3 vấn đề gây tranh luận và cũng được quan tâm nhiều nhất là câu chuyện chia cổ tức, tương lai cho VF1 khi thời hạn đóng quỹ VF1 sắp hết và vấn đề thuế phí khi nhà đầu tư muốn rút vốn khỏi VF1.
Theo báo cáo hoạt động của VF1, cuối năm 2012, giá trị tài sản ròng (NAV) của Quỹ đạt 1.520,1 tỷ đồng, tương đương 15.201 đồng/CCQ, tăng 17,1% so với đầu năm. Về kết quả kinh doanh, VF1 ghi nhận mức lãi ròng 221,7 tỷ đồng sau khi trừ các chi phí hoạt động. Với kết quả này, một số nhà đầu tư đã thắc mắc vì sao VF1 không tiến hành chia cổ tức. Ông Phạm Khánh Lynh, Phó Tổng giám đốc CTCP Quản lý quỹ Việt Nam (VFM) giải thích, Quỹ đầu tư VF1 chưa thể chia cổ tức cho nhà đầu tư vì VF1 vẫn đang bị lỗ lũy kế. Theo Khoản 2, Điều 93, Luật Doanh nghiệp thì VF1 phải bù đắp khoản lỗ đó trước khi trả cổ tức cho người góp vốn. Ngoài ra, mức lợi nhuận 221,7 tỷ đồng là khoản lãi chưa được thực hiện nên cũng không thể dùng để chia cổ tức được.
Thực tế, không phải mọi nhà đầu tư đều lưu tâm đến cổ tức. Bởi với đà tăng của NAV, tỷ lệ chiết khấu giữa thị giá với NAV đã thu hẹp từ mức 51% (năm 2011) xuống 30% (cuối năm 2012), đồng thời thanh khoản chứng chỉ quỹ được cải thiện từ mức trung bình 80.000 CCQ/ngày (năm 2011) lên 118.000 CCQ/ngày (năm 2012) thì nhiều nhà đầu tư đã lãi từ đầu tư VF1. Điều nhà đầu tư vào VF1 ưu tư là quyền lợi của họ bị ảnh hưởng thế nào sau tháng 4/2014 - tức thời hạn đóng quỹ? Nhưng với việc quyết định thông qua chủ trương chuyển đổi VF1 từ quỹ đóng sang quỹ mở, thì mối quan tâm của nhà đầu tư chuyển sang việc họ cần lựa chọn tiếp tục giữ hay rút vốn khỏi chứng chỉ quỹ này.
Trong trường hợp Quỹ đầu tư VF1 chuyển sang quỹ mở, việc đáp ứng nhu cầu của NĐT sẽ được thực hiện tốt hơn, nếu nhà đầu tư VF1 muốn rút vốn. Quỹ đầu tư VF1 sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho họ thực hiện, nếu NĐT nào tin tưởng vào sự tăng trưởng của thị trường có thể tiếp tục đầu tư vào quỹ mở.
Theo tài liệu gửi nhà đầu tư thì VF1 đã tinh gọn được danh mục đầu tư từ 40 khoản đầu tư (cuối năm 2011) xuống còn 29 khoản đầu tư (cuối năm 2012). Trong đó, Quỹ đã tích cực thanh hoán các khoản đầu tư OTC (chỉ còn 5,2%NAV), hoàn thành thanh lý các khoản mục đầu tư ở ngành dệt may, thiết bị tiêu dùng, ngân hàng cũng như chỉ duy trì tỷ trọng thấp ở các ngành dịch vụ viễn thông, công nghệ sinh học…, nhằm giảm những ảnh hưởng tiêu cực từ ngành lên giá trị danh mục. VF1 dự tính, đến khoảng tháng 6/2013 sẽ chuyển đổi được danh mục theo các tiêu chuẩn của quỹ mở.
Tuy nhiên, sau khi thảo luận, phương án chuyển đổi Quỹ VF1 được xem là đáp ứng đa số yêu cầu và quyền lợi của nhà đầu tư. Theo kế hoạch, sau khi được ĐHCĐ thông qua, Ban điều hành VF1 sẽ lập đề án chi tiết về chuyển đổi VF1 sang quỹ mở. Tiếp đó, VF1 sẽ tiến hành một loạt các bước như triệu tập ĐHCĐ bất thường, hủy niêm yết VF1, chuẩn bị các mặt kỹ thuật - phương tiện để hỗ trợ thanh toán - giao dịch chứng chỉ quỹ mở. Nếu mọi việc thuận lợi, theo ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc VFM, khả năng VF1 sẽ chuyển sang quỹ mở vào cuối năm nay.