2017 sẽ là năm ngân hàng “phục hồi ngoạn mục“

(ĐTCK) Có nhiều yếu tố làm cơ sở cho dự báo triển vọng lợi nhuận tươi sáng trong năm 2017 của hệ thống ngân hàng.
So với giai đoạn khó khăn nhất, khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại đã tăng gần như gấp đôi So với giai đoạn khó khăn nhất, khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại đã tăng gần như gấp đôi

Tín hiệu tích cực từ xử lý nợ xấu

Nhận định về bức tranh hoạt động của ngành ngân hàng, ông Hoàng Minh Hoàn, Giám đốc tài chính SCB chia sẻ, từ tháng 6 đến nay, huy động vốn giữa các định chế tài chính với doanh nghiệp và khu vực dân cư, kể cả trên thị trường liên ngân hàng tương đối ổn định.

Lãi suất liên ngân hàng khoảng 2 tháng gần đây duy trì ở mức 3,5%/năm, khá thấp so với trần lãi suất 5%/năm và lãi suất qua đêm khoảng từ 1 - 2%/năm. Đặc biệt, các ngân hàng có vốn nhà nước đang có nguồn tiền gửi khá lớn của Kho bạc Nhà nước (do chưa giải ngân tới), hỗ trợ thanh khoản trong toàn hệ thống dồi dào.

Cũng theo ông Hoàn, mặc dù Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng lên 22% theo mục tiêu của Chính phủ, nhưng qua đánh giá từ các ngân hàng thương mại, chưa có động thái giải ngân đột biến, nên thanh khoản hệ thống vẫn ổn định.

“Theo quy luật các năm trước, vào cuối tháng 11, 12 có dao động nhẹ về tỷ giá hay lãi suất. Cuối năm nay, lãi suất, tỷ giá cũng có thể có thời điểm hơi căng một chút, nhưng về cơ bản, tôi cho rằng, kết quả kinh doanh của hệ thống sẽ khả quan trong năm nay”, ông Hoàn nói.

Một yếu tố quan trọng được ông Hoàn nhấn mạnh có tác động lớn đến lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2017, đó là câu chuyện nợ xấu đã qua thời điểm khó khăn nhất, do các ngân hàng đều trích lập dự phòng lớn sau khi bán nợ xấu cho VAMC từ năm 2013 đến năm 2015.

“Trích lập dự phòng rủi ro cho những món nợ xấu mới không đáng kể, trong khi nợ xấu cũ thì đã được trích lập dự phòng. Mặt bằng lãi suất trên thị trường ổn định hơn, doanh nghiệp mạnh dạn làm ăn tốt hơn nên quy mô có cải thiện một chút dẫn đến thu nhập của hệ thống cải thiện. Trong khi đó chi phí dự phòng giảm, giúp kết quả kinh doanh khả quan hơn”, ông Hoàn phân tích.

Cũng liên quan đến câu chuyện xử lý nợ xấu của ngành ngân  hàng, ông Aeron Batten, Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây đánh giá, Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu đã xác định đúng đắn rào cản pháp lý đang ngăn trở việc xử lý nợ xấu một cách hiệu quả và biện pháp xóa bỏ những rào cản này.

Thực tế cho thấy, Nghị quyết 42/2017/QH14 thí điểm xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng ra đời mở đường cho việc xử lý nợ xấu của VAMC trong công đoạn khó khăn nhất, đó là xử lý tài sản bảo đảm. Theo đó, ngày 12/8, Dự án đầu tư Cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C (Saigon One Tower) của Công ty Sài Gòn One Tower tại TP.HCM đã được thu giữ nhằm xử lý khoản nợ cả gốc, lãi lên đến 7.000 tỷ đồng.

Cũng trong tháng 8, TPBank đã thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất có diện tích 89,6 m2 tại quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu của ông Phan Phú Vinh và bà Nguyễn Thị Mỹ Duyên, là tài sản đảm cho một khoản nợ xấu.

Gần đây nhất, ngày 22/9, TPBank tuyên bố xử lý tài sản bảo đảm theo Hợp đồng thế chấp số 0002C-04.14/HDDTC3/TPB.AGG ngày 26/04/2014 (bán đấu giá tài sản thế chấp) qua tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để thu hồi nợ từ ông Nguyễn Thái Sơn và bà Nguyễn Thị Huệ Trinh, nhằm đảm bảo cho khoản vay của Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Thuận An. Trong quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng, Công ty đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo thỏa thuận.

Theo ông Hoàn, sau khi có Nghị quyết 42/2017/QH14, việc xử lý những món nợ xấu lớn có thể không tiến hành nhanh được, nhưng rõ ràng, những món nợ nhỏ hơn sẽ được giải quyết dứt điểm nhiều hơn.

Khả năng sinh lời tăng gần gấp đôi

Kết quả điều tra mới nhất về xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng do Vụ Dự báo Thống kê của Ngân hàng Nhà nước tiến hành cũng cho thấy, xu hướng cải thiện kết quả kinh doanh trong năm 2017 của các ngân hàng  khá lạc quan. Cụ thể, 82% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh tiếp tục cải thiện so với năm 2016, trong đó 25% tổ chức tín dụng kỳ vọng “cải thiện nhiều”.

Dự kiến, trong năm nay, 90,6% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương so với năm 2016, với mức tăng trưởng bình quân toàn hệ thống kỳ vọng đạt 13,2%, điều chỉnh giảm so với kỳ vọng 18,65% xác lập tại cuộc điều tra kỳ trước. Trong đó, thu nhập ròng từ dịch vụ và hoạt động tự doanh đều kỳ vọng tăng trưởng khá.

Dưới góc nhìn của TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, năm 2017 là năm phục hồi ngoạn mục của hệ thống ngân hàng Việt Nam, sau một thời gian nỗ lực xử lý nợ xấu, đặc biệt trích lập dự phòng rủi ro. Lãi ròng trên tổng tài sản của ngành ngân hàng từng có thời điểm giảm xuống 0,4%, nhưng hiện đã đạt xấp xỉ 0,8%, có những ngân hàng đạt trên 1%. Lãi ròng trên vốn tự có có thời điểm giảm xuống còn 5,6% thì hiện nay đã tăng lên 8%, thậm chí có những ngân hàng đạt được trên 10%.

“So với giai đoạn khó khăn nhất, khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại đã tăng gần như gấp đôi. Đây là dấu hiệu quan trọng nhất cho thấy nền tảng tài chính của các ngân hàng thương mại đã được phục hồi khá ấn tượng”, TS. Nghĩa nói.

Cũng theo TS. Nghĩa, một số ngân hàng đã tăng được vốn chủ sở hữu bằng nguồn vốn nội địa và hầu hết các ngân hàng đều đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ nhằm phát triển các dịch vụ mới như Internet banking, Mobile banking, thanh toán tự động… trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Những thành quả nói trên rất đáng ghi nhận, phản ánh một xu thế mới của ngành ngân hàng về quản trị, quản lý rủi ro và phát triển dịch vụ theo hướng ngân hàng 3.0.

“Mặc dù còn có nhiều khó khăn, rủi ro pháp lý của quá khứ để lại, nhưng ngành ngân hàng đang từng bước thực hiện thành công chương trình tái cơ cấu hệ thống của Chính phủ và đang dần củng cố lòng tin đối với công chúng và các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Hy vọng rằng, với đà tăng trưởng kinh tế ổn định từ 6 - 6,5% và lạm phát dưới 5% kéo dài trong nhiều năm sau, với việc quyết liệt thực hiện chương trình tái cơ cấu của Chính phủ, hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ vượt qua khó khăn trước mắt và phát triển ổn định trong thời gian tới”, TS. Nghĩa nói. 

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục