.