13 kiến nghị cho đầu tư vào Việt Nam

(ĐT) 13 kiến nghị cụ thể của các doanh nghiệp vùng Kansai (Nhật Bản) đã được đặt lên bàn nghị sự của Tọa đàm bàn tròn Kinh tế Việt Nam - Kansai lần thứ nhất, diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội và đã được các cơ quan chức năng Việt Nam trả lời một cách thẳng thắn và thỏa đáng.
13 kiến nghị cho đầu tư vào Việt Nam

“Đó là một cách để xúc tiến đầu tư tại chỗ”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nói và khẳng định, các cuộc tiếp xúc như vậy sẽ tiếp tục được tổ chức nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng, các nhà đầu tư nước ngoài nói chung, đầu tư, kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam.

“Từ góc độ đầu tư, chúng tôi sẽ quyết liệt đề xuất và xây dựng các cơ chế ưu đãi đặc thù để thúc đẩy thu hút đầu tư vào công nghiệp phụ trợ.

Nếu chỉ ưu đãi một cách hời hợt thì cũng sẽ không có ý nghĩa”, ông Hoàng khẳng định trước câu hỏi của các doanh nghiệp Kansai về các chính sách ưu đãi đầu tư cho công nghiệp phụ trợ, lĩnh vực mà các doanh nghiệp vùng Kansai có nhiều lợi thế và đang có ý định dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam.

“Các doanh nghiệp của chúng tôi cũng bày tỏ mối quan ngại khi kể từ năm 2009, Việt Nam đã xóa bỏ các ưu đãi đầu tư vào các khu công nghiệp, đầu tư mở rộng. Hiện nay, cũng chỉ một bộ phận các khu công nghiệp được ưu đãi thuế.

Điều này có thể cản trở các doanh nghiệp đang cân nhắc đầu tư tại Việt Nam”, ông Yoshiko Kobayashi, Trưởng phòng phụ trách Kế hoạch, Phòng Quốc tế, Liên đoàn Kinh tế Kansai (KANKEIREN) nói và đề xuất, với doanh nghiệp nhỏ, Việt Nam nên có các cơ chế ưu đãi đầu tư phù hợp, còn với doanh nghiệp lớn, cần có chính sách khuyến khích đầu tư mạnh mẽ, không phân biệt địa điểm đầu tư.

Trả lời câu hỏi này, ông Hoàng Mạnh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, được Quốc hội thông qua vào giữa năm qua, đã khôi phục ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động đầu tư mở rộng và đầu tư vào các khu công nghiệp.

“Đúng là sẽ có một số khu công nghiệp ở các thành phố lớn không được hưởng ưu đãi đầu tư và mức ưu đãi này chưa bằng mức cũ, nhưng cũng là một sự cố gắng lớn của chúng tôi. Theo tính toán, trong 189 khu công nghiệp hiện hữu, sẽ có 28 khu không thuộc diện được ưu đãi”, ông Hoàng cho biết.

Hiện Việt Nam và Nhật Bản đang triển khai Chiến lược Công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, với định hướng phát triển 6 ngành công nghiệp ưu tiên. “Sẽ có những cơ chế ưu đãi đặc thù cho các ngành này, nếu không, Chiến lược sẽ khó đi vào cuộc sống”, ông Hoàng nói.

Không chỉ quan ngại ưu đãi đầu tư bị cắt, theo ông Chikara Fujita, Phòng Kinh doanh quốc tế, Ban Ngoại thương, Sở Kinh tế - Công nghiệp Kinki (Bộ Kinh tế - Công nghiệp), các doanh nghiệp vùng Kansai còn băn khoăn việc các chính sách ưu đãi đầu tư không “trước sau như một”.

Đó là có tình trạng giấy chứng nhận đầu tư quy định ưu đãi một kiểu, nhưng trong quá trình điều tra thuế, lại bị cơ quan thuế phủ nhận ưu đãi, hoặc có thể, do chính sách thay đổi quá đột ngột, khiến doanh nghiệp không còn được hưởng ưu đãi nữa.

Liên quan đến vấn đề này, theo ông Hoàng Mạnh Tuấn, có thể có những ưu đãi phải có điều kiện và nếu doanh nghiệp không đáp ứng được các điều kiện đó, sẽ không được hưởng, dù đã được ghi trong giấy chứng nhận đầu tư.

“Với những quy định trong tầm giải quyết của Chính phủ Việt Nam và nếu đề xuất của nhà đầu tư có lý, chẳng hạn ưu đãi trong khu công nghiệp, đầu tư mở rộng, chúng tôi đã nỗ lực để sửa đổi. Chính phủ Việt Nam rất cầu thị, không bỏ mặc đề xuất của nhà đầu tư”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Michio Daito, Tham tán Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, điều quan trọng là các cơ quan Chính phủ Việt Nam phải giải thích một cách rõ ràng về các cơ chế, chính sách, để tránh tình trạng nhà đầu tư “tưởng được, mà không được”. “Điều này là để tránh ‘mang tiếng’ cho chính sách của Việt Nam”, ông Daito nói.         

 

Nguyên Đức
Nguyên Đức

Tin cùng chuyên mục