3 bước biến điểm yếu thành điểm mạnh

97% mọi người có thể tự nhận ra điểm yếu nghề nghiệp. Tuy nhiên chỉ một số ít trong đó dám thừa nhận nhược điểm và biết cách biến chúng thành lợi thế, theo đánh giá của Joseph W. Grenny.
3 bước biến điểm yếu thành điểm mạnh

Joseph W.Grenny là tác giả có nhiều sách bán chạy trên New York Times, một diễn giả nổi tiếng, là Chủ tịch của tổ chức phi lợi nhuận Unitus chuyên hỗ trợ kinh tế cho người nghèo. Ông còn có 27 năm kinh nghiệm làm việc tại VitalSmarts với cương vị đồng Chủ tịch Công ty. 

Trong bài phân tích trên Harvard Business Insider, ông kể về trường hợp của cô Yan Wang - người từng đảm nhận vị trí giám đốc tài chính cho công ty của ông.

Trong mắt Joseph, Yan là một nhân viên có năng lực làm việc "không thể chê vào đâu được", là người có những chuẩn mực đạo đức cao. Tuy nhiên, đó cũng chính là rào cản với Yan mỗi khi cô có ý kiến bất đồng với lãnh đạo công ty.

"Hôm đó, Yan đã nói với đồng nghiệp Al của tôi (Al Switzler - CEO VitalSmarts) rằng, ông ấy đã trích một khoản từ số tiền bán sách chung của cả hai chúng tôi đem về làm "của riêng". Khoản tiền này vốn chưa được nhân viên kế toán kịp đưa vào sổ sách", Joseph kể, "Khi nói, Yan không giấu vẻ run sợ. Cô ấy cứ lóng ngóng cho đến khi Al cất tiếng: Vậy cô đang đề nghị tôi làm gì đây, Yan? Cô khó nhọc nuốt nước bọt và sau cùng nói: Sẽ thông minh hơn nếu chúng ta bỏ qua vấn đề này. Và Al đồng ý."

Tuy không đề cập người đúng kẻ sai của câu chuyện, nhưng Joseph nhận định, Yan gần như luôn sáng suốt trong mọi việc. Vấn đề nằm ở chỗ, phải mất một lúc để người khác biết được quan điểm của cô là gì. 

Câu chuyện của Yan vốn không hiếm. Nghiên cứu của Joseph cùng cộng sự cho thấy có đến 97% người trong số chúng ta tự biết điểm yếu nghề nghiệp của mình, bao gồm: thiếu niềm tin, thiếu sự đồng cảm, ngại va chạm với đồng nghiệp hoặc sợ gặp rủi ro trong công việc. Trong khi nhiều người né tránh những yếu điểm đó, lo sợ ảnh hưởng xấu đến sự nghiệp, một số ít can đảm thừa nhận chúng và biến chúng thành thế mạnh của mình. 

Joseph cho biết, thời gian sau, VitalSmarts bắt đầu tăng trưởng mạnh mẽ và sự nghiệp của Yan cũng phát triển vững chắc. Cô trở thành một trong những nhân viên chủ chốt của công ty. Nhóm của cô luôn dẫn đầu trong việc tạo lợi nhuận về công ty. Giống như Yan, chúng ta có thể tạo ra sự thay đổi to lớn theo thời gian.

Dưới đây là 3 bước giúp cải thiện điểm yếu thành điểm mạnh, dưới góc nhìn của Joseph:

1. Xác định thời điểm quan trọng

Những điểm yếu cố hữu thường không đơn giản bắt nguồn từ sự khác biệt về nhận thức hay hành vi.

Giả sử bạn đang cần tập trung hoàn tất gấp bài thuyết trình nhưng lại liên tục kiểm tra email hay nghe điện thoại. Thực tế, việc làm chậm không hẳn do bạn không biết cách sắp xếp công việc ưu tiên mà đó là cách bạn phản ứng khi rơi vào trạng thái căng thẳng.  

Để giải quyết tình trạng này, bạn cần có cách "xua tan" cảm giác lo lắng, thiếu thốn hay sợ hãi. Hầu hết mọi thói quen xấu đều bắt nguồn từ những cảm xúc này.

Một trong những cách cải thiện tình hình là tìm ra nguyên nhân gây ra những phản hồi không hiệu quả. Những căng thẳng về mặt thời gian, hoàn cảnh, tâm trạng, hoặc lo ngại rủi ro... có thể "xúi giục" chúng ta phản ứng theo cách khiến tình hình tồi tệ hơn. 

Joseph chỉ ra, khi rơi vào những tình huống đó, cần xác định thời điểm quan trọng để tập trung giải quyết công việc. Nhiều người cảm thấy việc thận trọng khiến họ càng căng thẳng hơn mà không biết chúng thu hẹp phạm vi rắc rối. 

Với Yan, cô nhận ra thời điểm quan trọng của mình là những khi dính dáng với ban lãnh đạo công ty. Trong công việc, cô là người khá thẳng tính với đồng nghiệp, nhưng khi trình bày vấn đề với người có quyền lực trong công ty thì lại thường ngập ngừng. Sau này, Yan cảm thấy an tâm hơn khi biết cách cư xử đó chỉ xuất hiện trong một vài hoàn cảnh đặc biệt chứ cô không phải kiểu "người hai mặt". 

2. Luyện tập có chủ đích 

Sau khi đã tìm ra thời điểm quan trọng, hãy luyện tập một kỹ năng riêng biệt có chủ đích. 

Nhà tâm lý học người Thụy Điển Anders Ericsson phát hiện ra, năng lực học hỏi của con người tăng mạnh khi họ luyện tập có chủ đích. Việc học sẽ tiến bộ hơn nếu quá trình luyện tập nhận được những phản hồi ngay sau đó. 

Trong trường hợp của Yan, cô học cách hạ thấp những chuẩn mực đạo đức xuống và nỗ lực thực hiện điều đó. Sau mỗi cố gắng, Yan đều làm một khảo sát tâm lý nhỏ nhằm đánh giá tính hiệu quả của bài tập và xác định mức độ căng thẳng của mình.

Theo thời gian, Yan học được cách kiểm soát cảm xúc và tăng sự tự tin ứng phó trước những tình huống "va chạm" trong công việc. Cô cẩn thận không đi vào "vết xe đổ" như lần đối mặt với CEO Al. 

Cụ thể, Yan bắt đầu bằng cách làm việc với một vài người trong ban lãnh đạo - những người hay chậm trễ báo cáo các khoản chi. Sau đó, cô tìm cách giải quyết về xu hướng tiêu xài hoang phí của họ - vốn là điều mà cô và nhiều người khác lo lắng. 

Để dẹp bỏ cảm giác lo lắng khi trình bày trước ban lãnh đạo, Yan quyết định tập trung vào một kỹ năng đối thoại duy nhất: tạo ra sự an toàn. Cô mở đầu câu chuyện bằng cách công khai hỏi ý kiến của mọi người liên quan đến một mục tiêu chung của công ty, sau đó mới đề cập đến vấn đề. Bằng cách này, cô hy vọng đối phương có thể hiểu cô không có ý định "tấn công ác ý" họ mà hành động đó xuất phát vì lợi ích chung của mọi người. 

Trong lần thử đầu tiên, Yan nhận ra cách khơi chuyện này giúp cô thêm phần tự tin. Và sự tự tin này càng tăng dần khi Yan nhìn thấy đối phương tiếp nhận vấn đề một cách dễ dàng và không còn phòng thủ như trước. 

3. Phát triển năng lực cảm xúc

Phát triển năng lực cảm xúc bao gồm phát triển kỹ năng quản lý những cảm xúc quen thuộc đi kèm với việc đối mặt với điểm yếu.

Hãy "huấn luyện" dần não bộ để chúng thay đổi cách phán đoán về phản ứng của bạn trước những thời điểm quan trọng. Có thể bạn phải làm những điều mình không quen hoặc không thích nhưng ít ra chúng có thể giúp bạn kiểm soát được tình huống. 

Yan nhận ra cô sẽ bình tĩnh hơn nếu có thời gian nghĩ về mục đích của việc đề cập đến vấn đề có khả năng tạo xung đột với người có quyền lực hơn. Trước khi lên kế hoạch trò chuyện, cô hít một hơi thật sâu và hỏi: "Mình thực sự muốn gì?". 

Trong thâm tâm, Yan luôn muốn tránh mọi xung đột với cấp trên nhưng điều đó lại mâu thuẫn với giá trị đạo đức của cô. Cô luôn muốn trở thành một người liêm chính và mạnh mẽ. Chính điều đó đã giúp cô gạt bỏ nỗi sợ hãi và hướng đến hành động tốt đẹp hơn. Nó khiến cô tập trung và quyết tâm về lựa chọn của mình. 

Joseph nhớ lại một trong những kỷ niệm đáng quý nhất giữa ông với Yan là ngày Yan nói rằng ông đã đánh giá sai về cô. "Cô ấy nói với tôi với sự quả quyết mãnh liệt rằng tôi đã thiếu công bằng trong việc chia cổ phiếu giữa cô ấy với mọi người. Yan đã khéo léo thể hiện nỗi thất vọng của mình và đưa ra phương án giải quyết khác", ông kể. Cuối cùng, Joseph tán thành quan điểm của Yan. 

Thông qua câu chuyện này, Josẹp nhận ra Yan đã thay đổi hoàn toàn, từ một cô nhân viên run rẩy chỉ ra lỗi sai của sếp trở thành một người khéo léo nói lên quan điểm bản thân và thuyết phục người khác theo cách riêng của mình. 

Ai trong chúng ta cũng có thể khắc phục điểm yếu nghề nghiệp của mình nếu biết cách tìm ra những thời điểm quan trọng, luyện tập các kỹ năng cần thiết một cách có chủ đích và phát triển năng lực cảm xúc để tiến bộ. Đừng để nỗi sợ hãi hay sự trì trệ kìm hãm sự nghiệp của bạn.

Theo DNSG

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục