10 năm TTCK trong mắt nhà đầu tư

Công bằng mà nói, nếu so với nhiều cơ quan hành chính khác thì UBCK và các Sở giao dịch vẫn nhanh nhạy, sát thực tế hơn nhiều. Sự lớn mạnh của thị trường qua 10 năm đã chứng tỏ điều đó. Tuy nhiên, NĐT như tôi vẫn còn nhiều trăn trở, bức xúc.
Cổ đông vẫn phải chờ T+4 ngày mới được bán cổ phiếu - Ảnh: Đức Thanh

Thứ nhất, quan hệ mua bán còn chưa thực sự công bằng. Có lúc, người ta đã làm rùm beng lên về chuyện rút ngắn quy trình thanh toán từ T+4 xuống còn T+3. Thực tế như ta đã thấy, chẳng có sự "rút" nào ở đây cả. Từ ngày đầu, tiền vẫn T+3 và cổ phiếu T+4, bây giờ cũng thế. 10 năm đứng yên tại chỗ có phải là quá lâu?

Nhưng đó chưa phải là điều chúng tôi quá bận tâm. Quy trình thanh toán là công việc hoàn toàn mang tính nội bộ giữa Sở GDCK và các CTCK. Nếu có sai sót phải chỉnh sửa, bù trừ gì  đó thì nó cũng không liên hệ gì đến chúng tôi cả. Thiếu thừa tiền hoặc cổ phiếu của chúng tôi lại do hợp đồng và quy định của CTCK nơi chúng tôi mở tài khoản. Đây là hai việc hoàn toàn khác nhau, hoàn toàn độc lập trên thực tế cũng như về mặt luật pháp. Quan hệ mua bán dịch vụ ở đây là hết sức rõ ràng. Chúng tôi trả tiền để được phục vụ trong khuôn khổ quy định chung. Trả tiền - đặt lệnh mua - khớp; có cổ phiếu - đặt lệnh bán - khớp. Phải đóng đủ tiền (tối thiểu là 70%, và T+2 là 100%) khi đặt lệnh mua, hoặc phải có 100% cổ phiếu trong tài khoản khi đặt lệnh bán. Khớp lệnh rồi thì dù trời có sập cũng thế thôi, không gì có thể thay đổi được cả. Vậy nhưng, để bảo hiểm cho cái quy trình thanh toán nội bộ giữa Sở giao dịch với các CTCK, chúng tôi buộc phải chờ đợi lấy tiền và cổ phiếu của mình theo quy trình này. Tài sản của toàn bộ NĐT trên thị trường trở thành con tin, vật thế chấp cho rủi ro của một bộ phận. Mà bộ phận này là người thu tiền bán dịch vụ phục vụ cho NĐT, là bộ phận có nghĩa vụ phải phục vụ NĐT vì đã được họ trả phí.

Một chủ trương của UBCK - đó là yêu cầu các CTCK chuyển tiền NĐT cho ngân hàng quản lý đã gần như thất bại. Chúng ta hình dung số tiền "vãng lai" này lớn như thế nào ở các CTCK. Chỉ cần gửi qua đêm thôi cũng đã có khoản lãi béo bở rồi. Nhưng với NĐT thì thiệt hại lớn hơn nhiều, vì họ phải vay theo lãi suất đi vay của CTCK, cao hơn lãi suất ngân hàng.

Cái sự thiếu sòng phẳng này, ngoài thiệt hại gây ra cho NĐT còn là một trong những cản ngại cho sự phát triển của TTCK. Đồng vốn bị trói chặt, quay vòng chậm còn 1/3 trên lý thuyết. Gần đây, chúng ta còn được nghe rằng, NĐT sẽ "được vay" cổ phiếu và tiền để mua bán trước T+4. Thật kỳ lạ. Vay cái gì và vay của ai? Tôi vay của chính tôi à?

Thứ hai, mở rộng quy mô thị trường bằng mọi giá. Để tăng quy mô của thị trường, cơ quan quản lý đã mở quá rộng đầu vào. Tiêu chí về vốn điều lệ, lãi... đã quá lạc hậu cùng với sự phát triển của nền kinh tế và nhất là sự phát triển TTCK. Ranh giới giữa các "chợ " gần như không còn. Bây giờ niêm yết trên HOSE, HNX hay thậm chí UPCoM cũng thế. Đồng hồ Rolex, túi xách Vuitton, vàng SJC và kim cương De Beers bày bán chung với cá lòng tong. Cứ theo đà này, sẽ đến lúc NĐT sẽ săn tìm hàng hiếm là các công ty không lên sàn nào cả. Cộng thêm việc thả lỏng công bố thông tin, kém minh bạch và tin cậy trong báo cáo tài chính, thiếu chế tài xử phạt hành vi lừa đảo, trục lợi..., chúng ta còn cách chợ trời bao xa?

Bạch Hưng Hùng, TP. HCM
Bạch Hưng Hùng, TP. HCM