3.385 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV

Sáng 20/5, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV khai mạc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, từ sau kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.385 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước.

Về công tác phòng, chống dịch Covid-19, cử tri và Nhân dân tin tưởng, đánh giá cao sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, các địa phương trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua.  

Về sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, cử tri và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao Đảng, Nhà nước đã chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ “kép”: vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân lo lắng trước những khó khăn, thách thức của đất nước chưa từng có trong nhiều năm qua, dịch bệnh ảnh hưởng sâu rộng đến mọi lĩnh vực của đời sống, kinh tế - xã hội; nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể; lao động mất việc làm, thiếu việc làm tăng, nhất là trong các ngành dịch vụ, du lịch, vận tải. Tình trạng thiếu nguyên liệu, vật tư nhập khẩu đầu vào, sản phẩm hàng hóa có lúc, có nơi bị ứ đọng trong thời gian diễn ra dịch bệnh, ảnh hưởng lớn đến các ngành sản xuất trong nước; giá một số mặt hàng thiết yếu trên thị trường có nhiều biến động, một số đối tượng lợi dụng gom hàng, đẩy giá lên cao.

Về giáo dục, đào tạo và y tế, cử tri và Nhân dân ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của ngành giáo dục trong thời gian qua, nhưng còn băn khoăn về hiệu quả của việc giảng dạy trực tuyến, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, những nơi điều kiện kinh tế khó khăn; nhiều phụ huynh lo lắng việc học sinh, sinh viên nghỉ học dài ngày ảnh hưởng đến chương trình, nội dung kiến thức học tập và kết quả năm học 2020 - 2021.

Cử tri và Nhân dân đánh giá cao nỗ lực của ngành y tế, thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh trong điều kiện làm việc của đội ngũ nhân viên y tế còn nhiều khó khăn, nhưng lên án cán bộ ở một số địa phương lợi dụng việc đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế để trục lợi, đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó cử tri và Nhân dân còn lo lắng về an toàn thực phẩm và chất lượng không đảm bảo của một số loại thuốc chữa bệnh.

3.385 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV ảnh 1

Về quản lý đất đai, môi trường và biến đổi khí hậu, cử tri và Nhân dân ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương đã rà soát, xử lý những trường hợp sử dụng đất không đúng quy định, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đất đai. Tuy nhiên, việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa có chuyển biến rõ nét; việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai chậm, chưa đồng bộ; một số vụ việc khiếu kiện phức tạp liên quan đến đất đai chưa được xem xét, giải quyết kịp thời gây bức xúc trong Nhân dân. Tình trạng xả thải chưa qua xử lý vẫn diễn ra ở nhiều đô thị, làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh; lượng rác thải sinh hoạt, nhất là rác thải nhựa trong các khu dân cư còn nhiều; việc thu gom, xử lý rác, chất thải rắn còn nhiều khó khăn, bất cập.

Cử tri và Nhân dân lo lắng trước tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, không phép và chặt phá rừng vẫn tiếp tục diễn ra nghiêm trọng ở một số nơi. Tình trạng sạt lở bờ sông, hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long gây thiếu nước sinh hoạt, thiếu nước phục vụ sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt; hạn hán ở Tây Nguyên, giông lốc, mưa đá ở các tỉnh miền Núi phía Bắc làm thiệt hại hoa màu, sập, trôi nhà cửa, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Cử tri và Nhân dân mong muốn Nhà nước khẩn trương triển khai các giải pháp căn cơ, đồng bộ để giảm thiểu thiệt hạn, ổn định sản xuất nông nghiệp và đời sống của Nhân dân.

Về an ninh trật tự, an toàn xã hội, cử tri và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao lực lượng Công an và các cơ quan chức năng nhưng còn lo lắng về tình trạng cướp của, giết người, lừa đảo, tín dụng đen, mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy diễn biến phức tạp; tình trạng băng nhóm tội phạm núp bóng doanh nghiệp hoạt động tại một số địa phương.

Bên cạnh đó, cử tri và Nhân dân bất bình về những hành vi bất chấp pháp luật chống người thi hành công vụ, đua xe trái phép. Vẫn còn tình trạng một số đối tượng đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc tuyên truyền những lối sống, hành vi phản cảm trên không gian mạng. 

Về công tác đối ngoại, cử tri và Nhân dân đánh giá cao chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, đồng tình với các giải pháp đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông; ghi nhận kết quả và những dấu ấn đậm nét, thể hiện vai trò tại các diễn đàn đa phương. 

Về xây dựng Đảng, Nhà nước, cử tri và Nhân dân thể hiện sự tin tưởng vào quá trình chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng, quan tâm nhiều đến nội dung văn kiện và công tác nhân sự. Cử tri và Nhân dân đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, những nỗ lực của các bộ, ngành, các địa phương trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính trong thời gian qua.

Tại kỳ họp thứ 9, trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị 5 vấn đề sau:

Thứ nhất, đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng, thực hiện hiệu quả phương án phát triển kinh tế - xã hội trong tình mới, gắn liền với các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; triển khai nhanh, hiệu quả các gói hỗ trợ trợ của Chính phủ để doanh nghiệp sớm khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh, người dân vượt qua khó khăn. Biểu dương, khen thưởng những điển hình tiêu biểu trong phòng, chống dịch bệnh để tinh thần chống dịch bệnh trong thời gian vừa qua được tiếp tục phát huy trong ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, nhân lên tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Thứ hai, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, trước hết là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục có giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ số vào các lĩnh vực của đời sống xã hội; chỉ đạo Bộ Công thương và các bộ, ngành có liên quan, chính quyền các địa phương chú trọng đa dạng hóa thị trường, ưu tiên phát triển thị trường trong nước; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, góp phần phục hồi nhanh và phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ ba, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp để bảo đảm kế hoạch, chương trình dạy học và nội dung, kiến thức của học sinh, sinh viên, nhất là tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn; bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh trong các cơ sở giáo dục; đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo.

Thứ tư, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các cơ quan tư pháp tiếp tục thực hiện các giải pháp giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; khắc phục những sơ hở trong quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao hiệu quả trong phòng ngừa tội phạm; quản lý chặt chẽ người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú và hoạt động tại Việt Nam; đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án; triệt phá kịp thời các băng nhóm tội phạm; tăng cường quản lý an ninh mạng; ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên, khoáng sản.

Thứ năm, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền các địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, tạo bước đột phá trong cải cách hành chính; tiếp tục mở rộng các dịch vụ công trực tuyến, phục vụ tốt hơn nữa đối với người dân, doanh nghiệp.

Hạnh Nguyên
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục