Sẽ có một cơn sốt bất động sản?
-Khung giá đất mới. Theo dự thảo của UBND TP. Hà Nội, khung giá đất năm 2008 ở Thủ đô sẽ điều chỉnh tăng tối đa 20% theo khung giá Chính phủ, nhưng không đồng đều. Giá tăng cao nhất tại các khu trung tâm thương mại, các khu vực được đầu tư hạ tầng tốt. Một số ý kiến cho rằng, việc tăng giá này nhằm hỗ trợ cho công tác giải phóng mặt bằng, vốn là công việc nan giải nhất, do giá Nhà nước đền bù sát với giá thị trường hơn. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng vì nếu như Hà Nội có tăng giá đất thêm 20% thì vẫn có sự chênh lệch từ 150 - 250% giữa giá thị trường và giá Nhà nước, tùy theo từng địa điểm.
Một nhận định lạc quan cho rằng, trong bối cảnh mặt bằng giá đang tăng như hiện nay, việc tăng khung giá đất sẽ thúc đẩy mặt bằng giá thị trường bất động sản “ăn theo”. Nhưng cũng có những đề nghị cân nhắc việc tăng giá đất vì điều này có thể là một nguyên nhân đẩy giá đất lên mức cao hơn và tác động không tốt đến các thị trường khác trong nền kinh tế.
- Giảm thuế và phí. Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ một số thay đổi lớn liên quan đến thuế chuyển quyền sử dụng đất và lệ phí trước bạ. Cụ thể là giảm mức thuế chuyển quyền sử dụng đất từ 4% xuống còn khoảng 1%, tính chung cho cả nhà và đất hoặc gộp thuế chuyển quyền sử dụng đất với thuế thu nhập cá nhân hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp. Bộ Xây dựng cũng đề nghị giảm mức lệ phí trước bạ nhà đất từ 1% xuống còn 0,02% và không quá 2 triệu đồng để đảm bảo theo đúng nghĩa lệ phí. Bộ Xây dựng cho biết, việc sửa đổi, bổ sung các loại thuế, lệ phí liên quan tới bất động sản như trên là nhằm hạn chế đầu cơ, khuyến khích các giao dịch chính thức và tạo điều kiện cho thị trường phát triển lành mạnh, đảm bảo sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất đai. Theo đánh giá của giới kinh doanh nhà đất thì việc giảm thuế và phí sẽ có tác động tốt đến tính minh bạch trong hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà đất; tuy nhiên, không làm giảm đi tính đầu cơ, do chi phí phát sinh của một giao dịch bất động sản đang thấp đi.
- Cho phép Việt kiều và người nước ngoài mua nhà. Theo dự thảo Đề án thí điểm về chính sách nhà ở cho người nước ngoài tại Việt Nam của Bộ Xây dựng, dự kiến có 6 đối tượng nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam, trong đó có 5 đối tượng là cá nhân, 1 đối tượng là tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài. “Ngay khi người nước ngoài được phép mua nhà ở, sẽ bùng nổ cơn sốt săn lùng các căn hộ cao cấp, đặc biệt là căn hộ được thiết kế mang chuẩn quốc tế hoặc các khu biệt thự hiện đại”, ông Tống Văn Cường, chuyên viên dự án Công ty Địa ốc Hoàng Quân nhận định.
Bộ Xây dựng cho biết, trong hơn 80.000 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, có khoảng 21.000 người đủ điều kiện mua nhà. Trước thông tin này, một số chuyên gia cho rằng, sẽ có không ít người đủ tiêu chuẩn mua nhưng không mua vì họ đã có nhà riêng do vợ (chồng) hoặc người thân đứng tên giúp. Trong khi đó, Luật Kinh doanh bất động sản đã đi vào hiện thực, giúp các nhà đầu tư nước ngoài được thuê đất nhằm xây dựng dự án nhà ở để bán; đất sử dụng ổn định, sử dụng lâu dài và sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng trong vòng 70 năm (so với 50 năm như hiện nay).
- Kiều hối và lượng tiền đầu tư vào bất động sản. Theo thống kê trên tờ New York Times thì số tiền người Việt Nam chuyển về nước năm 2006 là 6,82 tỷ USD. Một số ước đoán rằng, lượng kiều hối thực năm nay có thể đạt trên 10 tỷ USD. Ông Nguyễn Hoài Bắc, Giám đốc Công ty Cavituors Trading Corp (trụ sở tại Canada), chuyên xuất nhập khẩu và chuyển kiều hối về Việt Nam cho biết, mỗi năm có khoảng 1 triệu lượt người Việt Nam về nước nên lượng kiều hối chuyển về qua đường cầm tay là rất lớn. Nhiều Việt kiều khác chọn cách gửi tiền qua các tổ chức phi chính phủ. Hiện chưa có số liệu chính xác nhưng một tỷ lệ đáng kể của nguồn kiều hối được đầu tư vào bất động sản.
- Lượng cung nhà và đất từ các dự án bất động sản. Công ty CB Richard Ellis nhận định về thị trường bất động sản năm 2008 rằng, “ở tất cả các mảng thị trường, nhu cầu cao trong khi lượng cung hạn chế”. Thực tế, tỷ lệ tăng trưởng vốn đầu tư vào bất động sản đã được ghi nhận khá ngoạn mục (xem đồ thị).
Đồ thị cho thấy tốc độ tăng trưởng đều đặn của đầu tư vào lĩnh vực chung cư cao cấp tại Quận 2 và Quận Bình Thạnh (TP. HCM). So với sự biến động trên thị trường chứng khoán (VN-Index) thì hiệu quả khi đầu tư bất động sản là khá cao.
Chứng khoán sẽ thăng hoa?
Trước hiện tượng chào bán cổ phiếu dồn dập, đặc biệt là vào những tháng cuối năm 2007, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng cho biết, Ủy ban có thể sẽ xin phép Bộ Tài chính giãn lịch chào bán của các công ty để tránh hiện tượng “bội thực” nguồn cung, trong khi phía cầu có nguy cơ không hấp thụ hết. Theo ông Bằng, nếu lượng cung quá lớn và các tổ chức niêm yết cảm thấy việc huy động vốn không hiệu quả, Ủy ban sẽ họp bàn với các tổ chức niêm yết về vấn đề này.
Ông Bằng cho biết thêm, Ủy ban đang đề xuất lên Chính phủ một số biện pháp kích cầu nhằm tạo cú hích cho TTCK trong năm 2008 như khuyến khích luồng vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy mở rộng các quỹ đầu tư…
Ông Trần Đắc Sinh, Tổng giám đốc Sở GDCK TP. HCM (HOSE) nhận định: “TTCK Việt Nam trong năm 2008 hứa hẹn tiếp tục phát triển nhanh theo mức độ chuyên nghiệp hơn và sẽ tăng trưởng gấp đôi so với năm 2007”.
Có thể nói, việc cân nhắc mở room cho nhà đầu tư nước ngoài, giãn tiến độ chào bán cổ phiếu của các doanh nghiệp nhà nước lớn, phát triển các quỹ đầu tư, triển khai giao dịch trực tuyến, thực hiện giao dịch tập trung chứng khoán OTC… sẽ góp phần phát triển TTCK.
Việc nhận ra các cơ hội thành công trên thị trường bất động sản quả thực không khó qua việc cảm nhận về biến động giá, đồng thời việc kỳ vọng vào sự thăng hoa của TTCK trong năm 2008 cũng là mong muốn của nhiều nhà đầu tư. Nhưng việc cân nhắc đầu tư trực tiếp vào bất động sản hay đầu tư chứng khoán là một bài toán không dễ. Có lẽ vì thế mà một hình thức đầu tư đang được không ít người lựa chọn, đó là đầu tư vào cổ phiếu của các công ty kinh doanh bất động sản do các công ty này có nhiều hứa hẹn về tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong năm 2008.