21,6 tỷ USD vốn FDI đổ vào Việt Nam năm 2013

Với 21,6 tỷ USD đổ vào Việt Nam năm 2013, vốn đầu tư trực tiếp (FDI) có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo năng lực cho nền kinh tế.
21,6 tỷ USD vốn FDI đổ vào Việt Nam năm 2013

Một năm có thể coi là thành công của Việt Nam trong thu hút vốn FDI, bởi tính đến giữa tháng 12/2013, đã có 21,6 tỷ USD vốn FDI đổ vào Việt Nam, tăng 54,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong số này, có 14,3 tỷ USD của 1.275 dự án cấp mới, tăng 70,5% và 7,3 tỷ USD vốn tăng thêm của 472 lượt dự án, tăng 30,8%.

Trong khi đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn FDI thực hiện năm 2013 ước đạt 11,5 tỷ USD, tăng 9,9% so với năm 2012.

21,6 tỷ USD vốn FDI đổ vào Việt Nam năm 2013 ảnh 1

Samsung có đóng góp lớn nhất trong xuất khẩu nhóm hàng điện thoại di động và linh kiện

Sự có mặt và giải ngân nhanh chóng của các dự án lớn, đặc biệt là các dự án có vốn đầu tư trên 1 tỷ USD, như Lọc dầu Nghi Sơn, tăng vốn thêm 2 tỷ USD, Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, vốn đầu tư 2 tỷ USD, Samsung Thái Nguyên - 2 tỷ USD…, được cho là nguyên nhân khá cơ bản khiến kết quả thu hút và giải ngân vốn FDI năm 2013 vượt mục tiêu đề ra. “Sức hấp dẫn của điểm đến đầu tư Việt Nam vẫn tiếp tục được khẳng định. Năm qua, Việt Nam cũng đã rất nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận xét.

Vốn FDI vào Việt Nam hồi phục sau mấy năm suy giảm. Nếu đó là một điểm sáng của bức tranh kinh tế 2013, thì một điểm sáng khác - cũng được mang lại từ khu vực FDI - đó là xuất khẩu đạt kết quả cao, lên tới 132,2 tỷ USD. Với kim ngạch nhập khẩu ước đạt 131,3 tỷ USD, năm nay là năm thứ hai liên tiếp, Việt Nam có xuất siêu - với gần 900 triệu USD.

Ghi công lớn cho thành tích này là khu vực FDI, khi mang về doanh thu xuất khẩu 88,4 tỷ USD (tính cả dầu thô), tăng 22,4%, còn nếu không kể dầu thô là 81,2 tỷ USD, tăng 26,8% so với năm trước. Khu vực này xuất siêu gần 14 tỷ USD trong năm nay.

“Sản xuất và xuất khẩu của khu vực FDI tăng trưởng cao, đóng góp lớn cho mức tăng trưởng GDP 5,42% của cả nước. Con số khoảng 20% GDP”, ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho biết.

Như vậy, tỷ lệ đóng góp của khu vực FDI vào GDP ngày càng cao, từ 2% GDP năm 1992 lên 12,7% năm 2000; 16,98% (2006); 18,97% (2011) và nay là 20%.

Với xuất khẩu, cũng tương tự. Báo cáo 25 năm thu hút FDI của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, từ năm 2003, xuất khẩu của khu vực FDI bắt đầu vượt khu vực trong nước và dần trở thành nhân tố chính thúc đẩy xuất khẩu, chiếm khoảng 64% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2012. Năm nay, khu vực FDI đóng góp 66,87% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Một điều quan trọng khác, sự có mặt của các doanh nghiệp FDI lớn, chẳng hạn Samsung, Nokia, Intel, LG…, cũng góp phần thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu theo hướng giảm tỷ trọng sản phẩm khai khoáng, mặt hàng sơ cấp, tăng dần tỷ trọng hàng chế tạo. Chỉ riêng xuất khẩu nhóm hàng điện thoại di động và linh kiện, với đóng góp lớn nhất thuộc về Samsung, đã lên tới 22 tỷ USD.

Chưa kể, theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2013, vốn đầu tư từ khu vực FDI cũng ở mức cao nhất. Khi vốn đầu tư từ ngân sách còn hạn hẹp, vốn huy động từ khu vực tư nhân trong nước còn hạn chế, thì rõ ràng, vốn FDI càng có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo năng lực cho nền kinh tế.  

Những động thái trên cho thấy, khu vực FDI đang trở thành một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế. “Trước thực tế này, có nhiều ý kiến quan ngại rằng, nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI. Nhưng tôi cho rằng, khu vực FDI cũng là một thực thể của nền kinh tế, họ có những đóng góp to lớn và vì thế, phải đối xử công bằng với khu vực này”, ông Lâm bày tỏ quan điểm.

Liên quan đến vấn đề này, như Báo Đầu tư đã thông tin, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh mới đây đã khẳng định, không có chuyện phân biệt thành phần kinh tế FDI hay trong nước.

“Các DN FDI khi vào hoạt động tại Việt Nam, thì tuân thủ toàn bộ luật pháp của Việt Nam, tạo những sản phẩm, dịch vụ phục vụ Việt Nam và xuất khẩu như các DN khác của Việt Nam. Và họ có đóng góp về thu hút lao động, thuế, chuyển giao khoa học - công nghệ, chúng ta không nên phân biệt đối xử giữa DN FDI và DN trong nước”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói và khẳng định, vấn đề đặt ra là, làm thế nào để DN nội địa cũng phải vươn lên, đạt được thành quả tương tự các DN FDI, không để quá chênh lệch.

>> Mối lo FDI hóa nền kinh tế

>> Rộng cửa phân phối với doanh nghiệp FDI

>> 11 tháng, vốn FDI vượt 20 tỷ USD

Nguyên Đức (baodautu.vn)
Nguyên Đức (baodautu.vn)

Tin cùng chuyên mục