Báo cáo tại lễ tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 diễn ra chiều nay, ngày 30/12/2024, ông Nguyễn Đức Ninh, quyền Tổng giám đốc Công ty Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO) cho hay, với bối cảnh nền kinh tế bắt đầu hồi phục trở lại, nhu cầu điện năng trong năm 2025 dự kiến tiếp tục tăng trưởng cao ở mức 12,2% nhằm đáp ứng mức tăng trưởng GDP dự kiến khoảng 8%.
Để đáp ứng nhu cầu điện này, NSMO đã chủ động lập các kế hoạch vận hành hệ thống và thị trường điện với mục tiêu cao nhất là đảm bảo vận hành hệ thống điện an toàn, ổn định, thị trường điện minh bạch và tối ưu toàn hệ thống.
Dự báo tình hình cấp điện thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn thách thức, NSMO đã đề nghị Bộ Công thương xem xét báo cáo, đề xuất với Chính phủ có các chỉ thị, chủ trương tương tự năm 2024 để NSMO có cơ sở vận hành linh hoạt các nguồn thủy điện trong năm 2025.
Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị có liên quan trong công tác chuẩn bị và đảm bảo nhiên liệu cho phát điện, đặc biệt là nhiên liệu LNG và cơ chế vận hành trong /ngoài thị trường điện.
Chỉ đạo EVN và các đơn vị liên quan đảm bảo vận hành lưới điện, trong đó có lưới điện 500 kV; chuẩn bị các phương án và sẵn sàng thực hiện công tác điều chỉnh phụ tải trong các ngày cực đoan cao điểm mùa khô tháng 4-6.
|
Kho cảng LNG Thị Vải tại Bà Rịa - Vũng Tàu. |
Theo nhận định của NSMO, có 4 tồn tại, 4 thách thức chính trong vận hành hệ thống điện giai đoạn 2024-2025.
Các tồn tại này gồm hệ thống đang thiếu khả năng vận hành linh hoạt (bao gồm hệ thống điện quốc gia, hệ thống điện miền Bắc và cả miền Nam) thiếu nguồn để đảm bảo vận hành linh hoạt trong điều kiện năng lượng tái tạo tăng cao; các quy trình vận hành liên hồ chứa còn một số bất cập và tồn tại khi mà các yêu cầu cấp nước hạ du và cấp nước khác có những vướng mắc với quy định thị trường điện và nhu cầu hệ thống điện; ổn định hệ thống điện khi truyền tải cao 500 kV và ổn định hệ thống điện khi kết nối với hệ thống điện Campuchia; cơ sở hạ tầng phục vụ vận hành hệ thống điện và thị trường điện đã vận hành trong thời gian dài chưa được đầu tư, nâng cấp (nhiều hạ tầng đã vận hành hơn 10 năm như hệ thống SCADA/EMS, hệ thống thu thập và quản lý số liệu đo đếm đã vận hành gần 20 năm, nâng cấp hệ thống bảo vệ diện rộng nhằm đảm bảo vận hành mạch 3, nâng cao độ ổn định vận hành HTĐ…).
NSMO cũng cho hay, trong năm 2024 và sang 2025, NSMO đã và sẽ gặp một số thách thức.
Thứ nhất, đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch – Thanh Hóa – Phố Nối đóng điện vận hành đã góp phần nâng cao khả năng truyền tải của lưới điện 500kV, tuy nhiên việc trang bị thiết bị bù trên đường dây chưa đồng bộ mạch 3 khi trạm biến áp 500 kV Quỳnh Lưu, Nam Định chưa vận hành dẫn đến điện áp trên hệ thống 500 kV một số thời điểm tăng cao, việc vận hành đảm bảo phân bổ đều trào lưu công suất giữa các mạch có khó khăn, và cần phải thực hiện thêm các giải pháp khác nhau để đảm bảo ổn định khi truyền tải cao.
Thứ hai, áp lực và yêu cầu về nhân lực, thời gian trong việc NSMO đã tham gia các tổ biên soạn, xây dựng và sửa đổi rất nhiều văn bản pháp luật dưới Luật Điện lực 61, Nghị định 80/NĐ-CP về DPPA, Nghị định 135/NĐ-CP về điện mặt trời mái nhà, Thông tư 12 sửa đổi các thông tư liên quan đến điều độ, Thông tư 21 quy định thị trường điện bán buôn cạnh tranh, các thông tư khác về quy định lưới truyền tải, phân phối, giá truyền tải, điều độ …
Thứ ba, khối các phòng quản trị của NSMO chưa có kinh nghiệm đối với mô hình Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ nên có một số khó khăn trong giai đoạn đầu thành lập.
Thứ tư, mô hình tổ chức NSMO chưa hoàn thiện, vốn điều lệ của NSMO nhỏ (chỉ khoảng776 tỷ đồng) trong khi nhu cầu đầu tư để nâng cấp, hiện đại hoá hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện rất lớn trong thời gian ngắn dẫn đến NSMO đối mặt nhiều khó khăn trong việc thu xếp vốn để đầu tư cho hạ tầng. Đồng thời, khi trở thành công ty TNHH MTV, NSMO phát sinh nhiều các chi phí mới cho hoạt động của một Công ty vốn chưa bộc lộ khi Điều độ Quốc gia còn hạch toán phụ thuộc.
Bởi vậy, NSMO cũng kính đề nghị EVN phối hợp với NSMO trong việc xây dựng giá SMO 2024 và hợp đồng tạm thanh toán giá SMO năm 2025, và kính đề nghị Cục Điều tiết Điện lực xem xét kế hoạch sản xuất kinh doanh, giá điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện trình Bộ Công Thương phê duyệt nhằm tạo điều kiện để NSMO có đủ nguồn kinh phí tiền lương (đặc biệt cơ chế lương cho đội ngũ kỹ sư chức danh của NSMO) và chi phí hoạt động, đầu tư, đặc biệt cho giai đoạn 2025-2030.