114,69 triệu cổ phiếu Tôn Đông Á (GDA) được chấp thuận giao dịch trên UPCoM

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vừa quyết định chấp thuận đăng ký giao dịch hơn 114,69 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Tôn Đông Á (mã GDA) trên UPCoM.
114,69 triệu cổ phiếu Tôn Đông Á (GDA) được chấp thuận giao dịch trên UPCoM

Theo giới thiệu trên Bản cáo bạch niêm yết, CTCP Tôn Đông Á tiền thân là Công ty TNHH Đông Á được thành lập ngày 5/11/1998, sau đó được đổi tên thành Công ty TNHH Tôn Đông Á vào tháng 6/2005, tới năm 2009, Công ty đã chuyển đổi từ công ty TNHH sang Công ty cổ phần.

Năm 2009, Nhà máy sản xuất tại Dĩ An, Bình Dương với tổng diện tích nhà xưởng hơn 35.000 m2 và có 2 dây chuyền mạ kẽm, trong đó một dây chuyền mạ màu được lắp đặt hoàn chỉnh và đưa vào sản xuất theo công nghệ Hàn Quốc. Ngoài ra, sau khi chuyển sang Công ty cổ phần, Công ty đầu tư xây dựng dây chuyền mạ màu thứ hai được nhập khẩu từ nhiều nước tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu… và chính thức sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng JIS F3312 của Nhật Bản.

Tới năm 2010, dây chuyền mạ kẽm/hợp kim nhôm kẽm công nghệ NOF chính thức đi vào hoạt động. Tôn Đông Á thâm nhập vào thị trường thép lá mạ với các sản phẩm tôn kẽm, tôn lạnh màu chất lượng cao phục vụ cho ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp.

Thêm nữa, năm 2011, dây chuyền mạ màu thứ ba ra đời, nâng tổng công suất nhà máy tại Khu công nghiệp Sóng Thần 1 lên 150.000 tấn/năm; năm 2013, nhà máy sản xuất thép lá mạ thứ hai tại KCN Đồng An 2, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương được khởi công xây dựng trên diện tích 125.800 m2 với tổng vốn đầu tư 160 triệu USD.

Năm 2017, Tôn Đông Á hoàn thiện giai đoạn 2 của nhà máy Thủ Dầu Một với công suất tăng thêm 600.000 tấn/năm với vốn đầu tư 90 triệu USD; năm 2018, tiếp tục nâng tổng suất của hai nhà máy lên 850.000 tấn/năm bao gồm 4 dây chuyền mạ kẽm/nhôm kẽm với công nghệ lò ủ NOF, 4 dây chuyền mạ màu, 1 dây chuyền tẩy rỉ, 2 dây chuyền cán nguội, 2 dây chuyền xả băng và 1 dây chuyền chia cuộn.

Và tới tháng 11/2020, Công ty khởi công dự án nhà máy sản xuất ống tại KCN Hoà Khánh – Đà Nẵng với tổng quy mô 20.000 m2, công suất 70.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng.

“Trải qua quá trình hoạt động gần 25 năm, Công ty là một trong các doanh nghiệp có quy mô sản xuất lượng lớn và có uy tín trong ngành thép mạ Việt Nam. Tính đến nay, sản phẩm của công ty được phân phối bởi hệ thống hơn 1.700 đại lý trên khắp cả nước và có mặt tại hơn 45 quốc gia, trong đó bao gồm cả những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Úc và các nước châu Âu …”, Công ty cổ phần Tôn Đông Á cho biết.

Ngoài ra, theo dữ liệu thị phần tôn Việt Nam năm 2022, Công ty cổ phần Tôn Đông Á đang là doanh nghiệp đứng thứ 3 về năng lực sản xuất 800.000 tấn/năm. Tuy nhiên, nếu so sánh về sản lượng tiêu thụ thực tế, Công ty đang đứng thứ hai tại thị trường nội địa.

Cơ cấu cổ đông của Tôn Đông Á

Cơ cấu cổ đông của Tôn Đông Á

Về hoạt động tăng vốn, khi thành lập, Công ty có vốn điều lệ 120 tỷ đồng, đã trải qua 13 lần tăng vốn, đến nay vốn điều lệ là 1.146,92 tỷ đồng. Trong đó, Công ty có 4 cổ đông lớn bao gồm ông Nguyễn Thanh Trung, Chủ tịch HĐQT sở hữu 32,6% vốn điều lệ; bà Lê Thị Phương Loan, Thành viên HĐQT sở hữu 10,73% vốn điều lệ; Công ty TNHH Thương mại JFE Shoji Việt Nam sở hữu 7,44% vốn điều lệ; bà Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh, Thành viên HĐQT sở hữu 6,57% vốn điều lệ; còn lại 42,66% thuộc về nhóm cổ đông sở hữu dưới 5% vốn điều lệ.

Kế hoạch lợi nhuận 200 tỷ đồng trong năm 2023

Năm 2023, Tôn Đông Á đặt kế hoạch tổng doanh thu 17.000 tỷ đồng, bằng 78,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 200 tỷ đồng, tăng 172% so với kết quả trong năm 2022. Trong đó, tổng sản lượng dự kiến 760.000 tấn, tương đương 98.7% so với thực hiện trong năm 2022.

Trong năm 2022, Tôn Đông Á đã sản xuất được hơn 767.000 tấn, đạt trên 90% hiệu suất. Trong đó, sản lượng thực bán hơn 770.000 tấn. Đáng chú ý, thị phần của Tôn Đông Á đã tăng lên 17,11% (cùng kỳ 13,84%), giữ thị phần top hai tại thị trường Việt Nam, rút ngắn khoảng cách so với công ty đầu ngành và là doanh nghiệp top ba có quy mô sản lượng trong ngành thép lá mạ. Trong đó, thị phần nội địa đạt 13,83% (cùng kỳ 13,31%) và xuất khẩu chiếm 20,43% (cùng kỳ 14,15%).

Thêm nữa, Công ty đã cung cấp sản phẩm thép lá mạ dùng trong sản xuất thiết bị gia dụng cho những nhà sản xuất nước ngoài trong đó có Samsung, LG… Đối với phân khúc này, sản phẩm được yêu cầu khắt khe về kỹ thuật và chất lượng nhưng Tôn Đông Á đã không ngừng cải thiện sản phẩm và sản xuất để dần được chấp nhận.

Lên kế hoạch đầu tư nhà máy mới để nâng tổng công suất lên 2 triệu tấn/năm

Về kế hoạch đầu tư, Công ty dự kiến tiếp tục lập kế hoạch, nghiên cứu và triển khai đầu tư nhà máy thép lá mạ thứ ba với công suất 1,2 triệu tấn/năm, nâng tổng công suất toàn hệ thống lên 2 triệu tấn, với sản phẩm cuối cùng là thép lá mạ cung ứng cho ngành xây dựng, thiết bị gia dụng, ô tô.

Cụ thể, dự án đầu tư nhà máy thép lá mạ thứ ba được chia làm 3 giai đoạn, tổng vốn đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng và triển khai từ 6 đến 8 năm kể từ thời điểm được duyệt Giấy phép đầu tư. Trong đó, giai đoạn 1 dự kiến triển khai trong 2 năm với công suất khoảng 350.000 tấn/năm.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục