3 thông điệp mạnh của Thủ tướng Chính phủ

(ĐTCK) Sáng 20/10, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII chính thức khai mạc. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày Báo cáo về “Tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011 - 2015; phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016 - 2020 và năm 2016”.
Chính phủ ước tính, trong số 14 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đề ra cho năm 2015, dự kiến có 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch Chính phủ ước tính, trong số 14 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đề ra cho năm 2015, dự kiến có 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch

Có nhiều nội dung đáng chú ý trong báo cáo, trong đó thông tin về tái cơ cấu nền kinh tế thông qua 3 trụ cột được quan tâm hàng đầu.

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, đầu tư công và DNNN

Về tái cơ cấu thị trường tài chính và ngân hàng thương mại, các ngân hàng bằng những biện pháp chủ động tự xử lý nợ xấu, kết hợp với vai trò của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam, phát triển thị trường mua bán nợ đã xử lý nợ xấu đạt kết quả tốt. Đến tháng 9/2015, tỷ lệ nợ xấu giảm còn 2,9% (tháng 9/2012 là 17,43%).

Hệ thống các tổ chức tín dụng đã giảm được 17 tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Nhiều thương vụ sáp nhập ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo quyết liệt. Thanh khoản và an toàn hệ thống được bảo đảm; cung ứng vốn tốt hơn cho nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Với TTCK, quy mô tăng khá, mức vốn hoá thị trường cổ phiếu dự kiến đạt 33% GDP và thị trường trái phiếu đạt 23% vào cuối năm 2015.

Về tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty, Thủ tướng cho biết, Chính phủ tập trung vào cổ phần hoá, thoái vốn đầu tư ngoài ngành và nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh. DNNN tập trung hơn vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu. Quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu được tăng cường.

Định hướng trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, Nhà nước sẽ bán hết phần vốn trong các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ theo cơ chế thị trường, sử dụng một phần số tiền thu được cho đầu tư phát triển.

Liên quan đến tái cơ cấu đầu tư công, tại kỳ họp này, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 sẽ được bàn thảo. Đây là lần đầu tiên, một kế hoạch đầu tư công trung hạn được thực hiện, thay vì phân bổ vốn theo kế hoạch đầu tư hàng năm.

Việc siết chặt kỷ luật đầu tư công và đặt trọng tâm vào tính hiệu quả của các dự án được kỳ vọng sẽ đem lại diện mạo mới cho đất nước, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ 5 năm tới. 

13/14 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2015 đạt và vượt kế hoạch     

Trên cơ sở tình hình 9 tháng đầu năm, Chính phủ ước tính, trong số 14 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đề ra cho năm 2015 tại Nghị quyết Quốc hội, dự kiến có 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Chỉ có 1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tỷ lệ che phủ rừng.

9 tháng đầu năm 2015, nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi, có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực. Một trong những tín hiệu vui về tình hình kinh tế - xã hội là số lượng phát triển doanh nghiệp. Trong kỳ, cả nước có 68.347 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 420.932 tỷ đồng, tăng 28,5% về số lượng doanh nghiệp và tăng 31,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, có 12.848 doanh nghiệp trước đây gặp khó khăn ngừng hoạt động nay quay lại hoạt động, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội chuyển dịch tích cực, trong đó đầu tư công giảm từ 35,5% năm 2010 xuống còn khoảng 30% năm 2015, đầu tư của dân cư và doanh nghiệp trong nước tăng từ 36,1% lên 42% .

Thực hiện tái cơ cấu công nghiệp, dịch vụ, cơ cấu công nghiệp chuyển dịch tích cực; tỷ trọng công nghiệp khai khoáng giảm; tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo, điện, điện tử có công nghệ cao tăng từ 49,8% năm 2010 lên khoảng 51% năm 2015. 

Phong Lan - Hoàng Duy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục