30 năm thu hút FDI, góc nhìn từ lao động

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn nhìn Việt Nam qua lợi thế lớn nhất là nhân công giá rẻ. Thách thức của giai đoạn tới là thay đổi cách nhìn này, để thu hút được vốn vào các lĩnh vực công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao hơn.
Việt Nam đã xác định chuyển dần thu hút FDI với lợi thế giá nhân công rẻ sang cạnh tranh bằng nguồn lực chất lượng cao. Việt Nam đã xác định chuyển dần thu hút FDI với lợi thế giá nhân công rẻ sang cạnh tranh bằng nguồn lực chất lượng cao.

Kỹ năng, trình độ được nâng lên 

Những đóng góp to lớn của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lại một lần nữa được khẳng định tại Hội thảo chuyên đề về lao động trong khu vực doanh nghiệp FDI do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức hôm qua (19/6) tại Hà Nội.  

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, hiện khu vực doanh nghiệp FDI đang tạo việc làm cho hơn 3,6 triệu lao động trực tiếp và khoảng 5-6 triệu lao động gián tiếp. “Như vậy, khu vực FDI đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho một bộ phận không nhỏ lao động.

Lao động trong các doanh nghiệp FDI tuy chiếm tỷ trọng thấp nhưng có hiệu quả sản xuất - kinh doanh khá cao. Khu vực FDI có những đóng góp đáng kể trong việc đào tạo lao động có chất lượng”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng khẳng định và cho biết, tốc độ tăng việc làm của khu vực FDI luôn cao, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. 

Đặc biệt, sự có mặt của khu vực này đã góp phần làm chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông thôn ra các thành phố, đặc biệt là vào các KCN, KCX lớn, cũng như góp phần quan trọng cải thiện chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam.

Góp thêm vào đánh giá này, ông Nguyễn Văn Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, hồ hởi khoe rằng, đến nay, Bắc Ninh đã thu hút được 1.222 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư gần 16,5 tỷ USD.

Chính sự phát triển của các doanh nghiệp FDI này đã tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động mỗi năm, trong đó, chỉ tính riêng năm 2017, có khoảng 277.000 lao động có việc làm.

“Các doanh nghiệp FDI đã giúp gia tăng thu nhập cho người lao động, với mức lương cao hơn so với lao động tại doanh nghiệp trong nước, bình quân trên 10 triệu đồng/tháng”, ông Phong nói. 

Theo ông, câu chuyện không chỉ là số lượng việc làm hay gia tăng thu nhập, mà sự có mặt của các doanh nghiệp FDI đã góp phần quan trọng nâng cao trình độ, kỹ năng của người lao động, khi họ được tiếp cận công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến trong các nhà máy của Samsung, Canon. 

Trong khi đó, ông Phạm Văn Cộng, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh, chỉ riêng khu vực FDI đã tạo được hơn 568.000 việc làm ở Đồng Nai, với mức thu nhập cao, lại được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ… Khu vực FDI hàng năm đóng góp vào ngân sách nhà nước trên 10.000 tỷ đồng, chiếm 36,2% tổng thu ngân sách của tỉnh.

Ở một góc nhìn khác, ông Lê Văn Hùng, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, năng suất lao động của khu vực FDI thường cao hơn nhiều so với lao động trong khu vực nhà nước, góp phần đẩy năng suất lao động của Việt Nam nói chung tăng lên. “Thêm nữa, sự hiện diện của khu vực FDI còn giúp tạo ra áp lực cạnh tranh ngày càng lớn, buộc các doanh nghiệp nội địa phải đổi mới để từ đó cải thiện năng suất”, ông Hùng nói. 

Thách thức nâng cao giá trị

Nhưng cũng có một thực tế được nhắc tới lâu nay, đó là thu hút FDI của Việt Nam thời gian qua vẫn dựa khá nhiều vào nhân công giá rẻ.

Thậm chí, theo nhận định của ông Colin Blackwell, Trưởng nhóm Nguồn nhân lực thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), mặc dù Việt Nam là “một câu chuyện thành công trong thu hút FDI”, nguồn nhân lực của Việt Nam là “một thế mạnh quan trọng” nhưng lâu nay, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn băn khoăn về chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam, thiếu tính sáng tạo, thiếu tính kỷ luật.

“Đã đến lúc không thể thu hút FDI dựa vào nhân công giá rẻ nữa, mà phải tiến lên nấc thang giá trị cao hơn, với thu nhập cao hơn”, ông Colin Blackwell nói.

Đây cũng là điều được nhấn mạnh tại Chiến lược và Định hướng chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, giai đoạn 2018 - 2030, mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới (WB) đang xây dựng.

Chia sẻ về điều này, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, cạnh tranh thu hút FDI ngày càng gay gắt, việc thu hút FDI thời gian tới đã được Việt Nam xác định phải chuyển đổi theo hướng chuyển từ thu hút số lượng sang chất lượng, thu hút công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

“Chúng tôi cũng xác định là từng bước chuyển dần thu hút FDI với lợi thế giá nhân công rẻ sang cạnh tranh bằng nguồn lực chất lượng cao”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng khẳng định.

Trong Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, các chuyên gia WB cũng chỉ ra rằng, vấn đề đặt ra với Việt Nam hiện nay là làm thế nào để chuyển từ điểm đến hàng đầu cho các hoạt động lắp ráp giá trị thấp, thâm dụng lao động sang thu hút đầu tư vào các ngành chế tạo, chế biến và dịch vụ, là những hoạt động sẽ áp dụng công nghệ mới,

“Tuy hướng đi đúng là nên tập trung thu hút FDI có giá trị gia tăng cao, nhưng vẫn cần nhấn mạnh rằng, đầu tư vào những hoạt động có giá trị gia tăng thấp vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng”, các chuyên gia WB nhận xét. 

Theo các chuyên gia, Việt Nam có dân số lớn, tuổi đời trẻ, nhưng chưa tới 20% lực lượng lao động hiện nay có trình độ chuyên môn. Trên 700.000 việc làm mới cần được tạo ra mỗi năm chỉ để bắt kịp tốc độ tăng của lực lượng lao động.

Do vậy, hoạt động lắp ráp - chế tạo thâm dụng lao động tay nghề thấp sẽ tiếp tục là nguồn tạo việc làm quy mô lớn, đặc biệt ở những tỉnh thành còn tụt hậu. Nhưng ở các thành phố lớn, như Hà Nội, TP.HCM câu chuyện lại khác.

Giải quyết các thách thức này như thế nào là phụ thuộc vào sự “khôn ngoan” của Việt Nam.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục