2019 thách thức kinh tế đến sớm

(ĐTCK) Mỗi năm, hoạt động đầu tư trên toàn cầu lại chịu ảnh hưởng chủ đạo bởi một số bối cảnh nhất định. Năm 2017, đó là nền kinh tế diễn biến dễ chịu, không quá lạnh, không quá nóng và sự trở lại của yếu tố chính trị như là động lực chính thúc đẩy thị trường phát triển. Trong khi đó, xung đột thương mại và lo ngại lãi suất là yếu tố bao phủ môi trường đầu tư 2018.
2019 thách thức kinh tế đến sớm

Bước sang năm 2019, các tổ chức kinh tế hàng đầu đã công bố các báo cáo triển vọng đầu tư với cách nhìn thận trọng, xác định bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm, quan điểm và xu hướng chính trị thay đổi tạo ra những rủi ro.

Mới đây, Black Rock đã công bố Báo cáo triển vọng đầu tư toàn cầu 2019 với sự tổng hợp ý kiến từ hơn 100 chuyên gia, nhà đầu tư chuyên nghiệp, xác định những bối cảnh lớn cho hoạt động đầu tư trên toàn cầu. 

Tăng trưởng kinh tế chậm lại

Đa phần các tổ chức kinh tế lớn đều dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại năm 2019 và nền kinh tế Mỹ bước vào giai đoạn cuối cùng của chu kỳ tăng trưởng.

Khi năm 2018 dần khép lại, dường như đây là một chương khá tích cực của nền kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng GDP thực đạt 3,8%, cao hơn nhiều so với những chỉ dấu xuất hiện vào đầu năm. Tuy nhiên, những ngày tăng trưởng tích cực dường như đã ở lại phía sau, tăng trưởng GDP toàn cầu dự báo sẽ đạt 3,5% vào năm 2019, với đà giảm tốc của các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc.

Cùng với đà giảm của tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng lợi nhuận trên toàn cầu cũng chậm lại năm 2019. Tại Mỹ, tăng trưởng lợi nhuận dự báo sẽ quay trở lại mức bình thưởng khoảng 9% năm 2019, sau khi nhảy vọt lên tới 24% năm 2018 nhờ chính sách cắt giảm thuế doanh nghiệp của Chính phủ Mỹ, ước tính dựa theo số liệu của Thomson Reuters. Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn so với mức trung bình trên toàn cầu.

Tại các thị trường mới nổi, tăng trưởng lợi nhuận nhiều khả năng vẫn duy trì ở mức 2 con số, dẫn đầu là Trung Quốc nhờ khu vực công nghệ hồi phục và các dấu hiệu cho thấy giới chức nước này sẽ thực hiện thêm chính sách nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế chậm lại và việc các hàng rào thuế quan được dựng lên khiến giới đầu tư có cái nhìn cẩn trọng hơn với triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp. 

Lãi suất quay lại mức bình thường

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang bám sát tiến trình bình thường hóa lãi suất và mọi động thái của cơ quan này đều có ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng của các thị trường tài chính trong ngắn hạn.

Một mặt, việc bình thường hóa lãi suất tạo ảnh hưởng tới các dòng vốn trên toàn cầu, khiến dòng tiền rút ra khỏi các thị trường mới nổi và quay lại Mỹ, trong khi sức mạnh của đồng USD ngày càng được củng cố. Mặt khác, động thái của Fed sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa ra phần còn lại của thế giới, nhất là tại các thị trường mới nổi.

Tuy nhiên, theo BlackRock, nhiều khả năng Fed sẽ trở nên cẩn trọng hơn khi lãi suất trở về gần mức bình thường và sẽ có quãng nghỉ trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm lại năm 2019. 

Tâm lý chịu tác động bởi các yếu tố khó đoán định

Thị trường chứng khoán đã trải qua một năm 2018 với nhiều biến động mạnh, bất chấp việc các yếu tố vĩ mô hỗ trợ tích cực và lợi nhuận của doanh nghiệp tăng trưởng. Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính xuất phát từ các yếu tố bất ổn, khó đoán định, đặc biệt là xung đột thương mại Mỹ - Trung, khiến tâm lý nhà đầu tư bị tác động tiêu cực.

Bước sang năm 2019, các yếu tố bất ổn vẫn hiện hữu, trở thành lực cản kéo lùi đà tăng trưởng của thị trường, tạo áp lực lên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và tổn thương sự tự tin của giới đầu tư.

Cũng chính trong bối cảnh này, nhiều khả năng, các nhà đầu tư sẽ chuyển hướng sang xây dựng danh mục đầu tư mang tính chất phòng vệ và có tầm nhìn dài hạn. 

Các biến động chính trị mới

Trong 40 năm qua, chúng ta chứng kiến tự do thương mại và toàn cầu hóa không ngừng mở rộng, tạo nên 3 thập kỷ tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chủ nghĩa dân túy đang trỗi dậy và được dự báo sẽ phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

Đây là một trong các yếu tố địa chính trị có tác động lớn nhất tới các thị trường tài chính trên toàn cầu, tạo rủi ro lớn với giới đầu tư.

Không chỉ vậy, chính trị đang dần trở thành mối lo ngại đối với giới đầu tư, khi có nhiều biến động liên tiếp xảy ra, nhất là tại khu vực châu Âu. Theo BlackRock, dù ít có khả năng xảy ra biến động mạnh về chính trị tại châu Âu, nhưng tổ chức này tin rằng, nhà đầu tư đang đánh giá thấp những tác động tới triển vọng đầu tư trung hạn của yếu tố này.

Trong đó, đáng chú ý nhất là quá trình nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) khi liên tiếp có những diễn biến bất ngờ. BlackRock cho rằng, không loại trừ khả năng Anh sẽ rơi vào tình trạng không đạt được thỏa thuận để rời đi, trong khi Brexit vẫn xảy ra. Bên cạnh đó, khủng hoảng chính trị kéo dài tại Italia cũng đang là cơn đau đầu nan giải đối với EU.      

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục