20 năm cho một tấm lá chắn rủi ro

(ĐTCK) Sau 20 năm Nghị định 100 được ban hành, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã có sự tham gia của 58 doanh nghiệp, thuộc đầy đủ các thành phần kinh tế.
20 năm cho một tấm lá chắn rủi ro

Xem toàn bộ Chuyên đề của Báo Đầu tư Chứng khoán xuất bản ngày 16/12/2013 tại:

>> Bảo hiểm Việt Nam 2013 - Dấu mốc trưởng thành

Nghị định 100/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ được ban hành ngày 18/12/1993 có thể coi là một mốc son đánh dấu sự phát triển của thị trường bảo hiểm Việt Nam. Bởi đây là khuôn khổ pháp lý đầu tiên cho việc hình thành thị trường bảo hiểm Việt Nam, với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế; nội dung, phạm vi bảo hiểm rộng, ngày càng thể hiện vai trò là tấm lá chắn rủi ro cho nền kinh tế - xã hội.DNBH với cơ quan quản lý và khách hàng

Tấm lá chắn vững chắc trước rủi ro

Sau 20 năm Nghị định 100 được ban hành, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã có sự tham gia của 58 doanh nghiệp, thuộc đầy đủ các thành phần kinh tế. Trong đó, có 15 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 29 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 12 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm. Hiện có tới 11 tập đoàn bảo hiểm hàng đầu thế giới được cấp phép hoạt động tại thị trường Việt Nam, hoạt động trong tất cả các lĩnh vực bảo hiểm.

Cùng với sự lớn mạnh của thị trường bảo hiểm, đòi hỏi các doanh nghiệp trong ngành phải xây dựng được các sản phẩm bảo hiểm có điều kiện, điều khoản, phí bảo hiểm phù hợp với tình hình kinh doanh và đời sống của người tham gia bảo hiểm, đòi hỏi phải có sự cạnh tranh về chất lượng dịch vụ, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bảo hiểm của nền kinh tế và người dân.

20 năm cho một tấm lá chắn rủi ro ảnh 1

Bảo hiểm nông nghiệp đang được thực hiện thí điểm tại Việt Nam

Nếu như trước năm 1993, trên thị trường, chỉ có các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ, thì đến nay, đã có nhiều sản phẩm về bảo hiểm nhân thọ. Số lượng sản phẩm bảo hiểm đã tăng từ con số 20 (trước năm 1993) lên gần 800 ở thời điểm hiện tại, phục vụ các đối tượng khách hàng hoạt động trong mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế - xã hội.

Ngoài các sản phẩm bảo hiểm truyền thống chỉ mang yếu tố bảo vệ đơn thuần, hiện trên thị trường đã xuất hiện các sản phẩm bảo hiểm mới, mang yếu tố đầu tư tài chính như bảo hiểm liên kết đầu tư. Bên cạnh các sản phẩm triển khai mang tính chất kinh doanh, còn có các sản phẩm triển khai nhằm phục vụ chính sách của Nhà nước về an sinh xã hội như bảo hiểm hưu trí tự nguyện, thực hiện chính sách tam nông như chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp.

Hay thực hiện chính sách hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của Việt Nam như chương trình thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu và đang triển khai nghiên cứu bảo hiểm vi mô cho người có thu nhập thấp, đóng góp tích cực vào việc thực hiện chính sách của Nhà nước về lao động, việc làm và xã hội với số lượng lao động đến cuối năm 2012 đạt trên 322.000 người.

 

Bảo hiểm nông nghiệp đang được thực hiện thí điểm tại Việt Nam

Đến nay, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã đáp ứng được nhiều yêu cầu của các tổ chức, cá nhân về bảo hiểm, như bảo hiểm thăm dò, khai thác dầu khí, bảo hiểm vệ tinh, bảo hiểm tài sản và trách nhiệm cho các đội bay quốc tế; các hãng tàu viễn dương, bảo hiểm nông nghiệp, hưu trí… với giá trị trách nhiệm bảo hiểm lên tới hàng tỷ USD.

Thị trường đã tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm được lựa chọn các doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp sản phẩm bảo hiểm có quyền lợi bảo hiểm phù hợp với mức phí cạnh tranh và chất lượng phục vụ thích hợp.

Ngành bảo hiểm Việt Nam đã từng bước thể hiện được vai trò là tấm lá chắn vững chắc trước các rủi ro, giúp các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm nhanh chóng ổn định sản xuất - kinh doanh và cuộc sống. Trung bình, mỗi năm, các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả bồi thường hơn 8.000 tỷ đồng. Nhiều vụ tổn thất lớn đã được phía bảo hiểm chi trả tới hàng trăm tỷ đồng.

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế đất nước, thị trường bảo hiểm Việt Nam những năm qua đã có tốc độ tăng trưởng cao. Giai đoạn 2000 - 2007, tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường đạt bình quân 28,5%.

Từ năm 2008 đến nay, mặc dù tình hình kinh tế trong nước có nhiều biến động, khó khăn, song thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn duy trì tốc độ phát triển ổn định, an toàn, với tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm bình quân đạt 18,1%/năm.

Riêng năm 2012, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 41.225 tỷ đồng; trong đó, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ đóng góp nguồn doanh thu gần 20.000 tỷ đồng.

Bảo hiểm đã trở thành một kênh huy động vốn dài hạn hữu hiệu của nền kinh tế. Năm 2012, ngành bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế 91.558 tỷ đồng, chủ yếu đầu tư vào các chương trình, dự án lớn của Nhà nước.

Khả năng tài chính của thị trường bảo hiểm Việt Nam ngày càng mạnh. Tổng tài sản năm 2012 đạt 119.637 tỷ đồng và nguồn vốn chủ sở hữu đạt 36.457 tỷ đồng. Các doanh nghiệp bảo hiểm đảm bảo năng lực tài chính và khả năng thanh toán, bồi thường theo quy định của pháp luật.

 

Tiến gần hơn với thông lệ quốc tế

Có thể nói, đến nay, hành lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã được xây dựng khá hoàn chỉnh, với Luật Kinh doanh bảo hiểm (ban hành năm 2000), Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm (ban hành năm 2010) và hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

Các quy định pháp luật về bảo hiểm đã dần xóa bỏ rào cản và phân biệt đối xử đối với các doanh nghiệp bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài, tạo sự bình đẳng cho các doanh nghiệp bảo hiểm thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động trên thị trường, tiến gần đến các thông lệ của quốc tế, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới.

Năm 1999, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã được thành lập, trở thành tổ chức đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Thị trường bảo hiểm Việt Nam đã được hình thành với đầy đủ các yếu tố, phát triển từng bước vững chắc, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam, gồm các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, phù hợp với định hướng phát triển các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế của Việt Nam cũng như hoạt động thương mại giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.

Các hoạt động hợp tác quốc tế về bảo hiểm cũng được mở rộng. Cơ quan quản lý bảo hiểm Việt Nam đã trở thành thành viên của Hiệp hội quốc tế Các nhà quản lý bảo hiểm (IAIS) và Diễn đàn Các nhà quản lý bảo hiểm ASEAN (AIRM) và đang triển khai thực hiện các biên bản ghi nhớ với một số cơ quan quản lý các nước như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, nhằm trao đổi kinh nghiệm và tăng cường hợp tác; tranh thủ sự trợ giúp kỹ thuật của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Hợp tác kinh tế Thụy Sỹ (SECO)…

Các doanh nghiệp bảo hiểm và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã tích cực mở rộng quan hệ hợp tác với các tập đoàn bảo hiểm, tái bảo hiểm quốc tế cũng như các hiệp hội bảo hiểm các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước trong khối ASEAN…, tăng cường mở rộng cơ hội hoạt động kinh doanh ra nước ngoài, nâng cao năng lực tài chính bảo vệ các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam trong trường hợp phải bồi thường cho các tổn thất lớn, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ, đào tạo cán bộ và trao đổi kinh nghiệm, thông tin về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Dẫu vẫn còn nhiều tồn tại, như tình trạng cạnh tranh chưa lành mạnh, chưa đáp ứng được kịp thời yêu cầu bảo hiểm của nền kinh tế và nhân dân, tỷ lệ phí bảo hiểm/GDP còn thấp, chỉ đạt 1,5%; bình quân phí bảo hiểm/người dân thấp so với các nước trong khu vực, nhưng với đà phát triển nhanh và mạnh trong hai thập kỷ qua, ngành bảo hiểm Việt Nam hứa hẹn những bước phát triển mạnh trong tương lai, ngày càng khẳng định vai trò là tấm lá chắn trước mọi rủi ro cho nền kinh tế - xã hội, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới.

>>Bảo hiểm xe cơ giới, có còn đất dụng võ?

>>Bảo hiểm trực tuyến, một chiến lược lâu dài

>>Sự chuyển hướng của những sản phẩm bảo hiểm mới

Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam
Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam

Tin cùng chuyên mục