Nhiều giải pháp đã được thực hiện như giảm thuế, giảm lãi suất, tăng lương... nhằm kích cầu nội địa. Kết quả có đạt được kỳ vọng, thưa bà?
Tín hiệu đáng mừng là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục tăng trong những tháng gần đây. Tính chung 9 tháng năm 2024, thị trường nội địa tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, bán lẻ hàng hóa tăng 7,9%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 13,6%; dịch vụ du lịch lữ hành tăng 16,7%...
Mức tăng trưởng này vẫn thấp hơn giai đoạn trước Covid-19. Cụ thể, 9 tháng đầu năm giai đoạn 2015 - 2019, thị trường nội địa tăng trưởng bình quân 11,3%/năm. Tuy nhiên, xét theo quy mô thị trường, thì mức tăng tương đối khá. Quy mô thị trường 9 tháng năm nay tăng 379.108 tỷ đồng so với năm 2023 và tăng 775.323 tỷ đồng so với năm 2022.
Bà đánh giá thế nào về hiệu quả của các giải pháp kích cầu?
Trong các giải pháp kích cầu, thì việc giảm thuế giá trị gia tăng có tác động lớn nhất, vì không chỉ có độ phủ tới tất cả người tiêu dùng, mà còn góp phần giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, góp thêm phần giảm giá bán sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; giúp doanh nghiệp mở rộng hoạt động kinh doanh, tạo việc làm, qua đó tăng thu nhập cho người lao động, tạo điều kiện cho người dân tăng chi tiêu.
Nhìn chung, nhu cầu tiêu dùng trong nước phục hồi, nhưng chưa cao. Kết quả khảo sát tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngành thương mại và dịch vụ cũng phản ánh điều này. Trên 54% số doanh nghiệp cho biết, nhu cầu thị trường trong nước quý III/2024 thấp hơn so với quý trước đó.
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, tiêu dùng cuối cùng tác động thế nào đến tăng trưởng kinh tế?
GDP tính theo phương pháp sử dụng, trong quý III/2024, tiêu dùng cuối cùng đóng góp 59,78% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản đóng góp 39,03%; chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 1,19%.
Còn trong 9 tháng đầu năm nay, tỷ trọng đóng góp tương ứng là 62,66%; 36,68% và 0,66%. Trong đó, riêng tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư tăng 6,43%, đóng góp 3,83 điểm phần trăm trong GDP (tăng 6,82%).
Số liệu này cho thấy, tiêu dùng cuối cùng (thị trường nội địa), tính theo phương pháp sử dụng, gần như quyết định tốc độ tăng trưởng GDP.
Ngoại trừ giải pháp phát tiền mặt hoặc phiếu giảm giá cho người dân như một số nước, các giải pháp kích cầu còn lại đã được Việt Nam triển khai, nhưng thị trường nội địa vẫn phục hồi chậm. Theo bà, đâu là nguyên nhân?
Nhu cầu tiêu dùng trong nước phục hồi chậm có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro do phụ thuộc vào nhu cầu thế giới; thu nhập chưa tốt, người dân có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn và hạn chế mua sắm những đồ dùng không cần thiết.
Thứ hai, hạ tầng chưa đồng bộ, hệ thống chợ đầu mối và logistics chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; giá bất động sản tăng cao, chi phí thuê mặt bằng cao, dẫn đến chi phí thương mại cao và hạn chế khả năng cạnh tranh. Nhiều gói kích cầu đã được đưa ra, song một số chính sách, quy định chưa thực sự hỗ trợ tối đa cho sự phát triển của ngành bán lẻ, các cơ sở bán lẻ quy mô nhỏ thiếu kiến thức quản lý và quản trị kinh doanh, nên khó cạnh tranh với doanh nghiệp lớn và chuỗi bán lẻ toàn cầu…
Thứ ba, cuộc đua giành thị phần giữa doanh nghiệp nội địa và nước ngoài rất gay gắt, khiến doanh nghiệp trong nước gặp khó trong việc duy trì, mở rộng thị phần. Giá thuê mặt bằng cao, nên nhiều cửa hàng phải đóng cửa. Xu hướng mua sắm trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội phổ biến và rất khó kiểm soát cũng là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm tốc độ của thị trường bán lẻ.
Còn phải kể đến giải ngân vốn đầu tư công (tiêu dùng cuối cùng của Chính phủ) thấp nữa, thưa bà?
Đúng vậy. Cầu tiêu dùng cuối cùng thấp còn bị ảnh hưởng rất lớn bởi giải ngân vốn đầu tư còn thấp, đặc biệt là đầu tư công, một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Cụ thể, 9 tháng đầu năm, ước thực hiện vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đạt 55,7% kế hoạch, chỉ tăng 2%, chưa đạt kỳ vọng (trên 65% kế hoạch để về đích cả năm đạt trên 95% kế hoạch).
Vậy theo bà, cần những giải pháp nào để thúc đẩy thị trường nội địa?
Có 4 nguyên nhân khiến thị trường nội địa phục hồi chậm, tương ứng cần 4 giải pháp.
Thứ nhất, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát và ổn định tỷ giá hối đoái. Thúc đẩy tăng trưởng, nhưng cần tiếp tục thực hiện các chính sách nhằm kiểm soát lạm phát và duy trì mức giá ổn định để đảm bảo sức mua của người dân không bị suy giảm. Đảm bảo nguồn cung ngoại tệ ổn định để tránh biến động tỷ giá ảnh hưởng đến nhập khẩu nguyên liệu và xuất khẩu hàng hóa.
Thứ hai, đẩy mạnh tiêu dùng cuối cùng trong nước bằng cách thực hiện có hiệu quả các chương trình kích cầu như giảm giá, khuyến mãi, nhất là với mặt hàng sản xuất trong nước...; thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử.
Thứ ba, thúc đẩy xuất khẩu và hội nhập quốc tế bằng cách tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ quốc tế, tìm kiếm đối tác mới và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Cuối cùng, là đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tăng tốc giải ngân các dự án đầu tư công, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông, để tạo động lực cho các ngành liên quan như xây dựng, sản xuất vật liệu, logistics cũng như thúc đẩy thuận lợi trong lưu thông hàng hóa.