4 công ty con của Vicem khai thác mỏ vượt phép, Vicem nói gì

0:00 / 0:00
0:00
Tình trạng khai thác vượt phép của các công ty thành viên Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) là do thủ tục cấp quyền khai thác mỏ mất rất nhiều thời gian, Vicem giải thích.
Theo Vicem, tình trạng khai thác vượt phép của các công ty thành viên là do thủ tục cấp quyền khai thác mỏ mất rất nhiều thời gian. Theo Vicem, tình trạng khai thác vượt phép của các công ty thành viên là do thủ tục cấp quyền khai thác mỏ mất rất nhiều thời gian.

Kiểm toán Nhà nước mới đây đã thông báo kết luận kiểm toán chuyên đề quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017 - 2021 của Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), trong đó nhấn mạnh 4 doanh nghiệp lớn thuộc Vicem khai thác mỏ vượt phép.

Theo kết luận này, Công ty CP Xi măng Vicem Hoàng Mai thăm dò khoáng sản khi chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép. Tại mỏ đá vôi Hoàng Mai B (tỉnh Nghệ An), năm 2019. Đơn vị này khai thác vượt công suất 212.208 tấn đá vôi; năm 2020 khai thác vượt 82.860 tấn đá vôi; năm 2021 khai thác vượt 153.740 tấn đá vôi, so với giấy phép khai thác khoáng sản được cấp vào năm 1995.

Ở mỏ đá Tràng Kênh (Hải Phòng), Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Hải Phòng khai thác vượt công suất cấp phép 84.572 tấn, trong năm 2021.

Năm 2021, Công ty Xi măng Vicem Tam Điệp cũng khai thác vượt công suất mỏ đá vôi Hang Nước (Ninh Bình) khoảng 111.188 tấn, so với giấy phép được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp.

Tại mỏ sét Ba Sao (Hà Nam), Công ty CP Xi măng Vicem Bút Sơn khai thác vượt công suất mỏ, trong 2 năm liên tiếp (2019 và 2020). Trong đó, năm 2019, Vicem Bút Sơn khai thác vượt công suất mỏ sét Ba Sao khoảng 215.380 tấn, năm 2020 khai thác vượt công suất 43.350 tấn, so với giấy phép được cấp.

Làm rõ thêm câu chuyện vì sao các doanh nghiệp thành viên phải khai thác vượt công suất, đại diện Vicem cho biết, tình trạng các đơn vị thành viên như Vicem Hoàng Mai, Vicem Tam Điệp, Vicem Bút Sơn, Vicem Hải Phòng khai thác vượt phép các mỏ một phần xuất phát từ việc các đơn vị thành viên ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất các dây chuyền hiện hữu.

Thời gian qua năng suất của toàn tổng công ty đã tăng 10% so với thiết kế ban đầu. Nhờ đó năng suất thiết bị được nâng cao, trung bình toàn Vicem vượt trên 10% năng suất thiết kế ban đầu, từ 18,9 triệu tấn clinker/năm lên 22 triệu tấn clinker/năm, tương đương tăng 3 triệu tấn clinker/năm.

Một số dây chuyền sản xuất xi măng thuộc Vicem đã vượt 10-25% năng suất thiết kế nhờ tối ưu sản xuất, thời gian vận hành lò nung clinker ổn định dài ngày, có dây chuyền đã chạy đến 354 ngày/năm so với thiết kế ban đầu khoảng 300-315 ngày/năm. Trong đó, Vicem Hải Phòng tăng từ 3.300 tấn clinker/ngày lên 4.000 tấn clinker/ngày.

Vicem Tam Điệp tăng từ 4.000 tấn clinker/ngày lên 4.600 tấn clinker/ngày, Vicem Hoàng Mai tăng từ 4.000 tấn clinker/ngày lên 4.500 tấn clinker/ngày, Vicem Bút Sơn tăng từ 4.000 tấn clinker/ngày lên 4.400 tấn clinker/ngày…

Nhiều dây chuyền vận hành ổn định, dài ngày, có dây chuyền chạy lò kỷ lục lên đến 354 ngày/năm, vượt 39 -54 ngày so với thiết kế ban đầu (khoảng 300 -315 ngày/năm).

"Như vậy, việc tăng năng suất lò cộng với chạy lò dài ngày đã đưa sản lượng sản xuất tăng cao, nên nguyên liệu sét, đá vôi cũng tăng tương ứng; trong khi các giấy phép khai thác khoáng sản đều cấp theo công suất thiết kế ban đầu, buộc doanh nghiệp phải khai thác vượt công suất so với giấy phép, để đáp ứng đủ nguyên liệu cho sản xuất", đại diện Vicem giải thích.

Mặt khác, để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên không tái tạo; trong quá trình khai thác, các đơn vị thuộc Vicem đã tận thu nhiều loại đất, đá xen kẹp, khoáng sản đi kèm khoáng sản chính, để đưa vào sản xuất clinker, xi măng.

Để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất, các đơn vị thành viên Vicem đã sớm triển khai thủ tục xin điều chỉnh giấy phép khai thác mỏ hiện hữu, xin nâng công suất khai thác mỏ, kịp thời bổ sung lượng nguyên liệu còn thiếu.

Cụ thể, Mỏ sét Ba Sao Vicem Bút Sơn đã làm hồ sơ xin cấp phép; Vicem Hoàng Mai xin điều chỉnh công suất mỏ đá vôi Hoàng Mai B; Vicem Tam Điệp đã có văn bản gửi Tổng cục Địa chất khoáng sản Việt Nam xin hướng hẫn lập sồ sơ xin điều chỉnh giấy phép khoáng sản mỏ đá vôi Hang Nước.

Do thủ tục xin điều chỉnh giấy phép khai thác mỏ đòi hỏi qua nhiều cấp phê duyệt, mất nhiều thời gian, dẫn đến việc điều chỉnh giấy phép khai thác của cơ quan có thẩm quyền chưa kịp thời so với nhu cầu sử dụng nguyên liệu thực tế. Hiện các đơn vị thuộc Vicem đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn thành thủ tục cấp phép điều chỉnh khai thác mỏ theo quy định.

Các đơn vị thành viên Vicem cũng đã tính toán, kê khai và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước phù hợp với khối lượng tài nguyên khoáng sản đã khai thác để phục vụ sản xuất và đồng thời cũng báo cáo Bộ Tài nguyên & Môi trường tại các báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định.

Hải Yến
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục