Theo báo cáo đầu kỳ của Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (TCT Cửu Long), đây là một trong hai tuyến cao tốc trục dọc trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), kết nối vào hai tuyến cao tốc trục ngang, tạo kết nối qua hầu hết 13 tỉnh trong vùng, góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, kết nối các trung tâm kinh tế, khu đô thị mới và đầu mối giao thông trên địa bàn các tỉnh, kết nối thành phố trung tâm vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL với 5 tỉnh trong vùng.
Số liệu dự báo nhu cầu vận tải đường bộ giai đoạn 2025-2030 trên hành lang Cần Thơ - Cà Mau khoảng 30.000 - 41.000 xe quy đổi/ngày đêm, nhưng với năng lực các quốc lộ hiện có chỉ có thể đáp ứng tối đa khoảng 27.800 - 30.600 xe. Do đó, việc xây dựng tuyến cao tốc này là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển trên hành lang vận tải Cần Thơ - Cà Mau.
Báo cáo cũng cho biết, tuyến đường Cần Thơ - Cà Mau được thiết kế, thi công với tiêu chuẩn kỹ thuật cao, công nghệ hiện đại, sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng, tiết kiệm thời gian vận chuyển (thời gian sẽ giảm từ 2,5 giờ xuống còn 1,5 giờ)…
Đơn vị tư vấn đưa ra 3 phương án. Phương án thứ nhất, tổng mức đầu tư dự án là 46.200 tỷ đồng, tổng chiều dài 141km, ưu điểm là tiết kiệm tài nguyên đất do diện tích giải phóng mặt bằng (GPMB) 750ha, thấp nhất trong 3 phương án do tận dụng được đường cũ; có cự ly kết nối đều vào các đô thị lớn (TP. Sóc Trăng 24km, TP. Bạc Liêu 25km, TP. Vị Thanh 35km…); dễ thu hút lưu lượng vào đường cao tốc; có nhiều kết nối vào đường hiện hữu nên thuận lợi để phân loại đầu tư, thi công thuận lợi.
Phương án 2 có tổng mức đầu tư 61.000 tỷ đồng, chiều dài 138km, diện tích GPMB 900ha (lớn nhất); có cự ly kết nối khá đồng đều vào các đô thị lớn (TP. Sóc Trăng 24km, TP. Bạc Liêu 25km, TP. Vị thanh 35km…), dễ thu hút lưu lượng vào đường cao tốc, có nhiều kết nối vào đường hiện hữu nên thuận lợi đầu tư, giải pháp thi công thuận lợi.
Phương án 3 có tổng mức đầu tư 57.000 tỷ đồng, dài 124km, diện tích GPMB 800ha; kết nối gần về phía TP. Vị Thanh (10km) nhưng cách TP. Sóc Trăng 41km và TP. Bạc Liêu 46km và các đô thị khác. Phương án này khó thu hút lưu lượng vào đường cao tốc hơn, hướng tuyến cũng có ít kết nối vào đường hiện hữu, cần xây dựng đường công vụ khi thi công.
Đơn vị tư vấn đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) xem xét thống nhất chọn phương án 1; thống nhất lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án có điểm đầu tại điểm cuối cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ thuộc địa phận thị xã Bình Minh (Vĩnh Long), điểm cuối tại điểm giao với đường vành đai 3 TP. Cà Mau. Đồng thời phân chia dự án thành 3 dự án thành phần, gồm: cầu Cần Thơ 2 và đường dẫn, đoạn Cần Thơ – Bạc Liêu và đoạn Bạc Liêu – Cà Mau.
Tuy nhiên, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ và ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang thì đề xuất chọn phương án 3 mặc dù phương án này chưa có trong quy hoạch. Trong khi đại diện tỉnh Sóc Trăng nghiêng về phương án 2…
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật lưu ý việc lựa chọn phương án đầu tư phải theo tinh thần chỉ đạo tại thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ sau khi làm việc với các tỉnh thành ĐBSCL hồi đầu tháng 8/2020. Cụ thể, Thủ tướng giao Bộ GTVT khẩn trương nghiên cứu đầu tư tuyến đường thành hai dự án thành phần.
Trong đó, đoạn Cần Thơ – Bạc Liêu bằng vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo quy định của pháp luật. Còn đoạn Bạc Liêu – Cà Mau, Thủ tướng giao UBND tỉnh Cà Mau là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chủ trì chuẩn bị đầu tư dự án, trong đó nghiên cứu phương án xã hội hóa đầu tư giai đoạn 2021-2025 theo quy định của pháp luật về đầu tư PPP. Thứ trưởng Nhật lưu ý thêm, hạn chế tối đa việc phải thu hồi đất lúa vì đây là vùng vựa lúa của quốc gia, cần nghiên cứu kỹ, cụ thể, chi tiết hơn, phương án nào hiệu quả nhất cả về kinh tế, an ninh quốc phòng… để báo cáo có tính khoa học, thuyết phục cao nhất.