2 tháng đầu năm, Hà Nội thu hút 36,7 triệu USD vốn FDI

0:00 / 0:00
0:00
Tháng 2, TP. Hà Nội thu hút 14,37 triệu USD vốn FDI. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2023, thu hút 36,7 triệu USD, trong đó có 39 dự án mới với tổng vốn đầu tư 10,9 triệu USD.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP. Hà Nội thực hiện 2 tháng đầu năm 108.761 tỷ đồng, đạt 30,8% dự toán. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP. Hà Nội thực hiện 2 tháng đầu năm 108.761 tỷ đồng, đạt 30,8% dự toán.

Đó là một trong những nội dung được thông tin tại Họp báo Tình hình kinh tế - xã hội tháng 2/2023 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, do UBND Thành phố Hà Nội tổ chức, chiều 9/3.

Thương mại - Dịch vụ tăng trưởng mạnh

Trình bày Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội tháng 2/2023 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thực hiện 2 tháng đầu năm 108.761 tỷ đồng, đạt 30,8% dự toán, trong đó: thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 3.507 tỷ đồng, đạt 13,0% dự toán; thu từ dầu thô 405 tỷ đồng, đạt 19,3% dự toán; Thu nội địa 104.844 tỷ đồng, đạt 32,4% dự toán.

Chi ngân sách địa phương thực hiện 2 tháng đầu năm là 10.879 tỷ đồng, đạt 10,4% dự toán, bằng 114,2% so với cùng kỳ, trong đó: Chi đầu tư phát triển 3.069 tỷ đồng, đạt 6,5% dự toán, bằng 126,9% so với cùng kỳ; Chi thường xuyên là 7.803 tỷ đồng, đạt 14,0% dự toán, bằng 112,3% so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tháng 2 đạt 1.247 triệu USD, tăng 17,2% so với tháng 2/2022 (cùng kỳ tăng 53%). Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh như: hàng nông sản tăng 30,7%; hàng may, dệt 12%; giầy dép các loại và sản phẩm từ da tăng 25,4%; gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 78%; điện thoại và linh kiện tăng 49,2%... Lũy kế 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 2.301 triệu USD, giảm 4,8% (cùng kỳ tăng 30,9%).

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tháng 2 đạt 3.097 triệu USD, tăng 13,2% so với tháng 2/2022 (cùng kỳ tăng 37,8%). Nhiều mặt hàng nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ như: xăng dầu tăng 69,1%; thức ăn gia súc tăng 75,1%; vải tăng 18%; ngô tăng 73,4%;... Lũy kế 2 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu đạt 5.751 triệu USD, tăng 0,1% (cùng kỳ tăng 23%).

Tháng 2, thương mại, dịch vụ trên địa bàn Thủ đô tăng trưởng mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 đạt 59,490 nghìn tỷ đồng, tăng 16,8% so với tháng 2/2022 (cùng kỳ tăng 11,1%).

Lũy kế 2 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 122,452 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3% (cùng kỳ tăng 9,9%).

Tổng doanh thu ngành vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 2 đạt 15,864 nghìn tỷ đồng, tăng 22,9% so với tháng 2/2022 (cùng kỳ tăng 26,3%).

Lũy kế 2 tháng đầu năm, doanh thu đạt 31,159 nghìn tỷ đồng, tăng 22,7% (cùng kỳ tăng 17,5%). Trong đó: khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 230,671 triệu tấn, tăng 25,9% (cùng kỳ tăng 31,4%); số lượt hành khách vận chuyển đạt 60,573 triệu lượt hành khách, tăng 29,9% (cùng kỳ giảm 8%).

Đặc biệt, ngành du lịch phục hồi mạnh. Trong tháng 2/2023, Thủ đô Hà Nội đón 340 nghìn lượt khách, tăng hơn 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch quốc tế (có lưu trú) đạt 210 nghìn lượt khách, tăng 14,7 lần, khách du lịch nội địa đạt 130 nghìn lượt khách, tăng 39%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng nhẹ 0,49% so với tháng 1 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2022. Một số nhóm hàng có chỉ số CPI tăng cao như: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4%; đồ uống và thuốc lá tăng 9,41%... Tuy nhiên, có 2 nhóm hàng giảm nhẹ là: Giáo dục giảm 0,31%; bưu chính, viễn thông giảm 1,94%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 2/2023 của TP. Hà Nội tăng 9,4% so với tháng 1/2023 và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2022. Một số ngành công nghiệp chủ lực có chỉ số sản xuất tăng khá so với cùng kỳ năm trước như: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 13,2%; sản xuất đồ uống tăng 36,7%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 35,4%; sản xuất trang phục tăng 12,8%; sản xuất xe có động cơ tăng 32,3%... Lũy kế 2 tháng đầu năm 2023, IIP giảm 0,9% (cùng kỳ tăng 4,6%).

Về sản xuất nông nghiệp, TP. Hà Nội đang tập trung triển khai sản xuất vụ Xuân 2023. Diện tích mạ đã gieo 4.254 ha, trong đó 99,8% được che phủ; diện tích lúa cấy 47.336,2 ha, đạt 58,3% kế hoạch.

Trong tháng 2, TP. Hà Nội có 2.045 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 23.482 tỷ đồng.
Trong tháng 2, TP. Hà Nội có 2.045 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 23.482 tỷ đồng.

Chăn nuôi trâu, bò nhìn chung ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Sản lượng thịt gia súc, gia cầm trong tháng dồi dào, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân sau dịp Tết Nguyên đán, không xảy ra tình trạng khan hiếm thực phẩm. Đàn trâu hiện có 28,7 nghìn con, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2022; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 2 tháng đầu năm 343 tấn, tăng 7,2%. Đàn bò 128,4 nghìn con, giảm 0,1%; sản lượng thịt bò 1,9 nghìn tấn, tăng 0,5%. Đàn lợn 1,4 triệu con, tăng 3,7%; sản lượng thịt lợn hơi 40,6 nghìn tấn, tăng 5,7%. Đàn gia cầm 38,7 triệu con, tăng 0,5%; sản lượng thịt gia cầm 27,3 nghìn tấn, giảm 0,4%.

Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 24.200 ha; sản lượng thủy sản 2 tháng đầu năm đạt 17,3 nghìn tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022, bằng 12,6% kế hoạch; trong đó thủy sản nuôi trồng đạt 17,2 nghìn tấn, tăng 3,1%; thủy sản khai thác đạt 147 tấn, giảm 2,6%.

Thu hút 36,7 triệu USD vốn FDI trong 2 tháng

Trong tháng 2, có 2.045 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 23.482 tỷ đồng (tăng 48% về số lượng doanh nghiệp và giảm 17% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước).

Lũy kế 2 tháng đầu năm, có 3.691 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 38.218 tỷ đồng (tăng 2% về số lượng doanh nghiệp và giảm 39% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước); có 563 doanh nghiệp giải thể (giảm 2% so với cùng kỳ), số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 562 doanh nghiệp (tăng 7%); 8.787 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 20%); 2.776 doanh nghiệp hoạt động trở lại (giảm 25,7%). Tổng số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn Thành phố hiện có 353.704 doanh nghiệp.

Trong tháng 2, TP. Hà Nội thu hút 14,37 triệu USD vốn FDI. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2023, thu hút 36,7 triệu USD, trong đó: 39 dự án mới với tổng vốn đầu tư 10,9 triệu USD; 12 lượt tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm 16,5 triệu USD và 41 lượt góp vốn với số vốn góp 9,3 triệu USD.

Về hoạt động huy động vốn, tháng 2/2023, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 4.948 nghìn tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ và tăng 1,9% so với thời điểm 31/12/2022. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm tăng 1%, tiền gửi thanh toán tăng 2,2% so với 31/12/2022.

Về hoạt động tín dụng, tháng 2/2023, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 3.004 nghìn tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ và tăng 2% so với 31/12/2022.

Trong tháng 2/2023, TP. Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 14.095 lao động, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 2 tháng đầu năm, đã giải quyết việc làm cho 27.870, đạt 17,2% kế hoạch năm. Đã tổ chức 13 phiên giao dịch việc làm với tổng số lao động được phỏng vấn là 2.381 lao động; số lao động được tuyển dụng tại phiên là 805 lao động.

Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 92,9% dân số. Số người tham gia BHYT là 7.747.157 người, tăng 3,93%, tương đương tăng 292.594 người so với cùng kỳ năm 2022; tăng 8.945 người, tăng 0,12% so với thời điểm 31/12/2022. Số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc 1.989.487 người, tăng 5,91% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 40,8% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện 77.100 người, tăng 25,77% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 1,6% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp 1.923.690 người, tăng 6,06% so với cùng kỳ năm 2022; tăng 7.483 người, chiếm 39% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, Thành phố đã tập trung rà soát tình hình đời sống và thực hiện tốt việc chăm lo, thăm hỏi, chúc Tết. Đã trao tặng 1.778.951 suất quà với tổng kinh phí 834.831.713.700 đồng (nguồn vận động xã hội hóa chiếm 15,1%), đạt 150,6% kế hoạch, tăng 14,1% so với Tết Nhâm Dần 2022.

Hàng hóa cung ứng phục vụ Tết Nguyên đán dồi dào, đa dạng, giá bán tương đối ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng; các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn chuẩn bị lượng hàng hóa tăng trung bình 15-20% so với Kế hoạch Tết năm 2022. Tổng giá trị hàng hóa các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đã cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán 2023 đạt khoảng 37,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với Tết năm 2022. Doanh thu bán hàng phục vụ Tết tăng trung bình 15%, trong đó doanh thu bán hàng trực tuyến tăng khoảng 25-30%.

Hồng Hạnh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục