2017 sẽ là năm của bất động sản Ấn Độ

(ĐTCK) 2017 được xem là năm mà thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế Ấn Độ nói chung sẽ có sự tăng trưởng tích cực. Điều này khiến tâm lý của giới đầu tư toàn cầu đối với thị trường châu Á, trong đó có Ấn Độ, có những chuyển biến mới.
Bảng quảng cáo của một nhà môi giới bất động sản với hình ảnh một nhân vật cầm tờ tiền 2.000 rupee mới cùng slogan “Nhà mới, tiền mới”, gần khu vực đang xây dựng các tòa chung cư tại Uttar Pradesh
Bảng quảng cáo của một nhà môi giới bất động sản với hình ảnh một nhân vật cầm tờ tiền 2.000 rupee mới cùng slogan “Nhà mới, tiền mới”, gần khu vực đang xây dựng các tòa chung cư tại Uttar Pradesh

Đã tới lúc thức tỉnh

Nhiều thành phố của Ấn Độ xuất hiện trong top đầu danh sách các điểm đến ưa thích của dòng tiền đầu tư bất động sản trong con mắt của các tổ chức đầu tư lớn trên thế giới. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng là quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng nhanh bậc nhất thế giới, được dự báo sẽ đạt mức 7% trong năm 2017, sau khi tăng khoảng 7,2% trong năm 2016, theo Thomson Reuters.

Chưa kể, thị trường tiêu thụ nội địa khổng lồ đang là động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế Ấn Độ, khi tầng lớp trung lưu tại đây ngày càng gia tăng với nhu cầu rất lớn về nhà ở phù hợp với thu nhập, sở thích của mình.

Gần đây, biến động lớn nhất tại thị trường tài chính Ấn Độ là quyết định đổi tiền của Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi, khi đột ngột hủy giá trị của 2 tờ tiền giấy mệnh giá lớn nhất là 500 và 1.000 rupee. Ước tính 2 loại tiền này chiếm khoảng 6/7 tổng giá trị tiền mặt đang lưu thông trên thị trường.

Trong ngắn hạn, chính sách này sẽ khiến thị trường tài chính quốc gia này trải qua 2 quý bất ổn, khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm khoảng 1%, theo báo cáo của Nomura. Tuy nhiên, trong dài hạn, động thái này của chính quyền Ấn Độ sẽ mang lại lợi ích to lớn, bao gồm việc hạn chế tham nhũng, kiểm soát tình trạng trốn thuế, nhất là khi giá trị các khoản tiền không được kê khai chiếm gần 1/4 nền kinh tế Ấn Độ. Thêm vào đó, nguồn tiền từ “thị trường tối” này sẽ chảy vào các thị trường đầu tư hợp pháp, trong đó có bất động sản.

Theo các chuyên gia kinh tế, tất cả các biến động này đã xảy ra vào đúng thời điểm. Dân số Ấn Độ vào khoảng 1,3 tỷ người, cách không quá xa so với mức 1,4 tỷ người của Trung Quốc. Theo ước tính của Liên hợp quốc, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2022.

Năm 2017 được dự báo sẽ là năm của bất động sản Ấn Độ. Bangalore và Mumbai đang nằm trong Top 5 thành phố thu hút nhất đối với đầu tư bất động sản, đồng thời cũng là nơi có triển vọng phát triển tốt nhất, theo báo cáo Xu hướng mới nổi thị trường bất động sản châu Á - Thái Bình Dương năm 2017 của PwC và Urban Land Institute.

Các thành phố này đã vượt qua Tokyo và Sydney, vốn thường giữ ngôi đầu trong bảng xếp hạng mức độ thu hút nhà đầu tư bất động sản trong 3 năm qua. Hiện tại, giới đầu tư đang đi tìm kiếm mức lợi nhuận cao hơn, thay vì tìm nơi bỏ vốn an toàn, bởi vậy, Ấn Độ chính là thị trường đầy hấp dẫn. 

Những người tiên phong

Trong bối cảnh này, một số tổ chức đầu tư đã nhanh chân có các hành động đi trước đón đầu.

Lãnh đạo cấp cao của Jones Lang LaSalle và bộ phận đầu tư của Tập đoàn LaSalle Investment Management, trả lời phỏng vấn Forbes cho biết, trong quá khứ, Ấn Độ không phải là điểm đến thu hút, bởi thị trường bất động sản nơi đây bị chia nhỏ, manh mún do tính chất thừa kế lại tài sản, khiến các tòa cao ốc văn phòng thường nằm trong tay một số gia tộc giàu có. Điều này khiến việc thương thảo, đàm phán giá cả trở nên khó khăn.

Tương tự, Blackstone, quỹ đầu tư tài sản tư nhân lớn nhất thế giới, trong quá khứ cũng từng tránh thị trường Ấn Độ.

Tuy nhiên, điều này hiện đã thay đổi. Các nhà đầu tư mới đã tìm được cách để giải quyết vấn đề mà Jones Lang LaSalle gặp phải tại thị trường bất động sản Ấn Độ. Theo đó, quốc gia này đang trong cơn bão phát triển các khu công nghiệp, khu vực kinh tế đặc thù nhằm thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Theo Times of India, Blackstone hiện đang là nhà đầu tư năng động bậc nhất tại thị trường bất động sản Ấn Độ. Qũy đầu tư này đang chuẩn bị ra mắt một quỹ tín thác bất động sản (REIT) tại đây. Ấn Độ từng mất nhiều năm cố gắng xây dựng thị trường hoạt động cho REIT, nhưng thói quan liêu, vốn nổi tiếng trong bộ máy hành chính tại quốc gia châu Á này, là trở ngại lớn nhất. Hiện tại, sau khi Tổng thống Modi lên nắm quyền, một số chính sách cải cách mới đã được ban hành và đưa vào áp dụng, tạo nên làn gió mới cho thị trường bất động sản.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục