Trong khi đó, Fitch đã điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 lên 2,9%, từ mức 2,5% đưa ra trước đó. Tổ chức này cũng nâng dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ thêm 0,4%, lên mức 2,4% và Trung Quốc tăng 0,5%, lên 5,3%. Họ cũng nâng dự báo tăng trưởng kinh tế ở các thị trường mới nổi (ngoại trừ Trung Quốc) thêm 0,2%, lên 3,6%. Tăng trưởng của khu vực đồng euro được dự báo ở mức 0,5%, ít thay đổi so với dự báo trước đó.
Fitch đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng toàn cầu vào năm 2024 thêm 0,2% so với báo cáo trước đó, trong đó có sự đóng góp từ mức tăng 0,9% ở Mỹ lên 1,2% (hiện đã tránh được suy thoái kinh tế), vượt xa mức giảm 0,4% đối với mức tăng trưởng của khu vực đồng euro (xuống 0,7%).
Sự trái ngược trong nhận định của các tổ chức nghiên cứu lớn cũng cho thấy năm 2024 là một năm hoàn toàn không dễ đoán định với nhiều yếu tố tiêu cực và tích cực đan xen. Khả năng phục hồi tăng trưởng đáng ngạc nhiên gần đây của Mỹ phản ánh việc nới lỏng tài chính mới, sự sẵn lòng của người tiêu dùng để tiếp tục rút tiền tiết kiệm dư thừa và nguồn tài chính mạnh mẽ của khu vực tư nhân. Dù vậy, thu nhập và lợi nhuận hộ gia đình giảm tốc, tín dụng và đầu tư suy yếu, lãi suất thực tăng, nhưng vẫn được dự đoán sẽ duy trì ở mức dương cho đến năm 2024.
Nền kinh tế châu Âu hầu như không tăng trưởng trong năm nay và các cuộc suy thoái kỹ thuật nhẹ hiện đang diễn ra ở khu vực đồng euro và Vương quốc Anh. Cú sốc về điều kiện thương mại đã giảm bớt, nhưng thương mại thế giới suy giảm hiện đang ảnh hưởng đến xuất khẩu của khu vực này, trong khi việc thắt chặt tín dụng đang đè nặng lên đầu tư, khi các khoản cho vay của ngân hàng đối với các công ty giảm. Tiền lương thực tế tăng sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong năm tới nhưng quá trình phục hồi sẽ không mạnh mẽ.
Tác động từ mở cửa ở Trung Quốc sẽ không lặp lại và tốc độ tăng trưởng được dự báo sẽ chậm lại ở mức 4,6% vào năm 2024. Nhiều chính sách hỗ trợ đã được tăng cường kể từ tháng 8/2023 nhưng vẫn không tạo ra nhiều lực kéo trong việc ngăn chặn sự sụp đổ trong doanh số bán nhà và xây dựng.
Lạm phát toàn cầu cơ bản đã giảm nhanh hơn so với dự đoán, đặc biệt là ở khu vực đồng euro. Giá hàng hóa cốt lõi đã ổn định trên toàn cầu khi áp lực chuỗi cung ứng giảm bớt. Lạm phát dịch vụ và tăng trưởng tiền lương danh nghĩa cũng giảm đáng kể ở khu vực đồng euro nhưng ít hơn ở Mỹ và Anh (vẫn ở mức cao).
Dù vậy, các ngân hàng trung ương lo lắng về việc sớm tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát và sẽ giữ lãi suất ở mức “hạn chế” trong một thời gian.
Điều kiện thị trường lao động chặt chẽ đang khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) lo lắng về việc lạm phát tiền lương vẫn ở mức cao. Fitch dự đoán Fed dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất cho đến tháng 7/2024 và sau đó sẽ cắt giảm 1%/năm vào cuối năm sau, xuống còn 4,75%/năm.
Còn Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ vào tháng 4 năm sau, giảm lãi suất 0,75%/năm vào cuối năm 2024, đưa lãi suất tái cấp vốn lên 3,75%/năm. Ngược lại, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản dự kiến sẽ tăng lãi suất vào năm tới. Đây sẽ là lần thắt chặt tiền tệ đầu tiên kể từ năm 2007 của nước này.
Một cuộc thăm dò ý kiến của các nhà kinh tế của Reuters cho thấy, nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng 2,9% trong năm nay và dự kiến sẽ giảm xuống còn 2,6% trong năm tới.
Theo cuộc thăm dò, trong khi nền kinh tế toàn cầu có thể tránh được suy thoái kinh tế, châu Âu và Vương quốc Anh vẫn có thể chứng kiến tình trạng suy thoái nhẹ. Một cuộc hạ cánh nhẹ nhàng đối với Mỹ vẫn đang nằm trong kế hoạch, mặc dù sự không chắc chắn xung quanh lộ trình thắt chặt tiền tệ của Fed đã che mờ triển vọng. Tăng trưởng của Trung Quốc dự kiến sẽ yếu đi khi các công ty toàn cầu tìm kiếm địa điểm thay thế để giảm sự phụ thuộc vào nước này đối với các dịch vụ như sản xuất.