Tỷ giá khó tăng cao nửa cuối năm
Ngày 23/8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm VND/USD ở mức 23.127 đồng/USD (tăng 5 đồng so với ngày đầu tuần 19/8). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN ở chiều mua là 23.200 đồng/USD (không đổi) và chiều bán là 23.771 đồng/USD (tăng 7 đồng).
Cùng ngày, tại các ngân hàng thương mại, giá USD ổn định, giá CNY biến động nhẹ. Ðơn cử, Vietcombank niêm yết giá USD ở mức 23.145 - 23.265 đồng/USD (mua - bán), giảm 5 đồng ở cả 2 chiều mua và bán so với đầu tuần. BIDV niêm yết ở mức 23.145 - 23.265 đồng/USD (mua - bán), không đổi so với đầu tuần. Techcombank niêm yết ở mức 23.153 - 23.281 đồng/USD (mua - bán), tăng 5 đồng ở chiều mua, nhưng giảm 2 đồng ở chiều bán so với ngày 19/8.
Trên thị trường quốc tế, sau khi biên bản cuộc họp tháng 7/2019 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được phát hành, USD hầu như không thay đổi, trong khi nội bộ cơ quan này cho thấy có sự bất nhất về chính sách cắt giảm lãi suất. Cụ thể, một số quan chức Fed muốn cắt giảm 0,5 điểm phần trăm, nhưng cuối cùng chỉ cắt giảm 0,25 điểm phần trăm.
Trước những nguy cơ bất ổn tiềm tàng và triển vọng không rõ ràng của nền kinh tế toàn cầu, Fed từng nhấn mạnh, không có "lộ trình vạch sẵn" trong việc cắt giảm lãi suất cơ bản. Tuy nhiên, lâu nay, cơ quan này đã chịu sức ép từ Tổng thống Donald Trump về việc đảo ngược tiến trình tăng lãi suất và cắt giảm mạnh lãi suất cơ bản nhằm kích thích nền kinh tế Mỹ. Do đó, vẫn có khả năng Fed sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trong năm nay và nếu điều đó xảy ra sẽ tác động tích cực lên lãi suất tiền đồng cũng như tỷ giá.
Trong khi đó, dù đang đối mặt với áp lực CNY mất giá, USD có xu hướng mạnh lên khi thương chiến Mỹ - Trung chưa lắng dịu, song các chuyên gia cho rằng, tiền đồng khó có thể giảm sâu. US Dollar Index - chỉ số đo lường sức mạnh “đồng bạc xanh” đã vượt mốc 98 điểm trong 3 phiên gần gây, cũng là mức cao nhất kể từ tháng 5/2017 và tăng gần 3% so với cuối tháng 6/2019. Trong khi đó, CNY tiếp tục giảm trong sáng ngày 23/8 khi tiến gần tới mốc 7,1 CNY đổi 1 USD, đánh dấu phiên giảm giá thứ 6 liên tiếp.
TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, nếu Fed tái giảm lãi suất USD thì sẽ tác động tích cực lên tỷ giá tiền đồng, song không thể chủ quan trước sự mất giá của CNY hiện nay. Trong bối cảnh hiện tại, ông Thành dự báo, tỷ giá sẽ tăng từ 2-2,5% trong năm 2019.
Những biến động phức tạp trên thị trường tài chính, đặc biệt là diễn biến của USD và CNY, đã tác động mạnh mẽ tới các quốc gia mới nổi, nhưng Việt Nam chịu ảnh hưởng ít hơn nhờ chính sách tỷ giá linh hoạt, ổn định.
Theo ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hộị đồng Vàng thế giới (WGC) tại Singapore, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam, trong điều kiện bình thường, tỷ giá mỗi năm tăng khoảng 2%, nhưng nay có thêm sự tác động của CNY thì chính sách tỷ giá của Việt Nam cần linh hoạt hơn để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo báo cáo nghiên cứu kinh tế vĩ mô tháng 8/2019 của Standard Chartered, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam trong năm nay, đặc biệt là vào lĩnh vực sản xuất, với tổng lượng vốn thu hút được dự kiến đạt 18 tỷ USD. Tăng trưởng xuất khẩu sẽ duy trì ổn định hơn so với các nước trong khu vực.
Xuất khẩu hàng điện tử - vốn chiếm khoảng 1/3 trong tổng lượng xuất khẩu, có khả năng sẽ giảm tốc trong năm nay so với những năm gần đây do nhu cầu bên ngoài và giá cả các thiết bị bán dẫn suy giảm. Tuy nhiên, sự sụt giảm này sẽ được bù đắp nhờ xuất khẩu các mặt hàng truyền thống như dệt may và nông nghiệp ngày càng cải thiện.
Trong bối cảnh nhập khẩu nguyên liệu sản xuất giảm tốc, tăng trưởng nhập khẩu dự kiến sẽ tiếp tục duy trì mức gần 10%, nhờ đó cán cân thương mại sẽ tiếp tục thặng dư trong năm 2019. Nghiên cứu của Standard Chartered cũng cho rằng, NHNN sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt trong ngắn hạn để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế khi lạm phát còn ở mức thấp.
Theo dự báo của Standard Chartered, lạm phát Việt Nam sẽ tăng khiêm tốn ở nửa cuối năm 2019, đạt trung bình 2,8% so với mức 2,6% trong nửa đầu năm và lạm phát cơ bản (không bao gồm giá thực phẩm, năng lượng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục) sẽ tăng lên 2% trong năm nay.
Ðồng thời, kỳ vọng lãi suất chính sách sẽ không thay đổi trong năm 2019 và VND sẽ tăng giá nhẹ, dòng vốn FDI mạnh mẽ và thặng dư tài khoản vãng lai sẽ hỗ trợ VND trong ngắn hạn. Tỷ giá VND/USD được ông Chidu Narayanan, chuyên gia kinh tế Khu vực châu Á, Ngân hàng Standard Chartered dự đoán sẽ đạt 23.100 đồng/USD vào cuối năm 2019 và 23.000 đồng/USD vào giữa năm 2020.
Cần chủ động phòng ngừa rủi ro tỷ giá biến động mạnh
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng đưa ra nhận định, mức biến động 2-3% của tỷ giá trong năm 2019 có thể chấp nhận được. Theo ông Lực, với cơ chế và kinh nghiệm điều hành tỷ giá linh hoạt, chủ động của NHNN, cùng nguồn ngoại tệ dồi dào, quan hệ cung - cầu ngoại tệ hiện cơ bản ổn định.
Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, cơ quan quản lý cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, chính sách tài khóa - tiền tệ của các nước lớn để có thể kiểm soát dòng vốn, từ đó có biện pháp cụ thể để gia tăng sự cân bằng thương mại với Mỹ, đồng thời chủ động bám sát, phối hợp để trao đổi với Bộ Tài chính Mỹ để có đánh giá khách quan, tích cực hơn về chính sách tiền tệ - thương mại của Việt Nam.
TS. Bùi Quang Tín, Trường Ðại học Ngân hàng TP.HCM đánh giá, hiện nay, tỷ giá đang ở mức ngang bằng cuối năm 2018 chủ yếu nhờ nguồn cung ngoại tệ dồi dào, nhưng sẽ chịu áp lực trong thời gian tới trước những thay đổi về chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới như Fed, Ngân hàng Trung ương Châu Âu…
CTCK Ngân hàng Vietcombank (VCBS) cũng cho rằng, khả năng thị trường chịu cú sốc lớn là không cao, cho dù áp lực tỷ giá đang hiện hữu. Các thông tin về thương chiến Mỹ - Trung đẩy rủi ro mang tính hệ thống của thị trường tài chính cao hơn. Mức giảm tỷ giá trung tâm trong năm nay dự báo được giữ quanh mốc 2%.
Từ góc độ thương mại, theo VCBS, động thái phá giá CNY nhằm hướng tới mục tiêu khiến cho giá cả hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn, từ đó tăng tính cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu, giúp phần nào giảm thiểu tác động từ các biện pháp thuế quan của Mỹ áp lên hàng hóa xuất khẩu vào quốc gia này. Tuy nhiên, đây cũng là “con dao hai lưỡi” khi các khoản nợ tính bằng USD cũng tăng lên tương ứng.
Ông Ngô Ðăng Khoa, Giám đốc Kinh doanh trái phiếu và ngoại hối, Ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết, tác động từ cuộc thương chiến Mỹ - Trung đã khiến nhiều nước phải phá giá mạnh đồng nội tệ trong năm vừa qua, trong khi Việt Nam phá giá tiền đồng chưa đến 2,5%. Vì thế, nếu thời gian tới, Việt Nam vẫn giữ tỷ giá ổn định hoặc tăng quanh mức 1% thì sẽ không hỗ trợ cho xuất khẩu. Ðó là chưa kể áp lực tỷ giá còn đến từ yếu tố lạm phát do giá dịch vụ y tế, trường học, xăng dầu… tăng theo.
“Do đó, năm nay, nếu tỷ giá được kiểm soát ở mức 2-3% sẽ là một thành công nữa của NHNN”, ông Khoa nói.Năm nay, nếu tỷ giá được kiểm soát ở mức 2-3% thì sẽ là một thành công nữa của NNHN.
Cũng theo ông Khoa, biến động lãi suất trên thị trường quốc tế còn chứa đựng nhiều ẩn số. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh phụ thuộc vào biến động lãi suất, tỷ giá, cần chủ động trong việc sử dụng các công cụ phòng vệ rủi ro thông qua các sản phẩm phái sinh trong khuôn khổ NHNN cho phép.
CTCK Bảo Việt (BVSC) đưa ra nhận định, VND đã ít nhiều chịu ảnh hưởng từ diễn biến giảm giá của CNY thời gian qua, nhưng tỷ giá VND/USD tính đến cuối tháng 7/2019 gần như không thay đổi so với cuối năm ngoái, nên cơ quan điều hành còn nhiều dư địa để điều chỉnh.
Theo BVSC, áp lực tỷ giá từ nay đến cuối năm có thể được hạn chế một phần do nguồn cung USD dồi dào hơn đến từ các thương vụ mua bán lớn giữa đối tác ngoại và ngân hàng trong nước như BIDV bán 15% vốn cho KEB Hana Bank, bên cạnh nguồn kiều hối chảy về Việt Nam thường tăng mạnh vào cuối năm.