Trong đợt 1, có bao nhiêu nhà đầu tư tham gia mua trái phiếu DPG, vì sao Công ty thực hiện lịch phát hành dày như thế?
Ðợt 1 có 75 nhà đầu tư mua trái phiếu, giá trị huy động được là 81 tỷ đồng. Tổng số vốn cần huy động từ phát hành trái phiếu là 300 tỷ đồng, được chia thành nhiều đợt nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh của DPG, theo nhu cầu vốn của doanh nghiệp và đánh giá thị trường từng giai đoạn.
Ngay từ đầu, DPG đã xác định sẽ chia thành 3 đợt phát hành.
Ðây là phát hành trái phiếu riêng lẻ nên chắc chắn mỗi đợt sẽ không quá 100 nhà đầu tư theo đúng quy định.
Trong kế hoạch của DPG có phê duyệt kế hoạch thu xếp vốn từ trái phiếu, từ khoản vay tín dụng ngân hàng.
Mới đây nhất, DPG được cấp hạn mức 1.000 tỷ đồng, nhưng không phải giải ngân hết một đợt, mà theo nhu cầu vốn của doanh nghiệp từng giai đoạn.
SSI có nhìn nhận, đánh giá như thế nào về dòng tiền của DPG trong bối cảnh thị trường bất động sản đang gặp nhiều thách thức?
SSI đóng vai trò là đại lý phát hành, lưu ký, thanh toán và quản lý chuyển nhượng trái phiếu, quản lý tài sản bảo đảm cho DPG.
Dù không phải là đơn vị tư vấn, nhưng SSI cũng có đánh giá độc lập đối với DPG. Về nhu cầu vốn cho dự án thủy điện thì doanh nghiệp đã thu xếp, dòng tiền hàng năm đã tự cân đối.
Với mảng xây lắp, DPG phải thực hiện dựa trên cơ sở dự án có thu xếp nguồn vốn. Theo đó, thanh khoản của phần xây lắp cũng tốt.
Còn bất động sản, DPG không làm condotel, hay làm chung cư cao tầng, mà là sản phẩm đất khu đô thị, tức khách hàng mua sẽ được sở hữu lâu dài.
Trong khi nhiều công ty khác chỉ chia lô bán nền, thì DPG phát triển dự án gắn với du lịch nghỉ dưỡng, cung cấp các dịch vụ, khách sạn, tiện ích và gắn với các địa điểm du lịch của Hội An.
Chẳng hạn, tại dự án Casamia, nhà đầu tư được nhận nhà hoàn thiện mặt ngoài và có thiết kế theo quy định của TP Hội An để gắn với du lịch.
Dự án đã mở bán 2 đợt, cuối tuần này sẽ bàn giao khoảng 100 căn trong tổng số hơn 210 căn, đồng thời sắp mở bán khoảng 50 lô cuối cùng.
Ngoài ra, DPG còn 2 dự án khác ở trung tâm Hội An, đã đền bù giải phóng mặt bằng và đang làm hạ tầng. Doanh nghiệp duy trì được lượng tiền mặt 400 - 500 tỷ đồng.
Theo đó, với giá trị trái phiếu 300 tỷ đồng, kỳ hạn 2 năm, SSI đánh giá, DPG có khả năng trả được nợ. Theo cam kết của lãnh đạo doanh nghiệp, hết năm thứ nhất đã có thể trả 50% nợ.
Ðược biết, tài sản bảo đảm cho trái phiếu là gần 13 triệu cổ phiếu đang được giao dịch trên HOSE. Số cổ phiếu này thuộc sở hữu của ai?
Tài sản bảo đảm là cổ phiếu DPG thuộc sở hữu của Ban lãnh đạo DPG đứng ra thế chấp cho đợt phát hành trái phiếu.
Tổng số lượng cổ phiếu DPG thế chấp cho việc huy động 300 tỷ đồng trái phiếu dự kiến là hơn 12,75 triệu đơn vị. Số lượng cổ phiếu DPG đã thế chấp cho đợt phát hành thứ nhất (giá trị huy động 81 tỷ đồng) là 3.444.782 đơn vị.
Theo bà, vì sao DPG lại dùng cổ phiếu của các cá nhân để làm tài sản bảo đảm, mà không phải là tài sản thuộc sở hữu của doanh nghiệp?
Ðây là cấu trúc mà doanh nghiệp thống nhất đưa ra. Trên thị trường, cổ phiếu cũng là tài sản được nhiều nhà đầu tư ưa thích, vì có tính
thanh khoản.
Trên thị trường, việc sử dụng cổ phiếu là tài sản bảo đảm cho trái phiếu khá phổ biến.
Chẳng hạn, Công ty cổ phần Tài nguyên Masan dùng cổ phiếu MSR, Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Ðô dùng cổ phiếu HDG, Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Ðạt dùng cổ phiếu PDR, Công ty cổ phần Eurowindow Holding dùng cổ phiếu TCB…
Cổ phiếu là tài sản bảo đảm được giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán có tính thanh khoản cao sẽ giảm rủi ro cho nhà đầu tư trái phiếu.
Ngoài ra, trong phương án phát hành cho phép doanh nghiệp bổ sung tài sản khác nếu cần như tài sản cố định, cổ phần tại công ty khác, tiền mặt…, có nghĩa được thay đổi tài sản đảm bảo với sự đồng ý của trái chủ.
Trường hợp DPG, Ban lãnh đạo Công ty tự nguyện sử dụng cổ phần của cá nhân để bảo đảm cho trái phiếu.