3 vấn đề nóng mùa ĐHCĐ 2013

(ĐTCK) Dù mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) chỉ mới bắt đầu nhưng thị trường đã có thể hình dung sức nóng sẽ tập trung ở 3 vấn đề.
3 vấn đề nóng mùa ĐHCĐ 2013

Con số kinh doanh

Dù nhiều DN vẫn chưa công bố BCTC quý IV/2012 cũng như chưa thông qua chính thức về kết quả kinh doanh cả năm 2012, nhưng theo những gì tổng hợp được từ 9 tháng đầu năm 2012, CTCK Maybank KimEng ước tính, đã có 150 DNNY báo cáo lỗ, hơn 500 DN kinh doanh không tăng trưởng. Trong tình hình đó, hàng loạt doanh nghiệp đã phải quyết định điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh. Có những doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch từ trong quý I/2012. Và không thiếu những DN như PVF, TLT có kết quả kinh doanh giảm trên 90% so với chỉ tiêu ĐHCĐ đề ra.

Tất cả các DN này sẽ phải chuẩn bị tư thế để trả lời cổ đông về những sa sút năm qua. Giới quan sát thậm chí còn dự báo, khả năng DN sẽ đối mặt với những chất vấn nảy lửa, gay cấn liên quan đến nợ xấu, hàng tồn kho cao, chi phí tăng.

3 vấn đề nóng mùa ĐHCĐ 2013 ảnh 1

Mối quan tâm đặc biệt của cổ đông khi tham gia ĐHCĐ là kế hoạch kinh doanh năm 2013

Mối quan tâm đặc biệt của cổ đông khi tham gia ĐHCĐ còn là DN sẽ đặt kế hoạch kinh doanh mới cho năm 2013 như thế nào? Theo thông tin từ một số DN đã công bố, chỉ tiêu cho năm 2013 của đa số DNNY đều trên tinh thần thận trọng và giảm so với năm 2012. Chẳng hạn, mục tiêu lợi nhuận trước thuế (LNTT) năm 2013 của CTCP Đầu tư & Phát triển Sacom (SAM) dự tính chỉ là 120,32 tỷ đồng, giảm 21% so với kết quả ước thực hiện 153,53 tỷ đồng của năm 2012. Hay kế hoạch LNTT năm 2013 của CTCP Cao su Thống Nhất (TNC) dự kiến chỉ là 23 tỷ đồng, bằng 1/3 số lãi mà TNC thực hiện trong 9 tháng đầu năm 2012.

Các DN đều có lý lẽ khi đặt ra những chỉ tiêu khiêm tốn này. Tuy nhiên, giới chuyên gia khuyên DN nên dự phòng đến tình huống cổ đông phản đối. Còn nhớ năm ngoái, HDBank đã phải điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận năm 2012 lên 645 tỷ đồng vì cổ đông không đồng ý với con số 600 tỷ đồng mà ban quản trị đưa ra trước đó.

 

Quyền lợi các bên

Do kinh doanh khó khăn nên nhiều DN đã thất hứa trong việc chi trả cổ tức. Tiêu biểu, CTCP Sông Đà 9.06 (S96) thông báo trả cổ tức năm 2010 với tỷ lệ 20% từ tháng 6/2011. Tuy nhiên, qua nhiều lần hẹn với lý do chưa thu xếp được tiền, S96 đã xin Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thay đổi hình thức trả cổ tức, từ tiền mặt sang trả bằng cổ phiếu. Mới đây, nhà đầu tư lại nhận được thông báo S96 sẽ giãn trả cổ tức năm 2010 sang ngày 28/6/2013 do “thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài”.

Hành động lần khất khiến không ít cổ đông bất bình. Các chuyên gia đánh giá, mùa ĐHCĐ năm nay, có thể cổ đông sẽ rất quyết liệt trong việc yêu cầu HĐQT trả nợ cổ tức.

Không chỉ ưu tư về cổ tức, dự báo cổ đông sẽ truy xét kỹ hơn vấn đề thù lao, thưởng cho HĐQT và ban giám đốc (tổng giám đốc). Nhiều chú ý đang hướng về CTCP Cát Lợi (CLC) khi doanh nghiệp này cho biết, HĐQT đã thống nhất chia thưởng 250 triệu đồng cho ban điều hành, dù năm 2012, CLC ước đạt LNTT 53 tỷ đồng, bằng 88,3% kế hoạch năm.

Trích lập quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi ở mức nào dự báo cũng là đề tài nóng. Bởi với một kết quả kinh doanh không tăng trưởng, mức trích lập quỹ khen thưởng, phúc lợi 5% lợi nhuận sau thuế cũng là không nhỏ.

 

Số phận doanh nghiệp

Cũng như năm ngoái, những vấn đề liên quan đến việc DN có rơi vào đình đốn, thu hẹp hoạt động, thậm chí bị thâu tóm, giải thể… dự kiến sẽ tiếp tục là chủ đề được đem ra mổ xẻ. Trước mắt, thị trường đón nhận thông tin, CTCK Âu Việt (AVS) đã quyết định sẽ trình cổ đông kế hoạch giải thế Công ty. Tuy nhiên, để kế hoạch này được thông qua, AVS sẽ phải thuyết phục được 51% cổ đông nhỏ đồng ý.

Chuyện đi hay ở lại sàn chứng khoán cũng sẽ là câu chuyện không kém phần nóng bỏng. Từ đầu năm 2012, thị trường đã ghi nhận ít nhất 20 DN công khai bày tỏ ý định rời sàn. Số DN muốn rời sàn dự báo còn tăng lên khi DN vẫn kinh doanh khó khăn và không còn thấy niêm yết là một sự thuận lợi.

Thực tế, TTCK suy giảm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các kế hoạch gọi vốn của DN. Bằng chứng, THV, V21… đã thất bại với việc chào bán cổ phiếu. Vì thế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cho phép doanh nghiệp niêm yết được chào bán cổ phiếu dưới mệnh giá như một cách giúp DN tiếp cận được vốn cả trong điều kiện cổ phiếu rớt giá. Dự báo, chào bán cổ phiếu như thế nào, cho ai, ở mức giá nào… sẽ là đề tài phổ biến trong mùa ĐHCĐ năm nay.

Đại Nghĩa
Đại Nghĩa

Tin cùng chuyên mục