11 “luật chơi” mới tác động đến TTCK và DN

(ĐTCK) Theo một loạt quy định mới bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1/2013, các chủ thể tham gia TTCK, cũng như các DN phải tuân thủ nhiều “luật chơi” mới.
11 “luật chơi” mới tác động đến TTCK và DN

11 “luật chơi” mới tác động đến TTCK và DN ảnh 1Từ 15/1, tỷ lệ tổng nợ trên vốn chủ sở hữu của CTCK không được vượt quá 3 lần, thay vì 6 lần như hiện hành

 

5 quy định mới đối với TTCK

Từ tháng 1/2013, các chủ thể tham gia TTCK bắt đầu phải tuân thủ 5 thông tư (TT), do Bộ Tài chính ban hành, gồm: TT 204/2012 hướng dẫn hồ sơ, thủ tục chào bán chứng khoán ra công chúng, TT 210/2012 về thành lập và hoạt động CTCK, TT 211/2012 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 90/2011 về phát hành trái phiếu DN, TT 212/2012 hướng dẫn thành lập, tổ chức và hoạt động công ty quản lý quỹ và TT 213/2012 hướng dẫn hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam.

TT 204/2012 có hiệu lực từ ngày 3/1 và thay thế TT 17/2007 hướng dẫn hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng và TT 112/2008 sửa đổi, bổ sung TT 17/2007. Văn bản này quy định chi tiết hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng của DN thành lập mới thuộc các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, công nghệ cao... Đặc biệt, quy định mới hướng dẫn cụ thể hồ sơ phát hành cổ phiếu mới làm cơ sở cho chào bán chứng chỉ lưu ký tại nước ngoài. Chứng chỉ lưu ký giao dịch tại nước ngoài có thể được huỷ theo yêu cầu của người sở hữu chứng chỉ lưu ký...

Có hiệu lực từ ngày 15/1, TT 210/2012 đưa ra các quy định khắt khe hơn về chuẩn hoạt động của CTCK. Cụ thể, tỷ lệ tổng nợ trên vốn chủ sở hữu của CTCK không được vượt quá 3 lần, thay vì 6 lần như hiện hành; CTCK không được mua, góp vốn mua bất động sản, trừ trường hợp để sử dụng làm trụ sở chính, chi nhánh, phòng giao dịch phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ... Đặc biệt, để mở đường cho khả năng xóa sổ CTCK, TT 210 quy định, trường hợp CTCK không đáp ứng được các chuẩn hoạt động mới, thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) có văn bản yêu cầu CTCK và các bên có liên quan thực hiện thủ tục giải thể, phá sản.

Điểm đáng chú ý trong TT 211/2012 là trường hợp phát hành trái phiếu chuyển đổi, DN phải công khai phương án bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu trái phiếu, nếu DN phát hành không thực hiện chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu theo thông tin đã công bố.

Với TT 212/2012, lần đầu tiên có quy định chi tiết về thành lập và hoạt động của công ty quản lý quỹ 100% vốn ngoại tại TTCK Việt Nam . Quy định mới còn hướng dẫn chi tiết các điều kiện về công ty quản lý quỹ hoạt động tại Việt Nam được phép cung cấp các dịch vụ ở nước ngoài... Quy định mới lần đầu tiên cho phép công ty quản lý quỹ triển khai nghiệp vụ tư vấn đầu tư. Khách hàng ủy thác đầu tư cho các công ty quản lý quỹ được phép tự chọn ngân hàng lưu ký, để phù hợp với nhu cầu đầu tư của mình.

Điểm mới của TT213/2012 là thay vì phải nộp lý lịch tư pháp khi nộp hồ sơ xin cấp mã số giao dịch, NĐT cá nhân nước ngoài chỉ phải nộp bản sao hợp lệ hộ chiếu còn giá trị, hoặc phiếu an sinh xã hội, hoặc giấy tờ tùy thân khác. Chỉ các loại giấy tờ, tài liệu do cơ quan quản lý có thẩm quyền ở nước nguyên xứ cấp, thì mới cần hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam . Các loại tài liệu do NĐT nước ngoài tự lập, không phải do cơ quan quản lý có thẩm quyền của nước ngoài cấp, thì chỉ cần công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật nước ngoài… Điểm mở quan trọng hơn là quy định mới cho phép Trung tâm Lưu ký được cấp mã số giao dịch cho NĐT nước ngoài, ngay cả khi chưa có đầy đủ các tài liệu cần phải hợp pháp hóa lãnh sự. NĐT nước ngoài chỉ cần bổ sung các tài liệu cần hợp pháp hóa lãnh sự trong vòng 9 tháng, sau khi đã được cấp mã số giao dịch.

 

6 quy định tác động đến hoạt động của DN từ 1/1/2013

4 Luật có hiệu lực từ 1/1/2013 chi phối hoạt động của doanh nghiệp gồm: Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Giám định tư pháp, Luật Quảng cáo và Luật Công đoàn.

Đã có bước tiến mới trong việc xác định rõ Ngân hàng Nhà nước là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi, đồng thời khắc phục những hạn chế trong quy định về chủ thể được bảo hiểm tiền gửi... là những nội dung đáng chú ý trong Luật Bảo hiểm tiền gửi. Luật còn quy định, chỉ bảo hiểm tiền gửi của người gửi tiền là cá nhân, mà không bảo hiểm tiền gửi của DN tư nhân, công ty hợp danh...

Điểm mới cơ bản của Luật Giám định tư pháp là quy định có 2 loại tổ chức giám định tư pháp: công lập và ngoài công lập. Tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập hoạt động dưới hình thức Văn phòng giám định tư pháp, được thành lập trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng...

Cấm quảng cáo sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp là nội dung mới của Luật Quảng cáo. Luật còn bổ sung một số hành vi cấm quảng cáo như: quảng cáo thiếu thẩm mỹ, xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, định kiến giới…

Điểm nổi bật của Luật Công đoàn là quy định các cơ quan, tổ chức, DN phải đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động...

Ngoài ra, có 2 quy định mới cũng có hiệu lực từ 1/1/2013 có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của DN. Thứ nhất, Nghị định 103/2012/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở DN, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động, thay thế Nghị định 70/2011/NĐ-CP. Theo đó, từ 1/1/2013, áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ 1.650.000 - 2.350.000 đồng/tháng.

Thứ hai, theo quy định mới tại Nghị định 87/2012/NĐ-CP, người khai hải quan điện tử được ưu tiên thực hiện trước so với trường hợp đăng ký hồ sơ hải quan bằng giấy khi cơ quan hải quan xác định phải kiểm tra chi tiết hồ sơ hải quan, hoặc kiểm tra thực tế hàng hóa. Người khai hải quan điện tử được thực hiện khai hải quan điện tử 24 giờ trong ngày, 7 ngày trong tuần, nhận thông tin phản hồi của cơ quan hải quan trực tiếp qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.

Tân Văn
Tân Văn

Tin cùng chuyên mục