Ngày chứng khoán sụt giảm mạnh nhất trong lịch sử Phố Wall xảy ra năm 1987. Khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997. Cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử kể từ Đại khủng hoảng bắt đầu năm 2007, với sự sụp đổ của các nhà băng Northern Rock tại Anh và New Century Financial tại Mỹ.
Thực tế, có những dấu hiệu cho thấy các cuộc khủng hoảng thường đến theo chu kỳ nhất định. Và hiện tại, một trong những “điều kiện cần” cho cuộc khủng hoảng tiếp theo dường như đã xuất hiện.
Trong Báo cáo Bình ổn tài chính toàn cầu được công bố vào tháng 10/2016, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) không hẳn đưa ra cảnh báo, nhưng đã thể hiện những mối lo ngại. Trong đó, các mối nguy cơ trong ngắn hạn đã dịu bớt khi giá cả hàng hóa tăng trở lại hỗ trợ phát triển kinh tế tại các thị trường mới nổi, trong khi các chính sách nới lỏng tiền tệ hỗ trợ các thị trường phát triển. Tuy nhiên, trong trung hạn, các mối nguy cơ đang tiếp tục được tạo dựng. Đó là sự không ổn định của môi trường chính trị toàn cầu, khi xung đột chính trị trở nên khó khăn hơn để tháo gỡ; một số thể chế tài chính yếu kém tại các thị trường phát triển và các món nợ công ty lớn tại các thị trường đang phát triển.
Các mối nguy cơ chưa đáng bận tâm hiện tại có thể trở nên sắc nhọn qua thời gian trước khi trở thành nguyên nhân tạo nên khủng hoảng. Trong số đó, một nguy cơ không thể chối cãi hiện nay là các khoản nợ, đống bùi nhùi tạo nên mọi cơn hỏa hoạn trên thị trường tài chính, đang gia tăng với tốc độ nhanh chóng. Các khoản nợ, bao gồm cả nợ công và nợ tư nhân bên ngoài lĩnh vực tài chính, đang ở mức 225% GDP toàn cầu, mức cao nhất mọi thời đại, theo IMF. Các khoản nợ thúc đẩy tăng trưởng, nhưng đồng thời cũng dễ dàng hạ gục mọi thứ. Người đi vay vẫn mang trên mình những khoản nợ ngay cả khi họ mất đi khả năng trả nợ. Nếu họ phá sản, người cho vay sẽ chịu thiệt hại và đôi khi cũng rơi vào cảnh phá sản. Vậy là hiệu ứng domino sẽ tiếp tục lan tỏa ra toàn bộ nền kinh tế.
Hiện tại, các nhà băng trên toàn cầu đang có vị thế mạnh hơn bao giờ hết, khi họ đã bĩnh tĩnh vượt qua được cuộc khủng hoảng kinh tế gần nhất, tuy nhiên, có một nhân vật quan trọng lại là ngoại lệ. Cổ phiếu của Deutsche Bank, nhà băng lớn nhất nước Đức, đã giảm 62% kể từ mức cao nhất năm 2015 và CEO John Cryan buộc phải chống đỡ bằng cách nâng vốn thông qua phát hành cổ phiếu mới, dù hành động này sẽ pha loãng giá trị của các cổ đông hiện tại. Chính phủ Đức, vốn luôn công kích các gói cứu trợ dành cho nhà băng của các nước châu Âu, hiện vẫn từ chối có sự hỗ trợ cho nhà băng lớn nhất quốc gia này. Trong khi đó, tại Ý, các khoản nợ xấu của nhà băng đã tương đương 25% GDP.
Ngay tại Mỹ, giới đầu tư dường như cũng đang mất niềm tin vào các nhà băng lớn, theo các tài liệu được công bố bởi nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Larry Summers. Theo đó, giá cổ phiếu của các ngân hàng lớn tại Mỹ đang ở mức thấp bất thường, thể hiện rằng giá trị thương hiệu của các nhà băng này đang bị xói mòn. Chưa kể, môi trường lãi suất cực thấp hiện tại sẽ không giúp các nhà băng có khả năng chống đỡ lại nếu xảy ra khủng hoảng. Bởi lãi suất thấp thắt chặt lợi nhuận, thứ nhà băng cần có để xây dựng tấm đệm an toàn, bằng cách giảm số tiền mà nhà băng kiếm được từ các khoản cho vay.
Trong số các nguy cơ, Trung Quốc có thể là phần “đáng sợ” nhất đối với cuộc khủng hoảng kế tiếp. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc được thúc đẩy bởi các sự gia tăng nhanh chóng hoạt động cho vay kinh doanh và tiêu dùng, theo Nhà kinh tế trưởng châu Á tại Bloomberg Intelligence Tom Orlik. Do đó, Samuel Malone, Giám đốc phân tích mô hình đặc biệt tại Moody’s Analutics cho rằng, các ngân hàng Trung Quốc là “mối nguy cơ chính, là ngòi nổ đầy tiềm năng”. Chưa kể, tín dụng đen (shadow banking) của Trung Quốc có kích cỡ khổng lồ và ít được kiểm soát. Những tổn thất tại lĩnh vực này sẽ nhanh chóng được chuyển hóa sang các ngân hàng truyền thống khác.