Cùng với tiến trình đổi mới toàn diện được Đảng ta đề ra từ giữa thập niên 80 của thế kỷ trước và mục tiêu xây dựng, phát triển một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vấn đề xác lập kênh huy động vốn dài hạn cho đầu tư phát triển bên cạnh kênh dẫn vốn ngắn hạn từ khu vực ngân hàng cũng bắt đầu được đặt ra từ đầu những năm 1990. Sau khi công cuộc đổi mới chính thức triển khai, chỉ khoảng 5 - 6 năm sau, vào quãng năm 1992, khi đó tôi công tác tại Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước), nhu cầu huy động vốn cổ phiếu, trái phiếu trong và ngoài nước bắt đầu manh nha xuất hiện.
Quá trình hình thành và phát triển TTCK Việt Nam là kết quả vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm, thành quả của quốc tế vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam
Bước sang những năm 1992 - 1993, nhu cầu thành lập TTCK tăng lên do xuất phát từ quá trình hình thành các doanh nghiệp cổ phần, quá trình cổ phần hóa đòi hỏi phải có một thị trường giao dịch cổ phiếu và trái phiếu. Chính phủ đã đề nghị một số cơ quan triển khai nghiên cứu, xây dựng đề án thành lập TTCK.
Trên cơ sở đề án của Ban soạn thảo pháp lệnh, kết hợp với đề án của Ngân hàng Nhà nước và ý kiến của các bộ, ngành liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban chuẩn bị tổ chức TTCK (vào năm 1995) do anh Lê Văn Châu làm Trưởng ban, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc xây dựng TTCK ở Việt Nam. TTCK được thành lập trên quan điểm khẳng định thành lập cơ quan quản lý trước, thị trường hình thành sau, cơ quan quản lý có trách nhiệm xây dựng phát triển TTCK thay cho việc thị trường phát triển tự phát như các nước. Trong quá trình tham gia xây dựng thị trường, mỗi người đều có những kỷ niệm sâu sắc, khó quên.
Tôi còn nhớ, đề án giao dịch ban đầu có tổng mức kinh phí 1,2 tỷ đồng, bao gồm sửa chữa trụ sở, lắp đặt máy móc, đào tạo. Việc đầu tư hệ thống công nghệ của nước ngoài là hết sức khó khăn. Chúng tôi quay sang sử dụng công ty tin học trong nước là FPT. Bản thân FPT nhận thấy TTCK là lĩnh vực mới nên họ đã tiếp cận Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) 1 - 2 năm trước để tìm hiểu văn bản pháp lý, mô hình thị trường. Sau đó, họ tự thiết kế phần mềm giao dịch, lưu ký và thanh toán.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, chuyên gia Thái Lan, cựu Chủ tịch Sở GDCK Thái Lan cũng vào Việt Nam, có đặt vấn đề là châu Á hiện đang trong giai đoạn khủng hoảng, công suất Sở GDCK Thái Lan rất lớn, trong khi quy mô giao dịch nhỏ, tại sao Việt Nam phải xây dựng hệ thống công nghệ cao cho tốn kém, chỉ cần nối một đường truyền sang Sở Thái Lan, họ cung cấp các máy PC lắp đặt, tài trợ đường truyền nối sang Thái Lan, áp dụng hệ thống giao dịch của Thái Lan là có thể mở TTCK ngay.
Đối với chúng tôi lúc đó, hiểu biết thị trường còn hạn chế, chỉ đơn giản nghĩ là toàn bộ thông tin của thị trường mình mà liên thông sang Thái Lan thì rất khó chấp nhận, nên chúng tôi không trả lời. Ông ta sau đó nhiều lần nhắc lại đề nghị này và cuối cùng thì Sở GDCK?Thái Lan đề xuất hỗ trợ giúp xây dựng hệ thống giao dịch, còn hệ thống lưu ký thanh toán cứ để FPT xây dựng. Khi đó, Ban lãnh đạo UBCK họp lại và nhận thấy, mặc dù có sự phối hợp khá kỹ với FPT để xây dựng hệ thống giao dịch, nhưng do Thái Lan đã có kinh nghiệm và trải qua thời gian dài áp dụng hệ thống giao dịch, nên đồng ý sử dụng hệ thống giao dịch của Thái Lan.
Tôi vẫn nhớ ngày đầu tiên làm Giám đốc Trung tâm GDCK TP. HCM, được Văn phòng UBCK cấp cho 7,5 triệu đồng để chi tiêu cho hoạt động và bố trí cho một phòng làm việc cũ tại tòa nhà B (trụ sở hiện nay của Sở GDCK TP. HCM). Vào TP. HCM không có phương tiên liện lạc nên tôi phải mua 1 điện thoại di động hết 4,2 triệu đồng, còn lại hơn 3 triệu đồng, mua một số vật dụng làm việc và dọn dẹp trụ sở để anh em chuyển từ Ngân hàng Nhà nước sang làm việc tại khu nhà rất cũ phía sau.
Ngay sau đó, toàn thể cán bộ Trung tâm bắt tay ngay vào việc xây dựng quy trình giao dịch, chạy thử phần mềm, hiệu chỉnh phần mềm với Sở GDCK Thái Lan và phối hợp với FPT xây dựng phần mềm cho hệ thống lưu ký. Thời kỳ đó, tôi liên tục phải di chuyển giữa Hà Nội và TP. HCM, nhiều khi vào miền Nam phải ngủ nhờ nhà ông anh, sáng sớm anh Trần Đắc Sinh đi xe máy qua đón tới trụ sở làm việc.
Tôi nhớ mãi những ngày làm việc liên tục đến tận 9 - 10h tối toàn bộ cán bộ của Trung tâm vẫn làm việc, nhóm thì ngồi với FPT, nhóm thì ngồi với các chuyên gia Thái Lan, nhóm khác thì trải dây trên sàn để lắp đặt máy móc. Toàn bộ là người của Trung tâm, không thuê mướn ai. Không khí rạo rực giống như chiều 30 Tết ngồi gói bánh chưng ở nhà!
Đồng thời với công tác chuẩn bị ở Trung tâm như vậy, tại trụ sở chính của UBCK tại Hà Nội, anh Nguyễn Đức Quang, anh Trần Xuân Hà cũng chỉ đạo quyết liệt toàn bộ các vụ chức năng của Uỷ ban xây dựng quy chế về phát hành, giao dịch, lưu ký, kinh doanh, hệ thống thuế phí hỗ trợ thị trường, bố trí kinh phí cho hệ thống giao dịch ban đầu tại Trung tâm... UBCK cũng cử cán bộ vào hỗ trợ cho Trung tâm, tích cực đi vận động niêm yết tạo hàng cho thị trường, hỗ trợ các CTCK thành lập, kể cả xây dựng khung pháp lý, hoàn thiện hồ sơ cấp phép hoạt động, bố trí sàn giao dịch, lắp đặt thiết bị. Đây là những hậu thuẫn cực kỳ quan trọng, đảm bảo cho thị trường hoạt động được ngay từ ban đầu.
Một câu chuyện thú vị khác là về bảng điện tử giao dịch. Lúc đó, do không có kinh phí mua mới nên anh Lê Văn Châu có liên hệ Tập đoàn Chinfon tặng một bảng điện tử và họ đưa đến lắp tại phòng giao dịch của Trung tâm. Tuy nhiên, sau khi treo bảng điện tử thì nó lại không hiển thị, do không tương thích với hệ thống giao dịch. Tình hình rất căng, vì khi đó đã chọn ngày 28/7 là ngày khai trương giao dịch, trong khi thời gian chỉ còn gần 1 tháng. Phía Chinfon nói là họ chỉ biết cho bảng điện tử, còn phần mềm hoạt động thì Thái Lan phải làm. Phía Thái Lan thì nói, họ cung cấp hệ thống giao dịch chung, còn phía Chinfon dựa trên hệ thống này mà xây dựng phần mềm cho bảng điện tử, chứ họ không biết bảng điện tử thế nào.
Chúng tôi phải họp ngay với Sở GDCK Thái Lan và Chinfon để xử lý kịp thời xây dựng phần mềm cho bảng điện tử, cuối cùng 3 bên thống nhất phối hợp triển khai, nhưng gần đến ngày giao dịch, bảng điện tử vẫn chưa hoạt động. Anh Châu, anh Quang quyết định sang Thái Lan mua gấp bảng điện tử, một số CTCK như Bảo Việt, SSI đi theo để cùng mua. Lúc đó, Thái Lan đang trong giai đoạn khủng hoảng, nhiều CTCK đóng cửa nên mua được rẻ. Rất may là khi mua được bảng điện tử về thì các chuyên gia đã xử lý được vấn đề kết nối với bảng điện tử của Chinfon.
Trong giai đoạn đầu, hoạt động của thị trường rất khó khăn. Các yếu tố thị trường chưa hình thành đồng bộ, hiểu biết của nhà đầu tư chưa cao, hàng hóa trên thị trường còn ít, các doanh nghiệp cổ phần hóa (CPH) chưa nhiều và chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, cơ chế phối hợp trong chính sách điều hành, quản lý giám sát thị trường còn hạn chế, cung cầu cổ phiếu mất cân đối nên giá bị đẩy lên hàng ngày. VN-Index trong vòng nửa năm đã tăng lên gần 580 điểm, lúc đó UBCK đã đưa ra một số giải pháp hành chính can thiệp vào thị trường, nhằm hạn chế hiện tượng "bong bóng" của cổ phiếu. Kết quả, thị trường giảm mạnh.
Sau đó, thị trường hoạt động cầm chừng, doanh nghiệp CPH không muốn lên niêm yết. Thị trường chỉ phát triển từ năm 2006, sau khi Luật Chứng khoán được ban hành, quá trình cổ phần hóa được triển khai mạnh mẽ, nhu cầu chuyển nhượng mua bán cổ phiếu tăng lên, số lượng công ty niêm yết tăng dần nhờ chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp lên niêm yết. Tiếp đó là các chính sách về tài chính - tiền tệ mạnh mẽ hơn và đặc biệt là việc Việt Nam gia nhập WTO. Các chính sách hỗ trợ đó tích tụ trong nhiều năm, tích tụ về lượng dẫn đến tích tụ về chất, tạo sự đột biến phát triển thị trường giai đoạn 2006 - 2007.
Một điều chúng tôi muốn nhắc lại ở đây là vào cuối năm 2007, khi TTCK, thị trường bất động sản phát triển nóng, lạm phát tăng cao, nhiều chuyên gia quốc tế khuyến nghị Việt Nam nên áp dụng giải pháp mạnh, vì họ ví TTCK như một quả bóng chọc cho xịt còn hơn là cứ để cho nó phát triển đến lúc nổ tung không kiểm soát được. Họ đề xuất áp dụng hai giải pháp như của Thái Lan: vốn đầu tư nước ngoài vào Thái Lan phải 1 năm sau mới được rút ra, nếu rút ra dưới 1 năm thì chỉ được phép rút 2/3 số tiền và bị đánh thuế vào việc hồi vốn này. Tuy nhiên, chúng ta đã biết là khi Thái Lan công bố hai giải pháp này thì TTCK biến động mạnh, nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt rút vốn và Bộ trưởng Tài chính Thái Lan phải tuyên bố hủy bỏ biện pháp này. Khi đó, UBCK được Bộ Tài chính chỉ đạo xây dựng đề án chống khủng hoảng, đồng thời xây dựng một bản báo cáo về đầu tư gián tiếp báo cáo Chính phủ. Chúng tôi cho rằng, nhận định của chuyên gia nước ngoài nói vốn đầu tư gián tiếp gây ra hiện tượng đầu cơ, nguy cơ tạo ra đổ vỡ khi đảo vốn rút ra ở Việt Nam là chưa chính xác vào thời điểm đó. Cuối cùng, Chính phủ quyết định chưa nên áp dụng hai giải pháp như của Thái Lan.
Nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta có thể khẳng định việc xây dựng TTCK ở Việt Nam là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong quá trình đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quá trình hình thành và phát triển TTCK Việt Nam là kết quả vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm, thành quả của quốc tế vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Với tiềm năng vốn có của TTCK, dưới sự quan tâm của Đảng, sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, mà trực tiếp là Bộ Tài chính, TTCK Việt Nam đang có cơ hội phát triển nhanh, mạnh và vững chắc hơn.