Tại Talkshow Chọn danh mục kỳ 8 phần 2 với chủ đề "Chờ tín hiệu tích cực" do Báo Đầu tư phát sóng vào 8h30 sáng nay (thứ Sáu ngày 16/12), ông Kiên cho biết, trong năm 2022, Chính phủ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã có sự chỉnh lý lại thị trường với mục tiêu chính là để cho các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu cần có sự minh bạch hơn trong công tác phát hành.
Mục đích khác là để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đảm bảo quyền lợi cho các trái chủ và không để cho thị trường trái phiếu ảnh hưởng tiêu cực hơn nữa đến hệ thống tài chính của Việt Nam.
“Trong ngắn hạn, sự chỉnh lý này sẽ ảnh hưởng đến thị trường tài chính, thị trường đầu cơ và cả thị trường vốn. Tuy nhiên, trong trung và dài hạn thì những sự chỉnh lý này sẽ mang lại những ảnh hưởng tích cực hơn đến thị trường”, ông Kiên nhận định.
Ông Kiên cho biết, trong năm tới các doanh nghiệp bất động sản sẽ buộc phải định nghĩa lại câu chuyện phát hành, họ sẽ phải phát hành trái phiếu chuẩn chỉ hơn, đồng thời phải tìm kiếm những nguồn bổ sung mới.
Hiện theo ông Kiên có 4 cách để lấy nguồn bổ sung mới cho trái phiếu.
Thứ nhất, các doanh nghiệp bất động sản cần tập trung nhiều hơn việc bán bớt các dự án không phải ưu tiên của họ để tập trung cho các dự án ưu tiên.
Thứ hai, các doanh nghiệp bất động sản sẽ tập trung nhiều hơn vào phát hành trên thị trường cổ phiếu. Trong năm tới, ông Kiên đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có sự khởi sắc trở lại và các doanh nghiệp bất động sản sẽ tận dụng giai đoạn đó để phát hành thêm cổ phiếu.
Thứ ba là tìm kiếm những đối tác chiến lược tham gia đồng hành cùng các doanh nghiệp bất động sản. Điều này các doanh nghiệp bất động sản trên thế giới đã làm rất nhiều. Các đối tác chiến lược này không chỉ bổ sung về vốn mà còn về kỹ năng quản lý, thị trường đầu ra, kỹ năng bán hàng... cho các doanh nghiệp bất động sản trong nước.
Thứ tư, để khỏa lấp bù đắp cho nguồn vốn trái phiếu, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh tìm kiếm phát hành trên thị trường quốc tế. Vingroup là một ví dụ đã rất thành công trong việc phát hành trái phiếu quốc tế. Hiện nay, các ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản cũng đang quan tâm đến hướng đi này.
“Đó là bốn nguồn vốn trung và dài hạn mà các doanh nghiệp bất động sản sẽ ưu tiên trong thời gian tới”, ông Kiên nhấn mạnh.
Nói thêm về vấn đề này, ông Huỳnh Minh Tuấn, Founder, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư FIDT cũng đã có những chia sẻ tại Talkshow rằng, với tình hình tài chính như hiện nay thì hầu hết các công ty bất động sản trên thị trường đang phải cơ cấu lại tài sản, cắt giảm chi phí vận hành, bán hạ giá để tìm lại câu chuyện chính xác về thanh khoản. Do đó, câu chuyện kỳ vọng về cổ phiếu bất động sản ở giai đoạn này là câu chuyện mang tính tâm lý.
Theo ông Tuấn, đầu tư hợp lý trong bối cảnh này cũng không cần bi quan quá. Hiện nay, P/E của thị trường là 11 lần, P/B 1,6 lần. Đây là con số mà trong 22 năm tồn tại của thị trường mới chỉ có 3 lần có mức định giá như vậy.
“Trên một nền tảng vĩ mô như hiện tại, đây là vùng giá khó lặp lại trong 10 năm tiếp theo”, ông Tuấn kết luận.