4 ngân hàng lớn nhất: Những sắc thái khác nhau

(ĐTCK) Kết quả hoạt động của 4 ngân hàng lớn nhất hệ thống trong năm qua cơ bản đã rõ ràng với những gam màu khác nhau.
BIDV đã đạt được kết quả khá toàn diện cả về quy mô, cơ cấu, hiệu quả năm 2018. BIDV đã đạt được kết quả khá toàn diện cả về quy mô, cơ cấu, hiệu quả năm 2018.

Nỗ lực tái cơ cấu

Tại Hội nghị tổng kết diễn ra vào chiều ngày 10/1, ông Lê Ðức Thọ, Chủ tịch HÐQT VietinBank cho biết, lợi nhuận năm 2018 của Ngân hàng vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể, lãi trước thuế vượt khoảng 2% so với kế hoạch lợi nhuận đã điều chỉnh tại Ðại hội đồng cổ đông bất thường của VietinBank vào đầu tháng 12/2018 là 6.700 tỷ đồng, tương đương lợi nhuận năm 2018 đạt khoảng 6.834 tỷ đồng.

“Kết quả lợi nhuận vượt kế hoạch đề ra, nhưng giảm so với năm 2017 do điều chỉnh nâng cao tiêu chuẩn hoạt động, đánh giá và phân loại nợ thực chất, theo chuẩn mực mới.

Ðiều này về lâu dài sẽ bảo đảm cho sự phát triển bền vững, hiệu quả của VietinBank, đồng thời cũng thể hiện sự chủ động của Ngân hàng trong việc rà soát, tái cấu trúc hoạt động, cũng như thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương Ðảng, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Ðảng ủy Khối về tái cơ cấu ngân hàng thương mại”, ông Thọ nói.

Cũng theo ông Thọ, công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro được chú trọng, tăng cường; kiểm soát chặt chẽ quy trình cho vay từ khâu khách hàng, thẩm định, phê duyệt, giải ngân vốn vay; kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng vào những lĩnh vực có hệ số rủi ro cao.

Tăng cường các biện pháp thu hồi các khoản nợ quá hạn, nợ xấu. Áp dụng toàn diện và linh hoạt các biện pháp tại Nghị quyết 42 để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, đẩy mạnh bán các khoản nợ theo cơ chế thương mại, bảo đảm thu hồi tối đa cho ngân hàng và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật…

Còn tại Agribank, ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên cho biết, tuy hiện nay vẫn còn những vụ án bị khởi tố, những phiên tòa phán xử trách nhiệm các cá nhân đã gây ra tổn thất cho Agribank trong quá khứ; hay vẫn còn hiện tượng ồ ạt rút tiền gửi khi phương tiện thông tin đại chúng loan báo về phá sản Công ty Cho thuê Tài chính II (ALCII) nhưng Agribank đã thanh toán đầy đủ, kịp thời, đảm bảo hoạt động kinh doanh an toàn và hiệu quả.

“Ðiều này khẳng định Agribank đã vượt qua thời kỳ khó khăn, đứng vững trong cạnh tranh. Chúng tôi tiếp tục về đích trước thời hạn kế hoạch tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ nợ xấu theo yêu cầu của Nghị quyết 42 tại Agribank đã về mức 2,78% năm 2018. Với gần 26 nghìn tỷ đồng đã được trích lập dự phòng rủi ro, Ngân hàng đủ khả năng mua lại toàn bộ nợ đã bán cho VAMC và xử lý kịp thời các khoản nợ xấu phát sinh nếu có trong năm 2019”, ông Khánh nhấn mạnh.

Kết thúc năm 2018, ông Khánh cho biết, Agribank đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh được NHNN và Bộ Tài chính giao. Cụ thể, tổng tài sản đạt gần 1 triệu 300 nghìn tỷ đồng; nguồn vốn huy động đạt hơn 1 triệu 200 nghìn tỷ đồng; dư nợ đạt gần 1 triệu 100 nghìn tỷ đồng.

Việc nền kinh tế tăng trưởng tích cực đã góp phần giúp Agribank không chỉ đưa nợ xấu nội bảng về mức 1,51%, tăng thu dịch vụ ở mức trên 20%, mà còn thu hồi được gần 12 nghìn tỷ đồng nợ đã bán và đã xử lý rủi ro, chiếm tỷ lệ 14% tổng dư nợ đã xử lý. Con số này có đóng góp quan trọng với việc ghi nhận 7.525 tỷ đồng lợi nhuận năm 2018 của Agribank. 

Và những cái nhất

Ông Phan Ðức Tú, Chủ tịch HÐQT BIDV cho biết, trên cơ sở triển khai chỉ đạo của Chính phủ, của Ban lãnh đạo NHNN, BIDV đã đạt được kết quả khá toàn diện cả về quy mô, cơ cấu, chất lượng, hiệu quả và phát triển thể chế.

Cụ thể, tổng tài sản đạt 1.283 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1%; dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1.214 nghìn tỷ đồng; tập trung vào tín dụng ngắn hạn, tăng ngay từ đầu năm và tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ. Dư nợ ngắn hạn đạt 60,4% tổng dư nợ. Vòng quay vốn tín dụng ngắn hạn đạt 3,9 vòng, cao nhất từ trước đến nay.

Bên cạnh đó, tổng huy động vốn đạt 1.202 nghìn tỷ đồng; đáp ứng cho nhu cầu tín dụng và đảm bảo các chỉ số an toàn theo quy định. Chất lượng tín dụng được kiểm soát, nợ xấu dưới 1,4%; cơ cấu tín dụng chuyển mạnh sang cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa (tăng trưởng 20%; chiếm 25,4% tổng dư nợ); tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Lợi nhuận tăng 13% so với năm 2017, tương ứng với con số 9.900 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, con số cao nhất từ trước tới nay.

“Ðặc biệt, cơ cấu và quản trị hoạt động của Ngân hàng đã có sự chuyển dịch tích cực và căn bản cả về nền tảng khách hàng, danh mục đầu tư, cơ cấu tài sản, phát triển thể chế theo chuẩn Basel 2 và thông lệ quốc tế, phục vụ tốt nhu cầu gần 10 triệu khách hàng tổ chức và cá nhân”, ông Tú nhấn mạnh.

Trong khi đó, định hướng hoạt động “Mua buôn, Bán lẻ” trong năm 2018, với 3 trụ cột là bán lẻ, dịch vụ, kinh doanh vốn và đầu tư đã mang lại cho Vietcombank một năm đột phá về lãi.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng đạt 18.016 tỷ đồng, thực hiện 120,1% kế hoạch 2018, tăng tới 63% so với năm 2017, vượt 50% kế hoạch tại Phương án cơ cấu lại và vượt trên 35% kế hoạch đặt ra từ đầu năm, gấp gần 3 lần so với quy mô lợi nhuận năm 2015. Lợi nhuận hợp nhất đạt 18.346 tỷ đồng, thực hiện 138% kế hoạch Ðại hội đồng cổ đông giao phó, tăng 62% so với năm 2017.

“Mức lợi nhuận hơn 18.000 tỷ đồng trong năm qua giúp Ngân hàng không chỉ là đứng đầu về nộp Ngân sách Nhà nước mà còn là ngân hàng có vốn hóa cao nhất trong số các ngân hàng đã niêm yết”, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HÐQT Vietcombank nói.

Cùng với mức lợi nhuận “khủng”, công tác xử lý thu hồi nợ xấu đạt kết quả ấn tượng với tỷ lệ nợ xấu nội bảng được phân loại theo chuẩn mực quốc tế đạt 0,97%, mức thấp nhất trong các ngân hàng thương mại quy mô lớn, dư nợ xấu nội bảng là 6.181 tỷ đồng, quỹ dự phòng rủi ro ở mức 10.490 tỷ đồng, thu hồi nợ ngoại bảng đạt 3.271 tỷ đồng.

Ðáng chú ý, quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế tốt nhất đã có bước tiến dài khi Vietcombank là ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đầu tiên đáp ứng và triển khai thực hiện Basel II, sớm 1 năm so với quy định của NHNN.

Trong đó, việc thực hiện thành công phương án bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài là GIC và Mizuho với tổng giá trị bán đạt gần 6.200 tỷ đồng đã đưa Vietcombank trở thành ngân hàng có quy mô vốn chủ sở hữu lớn nhất tại Việt Nam, tạo nền tảng đáp ứng yêu cầu về an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II để phát triển bền vững trong tương lai.

Hồng Dung

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục