3 thách thức lớn của ngành lâm nghiệp

Khan hiếm nguồn nhân lực, khó mở rộng quỹ đất và áp lực chuyển đổi số được đánh giá là 3 thách thức lớn của ngành lâm nghiệp hiện nay.
Lao động có trình độ đại học tại các doanh nghiệp trong ngành gỗ chỉ khoảng 2-3% (Ảnh: AA). Lao động có trình độ đại học tại các doanh nghiệp trong ngành gỗ chỉ khoảng 2-3% (Ảnh: AA).

Nguồn nhân lực đang có xu hướng khan hiếm dần, dịch chuyển sang nhiều ngành khác từ làn sóng dịch chuyển đầu tư sản xuất từ các nước vào Việt Nam.

Làn sóng FDI đã góp phần khiến nhu cầu nhân công tăng lên. 

Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy số doanh nghiệp FDI ngành gỗ đăng ký mới trong 9 tháng đầu năm 2019 là 67, với tổng số vốn đầu tư trên 581 triệu USD, tương đương với 216% tổng số vốn đầu tư FDI mới vào ngành trong cả năm 2018. 

40% doanh nghiệp FDI khó tuyển lao động có kỹ năng dẫn đến cạnh tranh giữa các ngành.

Giá nhân công tại các Khu công nghiệp hiện tăng từ 10-20%. Lương lao động gia nhập thị trường mỗi năm có xu hướng chuyển dịch ngày càng tăng nhanh. 

Chỉ số tăng trưởng ngành gỗ Việt Nam đã tăng 18%, đòi hỏi lượng lao động tỉ lệ thuận để duy trì tốc độ này. 

Tuy nhiên lượng lao động đào tạo bài bản chưa đáp ứng đúng kỳ vọng của doanh nghiệp, đa phần phải đào tạo lại, nhất là nhân lực cho các khâu vận hành máy móc công nghệ hiện đại, thiết kế, quản lý sản xuất…

Tổng số doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ khoảng trên 5.000, thu hút khoảng 500.000 lao động, nhưng theo Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), lao động có trình độ đại học chỉ khoảng 2-3%, công nhân kỹ thuật khoảng hơn 25%, còn lại là lao động phổ thông. 

Như vậy nhu cầu chất lượng lao động được dự báo đến năm 2020 cần khoảng 64.000 người có trình độ đại học, trên đại học và 266.860 công nhân kỹ thuật. 

Đến năm 2025 cần khoảng 106.800 người có trình độ đại học và trên đại học cùng 445.200 công nhân kỹ thuật. 

Giá đất đai khá cao, việc đầu tư mở rộng quỹ đất cho sản xuất ngày càng khó 

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung làm nảy sinh nhu cầu dịch chuyển sản xuất đến Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là địa điểm hấp dẫn. 

Ngoài ra, tác động tích cực từ EVFTA đã đẩy nhu cầu bất động sản công nghiệp trong nước ngày càng cao.

Thị trường mặt bằng sản xuất cho ngành gỗ Việt Nam tập trung mạnh nhất tại Đông Nam Bộ với TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Bà Rịa- Vũng Tàu, có mức giá cho thuê xưởng xây sẵn giao động 2,5-5,5 USD/m2/ tháng với mức thuê tối thiểu 3-5 năm. 

Tại các khu vực truyền thống như Bình Dương, Đồng Nai, tỉ lệ lấp đầy và nhanh tại các khu công nghiệp đã đẩy giá thuê đất từ 80 USD cách đây hai năm lên 135-150USD/chu kỳ thuê. 

Các khu vực tiềm năng khác như Long An, Tây Ninh giá thuê cũng tăng ở mức trên 130 USD/chu kỳ. 

Cùng với đó, áp lực chuyển đổi số buộc các doanh nghiệp phải thích nghi nhanh từ thiết kế, công nghệ sản xuất và đặc biệt là thương mại số.

Nền tảng số hóa đang thay đổi rất lớn công nghiệp chế biến, quản trị, thiết kế, mua bán hàng... Kinh doanh online cũng là xu thế bắt đầu ăn sâu rộng vào ngành nội thất làm thay đổi rất lớn công nghiệp nghiên cứu và phát triển sản phẩm và cách sản xuất ra nó. 

Năm 2019, tổng giá trị tiêu dùng của ngành gỗ và nội thất toàn cầu đạt 450 tỉ USD, nhưng trong đó lĩnh vực sản xuất chỉ chiếm 140 tỉ USD, còn lại chia đều cho 3 lĩnh vực Sáng tạo - Thương mại - Thương hiệu. 

Tiềm năng và dư địa thị trường cho Việt Nam được đánh giá vẫn còn rất rộng. 

Tuy nhiên hầu hết giá trị của ngành chế biến lâm sản Việt Nam vẫn nằm trong lĩnh vực Sản xuất. 

Để đạt mục tiêu xuất khẩu 20 tỉ USD vào năm 2025, theo lãnh đạo các doanh nghiệp, ngành không thể tiếp tục chỉ dựa vào giá trị sản xuất, khó mở rộng qui mô sản xuất và khi lao động giá rẻ không còn là lợi thế. 

Trong một sản phẩm gỗ, nguyên vật liệu và sản xuất chỉ chiếm 30% giá trị, 70% còn lại là giá trị thiết kế. 

3 thách thức lớn của ngành lâm nghiệp ảnh 1

Sản phẩm có thiết kế đẹp giá bán càng cao (Ảnh: AA).

Thị trường thế giới đã qua giai đoạn cạnh tranh về giá, hiện nay cạnh tranh về chất lượng và tất yếu trong tương lai là cạnh tranh về thiết kế trong khuynh hướng cá nhân hóa ngày càng cao. 

Thống kê của Hội đồng thiết kế Anh khảo sát 1.500 doanh nghiệp về hiệu quả của thiết kế đối với hoạt động kinh doanh và cho thấy cứ 100 Bảng chi cho thiết kế sẽ đem lại tăng doanh thu là 225 Bảng, giúp doanh nghiệp tăng thêm khoảng 6,3% thị phần. 

Thiết kế và thương mại, thương hiệu đóng vai trò sống còn tạo ra sức cạnh tranh cho ngành chế biến gỗ và nội thất của Việt Nam. 

Hồng Phúc
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục