10 năm và kỳ vọng vào một chiến lược dài hơi hơn

(ĐTCK-online) Giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Tài chính vào đúng thời điểm Nhà nước chủ trương thành lập Ủy ban Chứng khoán (UBCK) và đưa vào vận hành TTCK, trong ký ức của bà Lê Thị Băng Tâm vẫn còn in dấu nhiều kỷ niệm khi tham gia vào công việc đầy ý nghĩa này. Điều bà Tâm luôn trăn trở là mặc dù đã có bước phát triển mạnh mẽ nhưng để TTCK thực sự trở thành kênh huy động vốn cho đầu tư phá triển, chia sẻ áp lực cho các kênh ngân hàng, ngân sách nhà nước, vốn đầu tư nước ngoài... vẫn còn nhiều việc phải làm.
bà Lê Thị Băng Tâm bà Lê Thị Băng Tâm

Bà có thể nói đôi nét về việc thành lập và vận hành của TTCK Việt Nam?

TTCK Việt Nam được thành lập và đi vào hoạt động được 10 năm nhưng quá trình nghiên cứu và chuẩn bị ra đời thị trường đã diễn ra từ rất lâu. Từ năm 1995, đã có đề án sơ khai, nhưng một thời gian sau, thị trường vẫn chưa thể ra đời do có nhiều nguyên nhân: nền kinh tế Việt Nam còn nặng về kinh tế bao cấp, hầu hết nguồn vốn dựa vào ngân sách nhà nước cấp; hệ thống ngân hàng cũng chủ yếu là của Nhà nước; doanh nghiệp (DN) chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước (DNNN), chưa có chủ trương và hiểu biết gì về cổ phần hóa (CPH).

Đến năm 1997, UBCK ra đời, các công việc trong giai đoạn đầu gặp vô vàn khó khăn trở ngại. Thứ nhất, tiến trình CPH diễn ra rất chậm nên các công việc như vận động DN niêm yết, tạo hàng hóa cho thị trường gặp nhiều khó khăn. Thứ hai, phần lớn các DN bán cổ phần theo kiểu các ban chỉ đạo CPH ở địa phương, chính quyền địa phương, bộ, ngành định giá sẵn rồi bán chứ không theo cơ sở giá thị trường nên hàng hóa đã ít lại kém chất lượng, dẫn đến tính thanh khoản không cao. Thứ ba, UBCK chỉ chuyên tâm vào phát triển TTCK mà không gắn với CPH và cải cách DNNN, không gắn với hoạt động của các ngân hàng và thể chế tài chính nên cũng gặp nhiều khó khăn.

 

Khi mới thành lập, UBCK đứng độc lập. Nguyên nhân nào khiến cơ quan này được sáp nhập vào Bộ Tài chính, thưa bà?

Chính phủ quyết định chuyển UBCK trực thuộc Bộ Tài chính là do Bộ này có nhiệm vụ liên quan rất nhiều đến CPH, như thế sẽ hỗ trợ cho việc đưa DN niêm yết; đồng thời, giải quyết nhanh hơn, sát hơn các vấn đề về cơ chế, chính sách  tài chính cho UBCK.

Tôi còn nhớ một số cuộc họp của UBCK với DN niêm yết. Tại đó, nhiều DN phản ánh, khi niêm yết trên TTCK, DN mong muốn thu hút NĐT, nhưng khi thông tin về hoạt động của DN được công bố ra bên ngoài thì đôi khi lại có tác dụng ngược lại và trở thành bất lợi với họ. Chính vì thế, khi UBCK thành lập tiểu ban đi vận động các DN tham gia niêm yết thì hầu hết DN không muốn tham gia TTCK. Khi UBCK "về" Bộ Tài chính, đã có hỗ trợ rất lớn trong việc tạo hàng cho thị trường.

 

Là một trong những người tham gia xây dựng thị trường từ ngày đầu tiên, điều gì khiến bà ấn tượng nhất sau 10 năm TTCK Việt Nam đi vào hoạt động?

Quá trình nghiên cứu và thành lập UBCK và TTCK Việt Nam gắn rất chặt với tiến trình đổi mới, cải cách kinh tế, tài chính của Việt Nam. Mặc dù mất vài năm đầu phát triển chậm nhưng càng về các năm sau, đặc biệt là từ năm 2005 đến nay, tốc độ phát triển của TTCK rất nhanh. Tôi rất mừng và tự hào vì điều đó. Còn nhớ lúc mấy anh em ngồi xây dựng chỉ tiêu chiến lược cho TTCK, chúng tôi chỉ dự kiến đến năm 2005-2006, quy mô TTCK bằng 15-17% GDP, nhưng năm 2007-2008, đã đạt gần 50% GDP. Năm 2009, đã có hơn 700.000 tài khoản NĐT được mở và đến nay, con số này đã là gần 1 triệu. Đặc biệt, thị trường đã có nhiều phiên giao dịch có khối lượng và giá trị giao dịch tăng kỷ lục, có những phiên có trên 200 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, và hơn 9.000 tỷ đồng được giải ngân thông qua 2 Sở GDCK.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường sau 10 năm từ con số 0 là điều làm tôi ấn tượng nhất. Để đạt được điều đó, tôi cho rằng, là do chủ trương đẩy mạnh chương trình cải cách và cổ phần hóa DNNN, cộng với chính sách mở cửa thị trường tài chính của Chính phủ.

 

Để thị trường phát triển hơn nữa, theo bà, cơ quan quản lý cần phải làm những gì?

Các nhà hoạch định chính sách bên cạnh việc chú trọng đến công tác kiểm tra, giám sát thị trường, cần tạo ra cơ chế chính sách cởi mở hơn nữa, tạo ra sân chơi rộng rãi, bình đẳng, thu hút nhiều thành phần tham gia thị trường. Điều này không chỉ giới hạn trong việc UBCK muốn gì mà Chính phủ phải đẩy nhanh tiến độ cải cách, CPH các tập đoàn lớn thì mới góp phần tăng quy mô và chất lượng cho thị trường.

Ngoài ra, cần đưa ra một định hướng chiến lược phát triển rõ ràng trong 5 - 10 năm và thậm chí là 20 năm để các NĐT nước ngoài biết được triển vọng tương lai của TTCK Việt Nam cũng như tránh được rủi ro và nhận thức được tất cả những lợi ích khi tham gia thị trường. Để làm được điều này, cơ quan quản lý cần quan tâm tới tính minh bạch của thị trường nhiều hơn và thực hiện quyết liệt hơn.

Thanh Đoàn thực hiện.
Thanh Đoàn thực hiện.

Tin cùng chuyên mục