Tính từ đầu năm 2010, khi giá vàng xấp xỉ 1.120 USD/ounce, đến nay, giá kim loại này đã tăng khoảng 23,66%, vượt xa mong đợi của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Trong năm, có lúc giá vàng thế giới đã lên đến 1.432 USD/ounce (ngày 7/12/2010) và hiện mức này đang là mức giá kỷ lục của vàng. Tương ứng với kỷ lục giá quốc tế này, giá vàng trong nước (vàng SJC) đã lập kỷ lục 38,2 triệu đồng/lượng.
Mức tăng của giá vàng trong năm 2010 gấp hơn hai lần mức tăng của chỉ số công nghiệp Dow Jones (Mỹ), chỉ tăng 10,27%. Trong khi đó, chỉ số VN-Index của Việt Nam giảm 7,5%. Như vậy, trong năm 2010, nhìn chung, đầu tư vào vàng đem lại tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với đầu tư chứng khoán.
Kết thúc năm 2010, giá vàng trong nước đã tăng 34,46% so với đầu năm, tăng nhanh hơn mức tăng của giá vàng thế giới 10,8%. Điều gì đã làm cho vàng thế giới tăng và giá vàng trong nước còn tăng cao hơn giá vàng thế giới?
Trước hết, phải nói rằng, năm 2010 đã chấm dứt "độ trễ" của các gói kích thích kinh tế, Mỹ, EU và Trung Quốc… đã bơm 1 lượng tiền kỷ lục (tăng cung tiền tệ) vào các nền kinh tế. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP và tình trạng thất nghiệp lại diễn biến không như mong đợi, buộc Chính phủ Mỹ phải gấp rút ban hành chương trình nới lỏng định lượng 2 (QE2), 600 tỷ USD.
Thứ hai, khủng hoảng nợ do mất cân đối nghiêm trọng từ nhiều năm nay giữa đầu tư và tiết kiệm; giữa thu nhập và chi tiêu tại hầu hết các quốc gia phát triển trên thế giới, làm tăng sự lo ngại về lạm phát trong tương lai. Rõ nét nhất là chênh lệnh lãi suất ngày càng xa của trái phiếu Chính phủ Mỹ giữa dài hạn - 30 năm (4,44%/năm) và ngắn hạn - 10 năm (3,33%/năm) hoặc giữa trái phiếu của Chính phủ Mỹ (T-bonds) với các kỳ phiếu nợ ngắn hạn khác của Chính phủ Mỹ như T-Bills, dưới 1 năm (lãi suất 0,08 - 0,16%/năm) hay T-Notes, dưới 10 năm (lãi suất từ 0,6 - 1,94%/năm).
Thứ ba, việc bảo vệ lợi ích giữa các quốc gia đang tạo ra cuộc chiến tiền tệ mới. Trong khi đồng USD và sự thống trị của nó suy yếu, thì lực lượng ngoại tệ khác đủ mạnh để thay thế chưa thấy xuất hiện, kể cả Euro, Yen Nhật và gần đây là Nhân dân tệ của Trung Quốc. Cuộc chiến tiền tệ này xem ra chưa có hồi kết thúc chừng nào trật tự kinh tế thế giới mới chưa được lập lại. Sự mất cân đối giữa thu nhập và chi tiêu; đầu tư và tiết kiệm; xuất khẩu và nhập khẩu… được cộng hưởng bởi tự do hóa dòng chu chuyển vốn đã làm trầm trọng thêm cuộc chiến tiền tệ.
Cả 3 nguyên nhân trên làm cho vàng, từ nhiều thế kỷ qua, được xem như là phong vũ biểu của nỗi sợ hãi (barometer of fears) phát huy tác dụng mãnh liệt.
Việt Nam từ lâu là một nước nhập khẩu vàng và tỷ giá VND thường được neo vào USD. Do vậy, giá vàng trong nước tăng cao trong năm 2010 là do các nguyên nhân sau:
Thứ nhất là giá vàng thế giới tăng cao như kể trên.
Thứ hai, Việt Nam đang nhập khẩu lạm phát từ Mỹ và các quốc gia khác do đồng tiền Việt Nam neo chặt vào USD và độ mở lớn của nền kinh tế Việt Nam trong tổng GDP. Theo công bố của VCB, tỷ giá chính thức USD/VND đã tăng hơn 5,52% so với đầu năm, nếu tính theo giá chợ đen, tỷ giá USD/VND đã tăng 13%.
Như vậy, nếu cho rằng giá vàng trong nước là tích số của giá vàng thế giới và tỷ giá USD/VND, thì giá vàng trong nước tăng 34,46% là tương đối hợp lý. Nếu không có can thiệp kịp thời của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua, có lẽ giá vàng trong nước còn tăng nhiều hơn nữa.
Những tồn tại, bất cập của nền kinh tế thế giới và của Việt Nam trong năm 2010 chưa có dấu hiệu được giải quyết triệt để, ít nhất trong nửa đầu năm 2011 vì những lý do sau.
Cuộc khủng hoảng nợ công đang là "căn bệnh" của không chỉ châu Âu. Việc giải quyết vấn đề này không thể một sớm một chiều. Vần đề nợ công và an toàn của khu vực đồng Euro đang là thách thức lớn trong hệ thống tiền tệ thế giới và giá vàng sẽ còn tăng.
Kế đến là nạn thất nghiệp và việc tăng trưởng GDP không đạt mong đợi tại Mỹ và các quốc gia phát triển khác. Việc chấp nhận lạm phát cao để giảm thất nghiệp hay chấp nhận gia tăng nợ công để tăng cường đầu tư (chu kỳ 2) nhằm tạo ra một sự cạnh tranh mới bằng công nghệ, tăng năng suất lao động tại Mỹ hiện nay chưa thấy có kết quả. Sau 3 năm kể từ ngày tung gói kích cầu 1, kinh tế Mỹ vẫn chưa thấy sáng sủa. Điều này sẽ ảnh hưởng đến giá vàng một khi Chính phủ Mỹ có thể áp dụng bổ sung các gói kích thích khác.
Hỗ trợ cho những nhận định định tính nêu trên, Gary Wagner, viết trên website Kitco rằng, định lượng dựa vào phân tích kỹ thuật cho thấy, giá vàng có thể đạt ngưỡng 1.575 USD/ounce vào năm 2011, nghĩa là tăng khoảng 13% so với hiện nay.
Cùng với khả năng tăng giá vàng thế giới trong năm 2011, tỷ giá USD/VND cũng có nhiều khả năng tăng trong năm 2011. Trước hết là do tình trạng nhập siêu triền miên trong những năm qua làm tăng thâm hụt tài khoản vãng lai và làm giảm đáng kể dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước. Theo Bộ Công thương, nhập siêu trong năm 2010 là 14,12 tỷ USD, chiếm gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu (không tính phần xuất siêu của vàng là 1,75 tỷ USD). Việc thu hút vốn qua tài khoản vốn cũng không có cải thiện khi VN-Index giảm 7,5% và HNX-Index giảm 32% trong năm 2010 và chưa có dấu hiệu sáng sủa hơn ít nhất nửa đầu năm 2011.
Lãi suất huy động rất cao trong thời gian qua (17%/năm), nỗi lo lạm phát (CPI cả năm 2010 tăng 11,75%) và những bất ổn định trong kinh tế vĩ mô cũng là những rào cản đáng kể trong việc thu hút nguồn vốn vào (capital inflows), một trong những nhân tố quan trọng ổn định tỷ giá USD/VND.
Có thể nói, trong năm 2011, theo nhận định của nhiều bạn hàng ngành vàng, giá vàng trong nước khó có khả năng giảm dưới 35 triệu đồng/lượng. Còn kịch bản giá vàng trong nước vượt mốc 38,2 triệu đồng/lượng như tháng 11/2010 hoặc vượt mốc 40 triệu đồng/lượng sẽ là những kịch bản dự kiến.