3 nguyên tắc doanh nghiệp muốn chuyển đổi thành công sang mô hình kinh tế tuần hoàn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tiêu dùng xanh đang trở thành vấn đề tất yếu. Người tiêu dùng nhận thức được sự cần thiết của các hoạt động bảo vệ môi trường và thay đổi hành vi, thói quen để có các tác động tích cực đối với bảo vệ môi trường.
Ông Đỗ Tiến Sỹ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam phát biểu tại sự kiện Ông Đỗ Tiến Sỹ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam phát biểu tại sự kiện

Đây là kết quả cuộc khảo sát về xu hướng tiêu dùng xanh từ góc nhìn của người tiêu dùng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh của Intage Việt Nam được đưa ra tại diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững trong hệ thống phân phối hiện đại”, diễn ra sáng ngày 1/8.

Còn theo thông tin khảo sát năm 2023 của Nielsen IQ, có 49% người tiêu dùng mang túi riêng, sử dụng túi tái chế; 47% chỉ mua đồ cần thiết, tránh lãng phí; 45% người tiêu dùng có ý thức phân loại rác tái chế và tiết kiệm điện.

Nghiên cứu cũng chỉ rõ, sự kỳ vọng của người tiêu dùng với doanh nghiệp về những sáng kiến và hành động thiết thực nhằm cải thiện môi trường. Theo đó, 38% người tiêu dùng đánh giá sáng kiến và hành động thiết thực của doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường là cực kỳ quan trọng.

Doanh nghiệp khởi dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, chưa nhiều nhưng không hiếm

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Đỗ Tiến Sỹ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết, trước thách thức ô nhiễm môi trường ngày một trầm trọng, nhiều quốc gia trên thế giới đã chủ động thay đổi chiến lược phát triển, hướng đến một nền kinh tế bền vững - nền kinh tế tuần hoàn. Việc chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang mô hình kinh tế tuần hoàn là cần thiết để hướng đến nền kinh tế phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên và năng lượng, ít carbon, vững mạnh và cạnh tranh.

Cũng theo ông Đỗ Tiến Sỹ, để chuyển đổi thành công sang mô hình kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp cần đảm bảo 3 nguyên tắc: Bắt đầu từ việc thay đổi thiết kế sản phẩm, gồm: loại bỏ rác thải và ô nhiễm; tăng vòng đời sản phẩm và nguyên vật liệu; và tái tạo các hệ sinh thái tự nhiên.

"Mô hình này cần được doanh nghiệp áp dụng trong 5 giai đoạn: đầu tiên là cải tiến thiết kế sản phẩm nhằm tăng khả năng tái chế và tái sử dụng; thứ hai là quá trình sản xuất hạn chế, không tạo ra rác thải; thứ ba là tiêu dùng có trách nhiệm; thứ tư là quản lý rác thải và biến chất thải thành nguồn nguyên liệu giá trị thông qua việc tái sử dụng và tái chế; và cuối cùng là khâu thiết kế đóng vai trò quan trọng vì có thể giúp giảm rác thải ngay từ lúc sản phẩm chưa đến tay người tiêu dùng", ông Đỗ Tiến Sỹ nói.

Thực tế hiện nay chưa có nhiều doanh nghiệp khởi dựng mô hình kinh tế theo hướng tuần hoàn, tuy nhiên không phải là hiếm. Ví dụ như Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH – Tập đoàn TH, mô hình kinh tế xanh - kinh tế tuần hoàn hiện đang được áp dụng nhất quán ở tất cả các đơn vị thành viên.

Là một doanh nghiệp vừa sản xuất trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài, ông Vijay Kumar Pandey, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH – Tập đoàn TH cho biết, Tập đoàn TH đã khởi dựng mô hình kinh tế theo hướng tuần hoàn, kiểm soát toàn bộ chuỗi sản xuất từ đồng cỏ xanh đến ly sữa sạch, ứng dụng công nghệ cao, giảm thiểu phát thải trong từng mắt xích của chuỗi sản xuất.

“Trong chuỗi sản xuất của Tập đoàn TH, sản phẩm phụ và rác thải của quy trình này lại trở thành nguyên liệu đầu vào của một quy trình khác, ở đó vòng đời của vật liệu được duy trì lâu nhất có thể trước khi thải ra môi trường, từ đó phát thải được giảm thiểu. TH cũng thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất đối với việc kiểm soát tác động tới môi trường”, ông Vijay Kumar Pandey nói.

Toàn cảnh Diễn đàn

Toàn cảnh Diễn đàn

Bên cạnh đó, TH đã có những giải pháp vì môi trường như lắp đặt điện mặt trời trên các mái trang trại, nhà máy TH nhằm cung cấp năng lượng sạch; xây dựng Nhà máy chế biến phân vi sinh sạch tiêu chuẩn quốc tế từ chất thải trang trại bò sữa TH; đầu tư Nhà máy xử lý nước thải hiện đại, sử dụng rất ít hóa chất và hoàn trả về tự nhiên dòng nước sạch đạt chuẩn QC 62/2016: BTNMT.

Đồng thời, TH cũng thực hiện các giải pháp tiêu dùng thân thiện với môi trường như thay thế túi nylon, thìa nhựa, ống hút từ nhựa dùng một lần bằng nhựa sinh học thân thiện với môi trường. Tiến tới tương lai, hệ thống TH true Mart sẽ hạn chế phát túi nylon sinh học tới người tiêu dùng.

“Bằng những nỗ lực của mình, năm 2022, hệ thống TH true Mart đã giảm được 15% so với định mức sử dụng túi trung bình, tương đương tiết kiệm 19 tấn túi nylon sinh học. Đồng thời, TH đã cắt 1/2 thìa sữa chua sinh học và đặt mục tiêu giảm 100% thìa sữa chua ra thị trường”, ông Vijay Kumar Pandey chia sẻ.

Những khó khăn trong quá trình triển khai

Ông Jinwoo Song, CEO BAEMIN Việt Nam nhận định, thách thức lớn nhất là thay đổi hành vi của khách hàng. Hiện nay ở Việt Nam, người tiêu dùng đã dành ra sự quan tâm nhất định tới các sản phẩm thân thiện với môi trường, nhưng nhu cầu sử dụng các sản phẩm này chưa phải quá lớn. Bên cạnh đó, giá cả vẫn là yếu tố chi phối hàng đầu, với mức giá thành phẩm các nguyên liệu thân thiện môi trường hiện đang chênh lệch tới 30% so với bao bì thông thường, sẽ là rào cản lớn trong việc thay đổi hành vi và đáp ứng nhu cầu khách hàng.

“Tuy nhiên trong tương lai, khi nền kinh tế ổn định trở lại, dự kiến xu hướng các sản phẩm thân thiện với môi trường sẽ phát triển mạnh mẽ. Khi nhu cầu tăng cao, sẽ xuất hiện nhiều nhà cung cấp hơn, giúp giảm giá thành sản phẩm theo lợi thế về quy mô, giúp khách hàng dễ tiếp cận sản phẩm”, ông Jinwoo Song nói.

Còn theo ông Vijay Kumar Pandey, vốn và công nghệ - có cả hai điều này thì mới có thể xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn và không thể cứ “copy” công nghệ từ các nước khác về sử dụng. Ví dụ, để xây dựng hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn, chi phí đầu tư rất tốn kém, tuy nhiên, khi thực hiện việc này, chúng tôi tự sản xuất ra được phân vi sinh hữu cơ để bón lại trên đồng ruộng của chính mình, loại bỏ việc sử dụng phân bón hóa học.

“Việc này không chỉ giảm chi phí sản xuất, mà tác động của phân bón hữu cơ trong việc cải tạo đất trồng là rất lớn, nó không giống như phân bón hóa học, có thể mang lại hiệu quả tức thì nhưng sau 10, 20 năm thì nó sẽ làm hỏng đất đai, còn phân bón hữu cơ thì không như vậy, phân hữu cơ tự nhiên sẽ luôn làm giàu cho đất”, ông Vijay Kumar Pandey nói.

Ông Lê Triệu Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công thương - Ban Tổ chức nhận định, sẽ không thể giải quyết được tất cả các vấn đề liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững. Đây sẽ là quá trình lâu dài và cần nhiều hơn nữa các hoạt động trao đổi, chia sẻ để thường xuyên thu hút được sự quan tâm của xã hội, từ đó, kêu gọi cùng nhau thực hiện các thay đổi để hướng tới hiệu quả của sản xuất, tiêu dùng bền vững.

"Sản xuất và tiêu dùng bền vững là một quá trình lâu dài, không thể đạt được kết quả thành công trong một thời gian ngắn. Đây cũng là quá trình đòi hỏi sự tham gia của tất cả chủ thể trong xã hội, trong đó, người tiêu dùng là nhân tố đóng vai trò quyết định, vừa là đối tượng thụ hưởng vừa là động lực, là mục tiêu để các chủ thể khác hướng tới", ông Lê Triệu Dũng nhấn mạnh.

Trong chuỗi sự kiện “Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững trong hệ thống phân phối hiện đại” thuộc Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030, ngày 1/8/2023, tại Hà Nội, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Văn phòng Sản xuất và Tiêu dùng bền vững (Bộ Công Thương) phối hợp với Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC (Đài Tiếng nói Việt Nam) tổ chức diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững trong hệ thống phân phối hiện đại”.

Diễn đàn có sự tham dự của đại diện Lãnh đạo các đơn vị của Bộ Công thương (Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững), Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Báo chí); Bộ Tài nguyên và Môi trường (Viện Chiến lược – Chính sách tài nguyên và môi trường); Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP); Đại sứ quán các nước Na Uy, Australia; đại diện các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong, ngoài nước, người tiêu dùng…

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục