Tăng trưởng ổn định, bền vững
Tăng trưởng của CTCK đã khó, tăng trưởng bền vững lại càng khó hơn. Nhưng theo Dự thảo Quy chế hướng dẫn xếp loại CTCK (CAMEL) mới nhất của UBCK, để đạt được mức điểm cao trong tiêu chí này (tiêu chí số 16 về đánh giá quản trị CTCK - nhóm M, có trọng số 6% trong tổng điểm xác định chỉ tiêu M), CTCK sẽ phải chịu khá nhiều thách thức.
Theo Dự thảo Quy chế, nếu CTCK không tăng trưởng doanh thu thì không được tính điểm của tiêu chí M
Cụ thể, Dự thảo quy định, CTCK phải có tỷ lệ tăng trưởng doanh thu trung bình trong 3 kỳ báo cáo gần nhất trên 50% mới đạt mức 100 điểm trong kỳ đánh giá của UBCK theo tiêu chí này. Trường hợp mức tăng trưởng từ 10 - 30%, CTCK sẽ chỉ đạt 60 điểm, dưới 10% sẽ đạt 30 điểm và không tăng trưởng thì không được điểm của tiêu chí này.
Nếu quy định trên được hiểu là CTCK phải đạt mức tăng trưởng doanh thu 50% mỗi kỳ (so sánh 2 kỳ liên tiếp), tính bình quân cho 3 kỳ báo cáo gần nhất thì đây rõ ràng là một thách thức không nhỏ. Trong điều kiện kinh tế ổn định, mức tăng trưởng 50% doanh thu đã khó, trong điều kiện thị trường suy thoái, mức này càng khó khăn hơn, vì duy trì được doanh thu không giảm là không đơn giản.
Có hỗ trợ tài chính/kỹ thuật từ tổ chức tài chính quốc tế
Theo dự thảo CAMEL, tại tiêu chí số 19 của nhóm đánh giá chất lượng quản trị (M), CTCK sẽ nhận được 100 điểm của tiêu chí này, nếu thường xuyên nhận được sự hỗ trợ tài chính và/ hoặc kỹ thuật từ đối tác chiến lược là các tổ chức tài chính quốc tế với giá trị lớn. Các trường hợp không nhận được sự hỗ trợ nào sẽ không được điểm, hoặc sự hỗ trợ hạn chế, chỉ được 50 điểm. Tiêu chí này cũng có tỷ trọng 6% trong tổng điểm tính chỉ tiêu M. Như vậy, những trường hợp CTCK không có đối tác chiến lược là tổ chức tài chính quốc tế, đương nhiên sẽ mất điểm trong tiêu chí này.
Thực tế cho thấy, trong giai đoạn TTCK bùng nổ, những CTCK có yếu tố ngoại đa phần tỏ ra thận trọng hơn trong chiến lược phát triển. Việc dành tỷ trọng 6% trong công thức xác định chất lượng quản trị cho thấy cơ quan quản lý đánh giá cao vai trò của các đối tác quốc tế nhiều kinh nghiệm, có tiềm lực tài chính đối với sự phát triển bền vững, hiệu quả của CTCK. Tuy nhiên, thực tế đánh giá và lượng hóa yếu tố này lại không dễ.
Với những trường hợp mà cổ đông chiến lược nước ngoài chỉ nắm 15% vốn điều lệ, có người đại diện tham gia HĐQT thì tiêu chí này sẽ được đánh giá như thế nào? Có trường hợp, yếu tố ngoại này sẽ rất hữu ích, nhưng không phải không có trường hợp, NĐT ngoại không có ảnh hưởng gì đến chiến lược hoạt động của DN. Vì thế, việc lượng hóa chuẩn xác mức độ hỗ trợ như thế nào là thường xuyên, giá trị lớn… sẽ là thách thức đối với cơ quan quản lý.
Tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản
Trong nhóm chỉ tiêu C về mức độ đủ vốn của CTCK, C được cấu thành từ 3 chỉ tiêu thành phần là C1 (tỷ lệ vốn chủ sở hữu/tổng tài sản), C2 (vốn chủ sở hữu/vốn pháp định) và C3 (tỷ lệ an toàn tài chính). Trong quy định này, để đạt được trên 80 điểm đối với toàn nhóm chỉ tiêu C, CTCK phải có tỷ lệ vốn chủ sở hữu/tổng tài sản từ 51% trở lên, vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng 1,5 lần vốn pháp định và tỷ lệ an toàn tài chính từ 180% trở lên. Như vậy, quy định về tỷ lệ an toàn tài chính trùng với yêu cầu tại Thông tư 226/2010/TT-BTC về chỉ tiêu an toàn tài chính CTCK, nhưng quy định liên quan đến chỉ tiêu C1 lại không dễ đạt được.
Theo đó, để chỉ tiêu C1 đạt được 80 điểm trở lên, CTCK chỉ được phép vay nợ ít hơn vốn chủ sở hữu hiện có. Trong khi đó, Thông tư 210/2012/TT-BTC cho phép CTCK được vay tới 3 lần vốn chủ sở hữu. Điều này cho thấy, CAMEL có vẻ siết chặt hơn điều kiện tài chính các CTCK so với quy định pháp lý hiện hành.
Trong giai đoạn hiện nay, số dư tiền mặt các CTCK khá lớn, do nhiều CTCK vẫn thận trọng với tự doanh, nên yêu cầu này không mấy quan trọng. Tuy nhiên, khi thị trường sôi động, hoạt động cung cấp vốn margin cho khách hàng bùng nổ thì có lẽ, sẽ có nhiều CTCK mất điểm ở tiêu chí này trong bảng chấm của cơ quan quản lý.