30 đề án tái cơ cấu TĐ, TCT đã được phê duyệt

(ĐTCK) Tính đến hết tháng 9, có khoảng 30 đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
30 đề án tái cơ cấu TĐ, TCT đã được phê duyệt

Được xác định là một trong ba trụ cột của quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, việc triển khai thực hiện tái cơ cấu thành công DNNN theo mục tiêu đề ra đang là một trong những nội dung được dư luận xã hội rất quan tâm. Tính đến hết tháng 9 - hạn cuối để các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trình đề án tái cơ cấu, có khoảng 30 đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ trì phối hợp với các bộ, ban, ngành xây dựng Đề án tái cơ cấu DNNN và được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành tại Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015”. Nội dung đề án này được xác định là “khung” làm cơ sở cho các DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có căn cứ xây dựng và tổ chức thực hiện đề án của từng DN.

 

8 nội dung chủ yếu trong tái cơ cấu

Theo nội dung Đề án thì từng tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước phải xây dựng đề án tái cơ cấu để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong quý III/2012 và triển khai thực hiện trong giai đoạn tới. Nội dung chủ yếu của đề án tái cơ cấu từng đơn vị bao gồm:

Thứ nhất, rà soát, xác định lại nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh chính.

Thứ hai, xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2015, tầm nhìn 2020 phù hợp với chiến lược phát triển ngành, nhu cầu của thị trường, khả năng về vốn và năng lực, trình độ quản lý.

Thứ ba, xây dựng phương án tổ chức lại sản xuất - kinh doanh, triển khai tái cơ cấu các DN thành viên để thực hiện chuyên môn hóa, tránh cạnh tranh nội bộ.

Thứ tư, xây dựng phương án tài chính để triển khai thực hiện nhiệm vụ chính được giao và xử lý các tồn tại về tài chính trong quá trình tái cơ cấu. Trong đó, có phương án thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chính trước năm 2015.

Thứ năm, đẩy mạnh liên kết giữa các DN thành viên thông qua hợp đồng kinh tế, các nội quy, quy chế quản lý, hợp tác giữa công ty mẹ với các công ty con, công ty liên kết...

Thứ sáu, áp dụng các nguyên tắc quản trị DN theo thông lệ quốc tế; hoàn thiện cơ chế kiểm soát, kiểm toán nội bộ, chú trọng kiểm soát rủi ro tài chính để kịp thời có biện pháp phòng ngừa, hạn chế, khắc phục và điều chỉnh kế hoạch sản xuất - kinh doanh phù hợp.

Thứ bảy, tích cực triển khai nghiên cứu ứng dụng, đầu tư cho đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, dịch vụ; từng bước loại bỏ sản phẩm không thân thiện với môi trường để tăng cường hiệu quả kinh doanh và phát triển bền vững.

Thứ tám, thực hiện công khai, minh bạch trong đầu tư, quản lý tài chính, mua sắm, phân phối thu nhập, công tác cán bộ; trong ký kết và thực hiện các hợp đồng với những người có liên quan đến người quản lý DN theo quy định của pháp luật.

 

30 đơn vị đã được phê duyệt đề án tái cơ cấu

Tính đến cuối tháng 9/2012, theo số liệu báo cáo, có khoảng 30 tập đoàn, tổng công ty đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án tái cơ cấu, chủ yếu là các tổng công ty thuộc Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các tập đoàn, tổng công ty còn lại đang trong quá trình xây dựng đề án, gửi lấy ý kiến các cơ quan liên quan hoặc đã trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Đối với các tập đoàn, tổng công ty đặc biệt, hầu hết đã xây dựng đề án tái cơ cấu trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét như: Tập đoàn Dầu khí, Than - Khoáng sản, Cao su, Điện lực…

Cùng với việc triển khai xây dựng, phê duyệt đề án tái cơ cấu từng tập đoàn, tổng công ty, thì hệ thống các cơ chế, chính sách được giao cho các bộ, ngành cũng đang được khẩn trương rà soát, xây dựng, hoàn thiện như: Nghị định về phân công, phân cấp của chủ sở hữu đối với vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; Nghị định về chức năng, nhiệm vụ của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC); cơ chế cổ phần hóa quy định tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP…

Như vậy, bộ khung tái cơ cấu tại nhiều tập đoàn, tổng công ty đã có. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn là quá trình triển khai trên thực tế như thế nào để hoàn thành mục tiêu đã đề ra. Để có thể thực hiện được việc này, trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo các DNNN và các đơn vị chủ quản phải được đặt lên hàng đầu. Đơn vị nào không thực hiện được phải kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân, người chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như quy định đề ra trong Quyết định 929/QĐ-TTg.

 

Không thể có hướng dẫn chung về thoái vốn ngoài ngành

Trao đổi với ĐTCK, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính, cho biết, so với yêu cầu đề ra, tiến độ sắp xếp, trong đó có cổ phần hóa DNNN đang diễn ra chậm. Theo kế hoạch, hết quý III/2012, DNNN phải hoàn tất xây dựng đề án tái cơ cấu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai, nhưng đến nay vẫn còn đơn vị chưa hoàn tất. Sự chậm trễ này có nguyên nhân là các Bộ, UBND các tỉnh chỉ đạo, tổ chức triển khai thiếu quyết liệt.

Cũng theo ông Tiến, kinh tế vĩ mô khó khăn, TTCK suy giảm, khiến cho các DN khó thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Điều này cũng ảnh hưởng đến tiến độ sắp xếp DNNN. Để tháo gỡ khó khăn này, Bộ Tài chính không thể đưa ra hướng dẫn chung về thoái vốn đầu tư ngoài ngành áp dụng đồng thời cho các DNNN. Lý do là bởi, các khoản đầu tư này đầu tư vào nhiều ngành nghề có đặc thù khác nhau, nên không thể áp dụng cơ chế chung. Điều này đòi hỏi các DN phải khẩn trương xây dựng phương án thoái vốn chi tiết, để trình cấp có thẩm quyền thẩm định. Khi đó, với các trường hợp thoái vốn cụ thể, nếu phát sinh vướng mắc, trong thẩm quyền của mình, Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền hướng tháo gỡ.     

Thạc sỹ Nguyễn Duy Long, Bộ Tài chính
Thạc sỹ Nguyễn Duy Long, Bộ Tài chính

Tin cùng chuyên mục