1,4 triệu khách hàng vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội có độ tuổi dưới 35

(ĐTCK) Chiều 14/12, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) phối hợp với Báo Thanh niên tổ chức Tọa đàm, trực tuyến “Tín dụng chính sách đồng hành cùng đồng bào dân tộc thiểu số và thanh niên phát triển kinh tế, bảo vệ tổ quốc”.
Nguyễn Ngọc Trìu, 35 tuổi, xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn là một trong nững thanh niên điển hình tại địa phương về phát triển kinh tế Nguyễn Ngọc Trìu, 35 tuổi, xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn là một trong nững thanh niên điển hình tại địa phương về phát triển kinh tế

 Giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số 3 - 4%/năm

Theo ông Nguyễn Mạnh Thiện, Phó giám đốc Ban Tín dụng Người nghèo NHCSXH, những năm qua, việc vay vốn chính sách đã góp phần giúp hộ đồng bào dân tộc thiểu số tính toán cách làm ăn, tiếp cận dần với cơ chế thị trường, chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại.

Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2085/QĐ-TTg về phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020. Chương trình nhằm tập trung giải quyết vấn đề khó khăn về đời sống và sản xuất, cải thiện, nâng cao điều kiện sống cho hộ dân tốc thiểu số nghèo...

Trong đó, có một số chỉ tiêu cụ thể đặt ra là góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi từ 3% đến 4%/năm, giải quyết đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho trên 80% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn thiếu đất sản xuất; cơ bản giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt, hoàn thành các dự án định canh định cư tập trung...

Đoàn Thanh niên đang quản lý 24.233 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại khắp các thôn, ấp, bản trên cả nước. Dư nợ do Đoàn thanh niên quản lý tăng đạt gần 21 nghìn tỷ đồng với 845.420 hộ đang có dư nợ, tăng 330 lần, tỷ lệ nợ quá hạn là 0,58% giảm gần 10 lần và số hộ được vay từ các chương trình ưu đãi tăng gấp 40 lần so với thời điểm NHCSXH thành lập năm 2002.  

Về các chính sách cho vay theo chương trình, đối tượng áp dụng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi và hộ nghèo ở thôn đặc biệt khó khăn. Mức cho vay bằng mức cho vay tối đa của hộ nghèo hiện tại là 50 triệu đồng.

Ngân hàng Chính sách thực hiện cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay cho các tổ chức Hội đoàn thể gồm Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Thời hạn vay tối đa kéo dài đến 10 năm, định kỳ trả nợ gốc 6 tháng hoặc 1 năm/lần, trả lãi định kỳ theo tháng.

“Các khách hàng hiện đang còn dư nợ với NHCSXH theo chương trình tín dụng khác trước đó nếu đủ điều kiện vay vốn thì vẫn được xem xét cho vay”, ông Thiện cho biết.

Cung cấp vốn ưu đãi cho thanh niên lập thân

Bên cạnh tín dụng ưu đãi cho đồng bào dân tộc thiểu số, NHCSXH còn hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho hàng triệu thanh niên. Trong 6,7 triệu khách hàng đang có dư nợ tại NHCSXH, có gần 1,4 triệu khách hàng có vay vốn có độ tuổi dưới 35 tuổi, với dư nợ 37.129 tỷ đồng (chiếm 21,8% tổng dư nợ của NHCSXH); trong đó, vốn vay tập trung chủ yếu vào phát triển sản xuất kinh doanh.

Có thể nói hoạt động tín dụng chính sách 15 năm đã qua giúp hàng triệu thanh niên có điều kiện phát triển kinh tế.

Theo ông Đinh Mai Phong, Phó Giám đốc Ban Tín dụng học sinh sinh viên và các đối tượng chính sách khác (NHCSXH), thanh niên khi có nhu cầu vay vốn nếu thuộc đối tượng vay vốn theo quy định thì đều được Ngân hàng xem xét cho vay, như chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; giải quyết việc làm; hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn; thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn; doanh nghiệp vừa và nhỏ...

Chẳng hạn, theo chương trình vay vốn hỗ trợ việc làm theo Nghị định 61/2015/NĐ-CP, thanh niên khởi nghiệp với các doanh nghiệp nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ chỉ có vài lao động thuộc đối tượng vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm.

Tất nhiên, để được vay vốn thì doanh nghiệp phải đáp ứng được các điều kiện như có dự án vay vốn khả thi tại địa phương, phù hợp với ngành, nghề sản xuất kinh doanh, thu hút thêm lao động vào làm việc ổn định; dự án vay vốn có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thực hiện dự án; có bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật.

“Trong thời gian tới, NHCSXH tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi và ưu tiên đối tượng được vay vốn là thanh niên, chủ nhân tương lai của đất nước, có tri thức, sức sáng tạo, xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội”, ông Phong cho biết.

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục