Miếng bánh béo bở
Thị trường điện thoại di động (smartphone) Việt Nam đang là mảnh đất màu mỡ cho các hãng công nghệ. Chỉ tính riêng năm 2013, tổng giá trị nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện đã đạt 8,05 tỷ USD, tăng 59,6% so với năm 2012. Cũng trong năm này, khoảng 17 triệu chiếc điện thoại di động, trong đó smartphone cao cấp chiếm 7 triệu, đã được tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.
Nếu tính thêm con số 1 tỷ USD mỗi năm mà người Việt Nam dành cho mua sắm điện thoại mới, theo thống kê của Hãng nghiên cứu thị trường GfK, không có gì lạ khi Việt Nam tiếp tục là “điểm đổ bộ” của các hãng công nghệ cung cấp smartphone.
Tại Việt Nam, thời gian qua ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thị trường điện thoại thông minh cả về số lượng lẫn thương hiệu.
Hầu hết các thương hiệu điện thoại nổi tiếng của thế giới đều đã có mặt tại Việt Nam như Apple, Samsung, Nokia, LG, Lenovo, HTC…
Các hãng này liên tiếp tung ra các sản phẩm mới nhất của mình và cạnh tranh trong các phân khúc cao cấp, tầm trung và giá rẻ vô cùng khốc liệt. Ước tính, mỗi năm có trên 200 mẫu điện thoại thông minh mới xuất hiện.
Theo các kế hoạch dự kiến từ các hãng công nghệ, trong năm 2014, sẽ có khoảng 17 triệu chiếc smartphone được tung ra thị trường Việt Nam.
Ông Gerard Tan, Giám đốc bộ phận Khách hàng và Công nghệ số của Công ty Nghiên cứu thị trường GfK Asia nhận định, vẫn có khoảng 50% người dùng điện thoại phổ thông ở Đông Nam Á chưa chuyển sang smartphone, nên thị trường vẫn giàu tiềm năng cho các nhà sản xuất, kinh doanh smartphone.
Cuộc đua ganh thị phần
Cuộc cạnh tranh trong thị trường điện thoại thông minh ở Việt Nam đang ngày càng nóng bỏng khi Gionee, Xiaomi, ASUS, TCL, Tianyu, Oppo và BBK... đang đẩy mạnh kế hoạch xâm nhập vào thị trường Việt Nam. Cũng phải nói thêm, đây là các nhà sản xuất điện thoại đang trỗi dậy trong thị trường smartphone thế giới.
Đầu tháng 3/2014 vừa qua, Gionee đã tung ra thị trường Việt Nam bằng smartphone Gionee Elife E7 và cho biết Elife S5.5 cũng sẽ có mặt vào tháng 6/2014.
Trong khi đó, Xiaomi, hãng điện thoại đến từ Trung Quốc cũng đặt tham vọng đạt doanh số bán hàng với 40 triệu chiếc trong năm 2014 khi Việt Nam và Singapore là thị trường được hãng này hướng tới.
Ông Hugo Barra, CEO quản lý mảng thị trường quốc tế của Xiaomi cho biết: “Tôi đã dành nhiều thời gian để liên hệ với các đối tác tiềm năng ở nhiều nước thuộc khu vực Đông Nam Á. Chúng tôi vừa trở về từ chuyến đi đến Singapore một vài tuần trước và đang có kế hoạch mở rộng hoạt động tại Đông Nam Á càng nhanh càng tốt”.
Một “tân binh” khác là Hãng sản xuất máy tính ASUS (Đài Loan) cũng vừa trình làng loạt sản phẩm smartphone có tên gọi ZenFone gồm Asus ZenFone 4, ZenFone 5 và ZenFone và cho hay, đầu tháng 4/3014, bộ smartphone này sẽ cập bến thị trường Việt Nam.
Ông Jeff Lo, Tổng giám đốc ASUS Việt Nam tin rằng, dòng sản phẩm thiết kế đẹp, cấu hình mạnh, chức năng vượt trội và khả năng tiết kiệm năng lượng đi kèm giá thành hợp lý này sẽ đủ sức “tạo sóng” trên thị trường công nghệ và di động Việt Nam thời gian tới.
Trước đó, trong năm 2013, thị trường Việt Nam cũng đã đón nhận các thương hiệu smartphone “cập bến” như OPPO, Huawei, Haier. Ngay lập tức, các sản phẩm điện thoại thông minh tầm trung và giá rẻ của các hãng này đã cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ như Lenovo, Samsung, Nokia, HTC…
Ông Hùng Công Hiển, Giám đốc FCE, Đơn vị phân phối độc quyền smartphone Lenovo từ tháng 8/2012 dự báo, trong năm 2014, mảng smartphone sẽ tiếp tục vượt qua dòng điện thoại phổ thông, trong đó, phân khúc giá tầm trung sẽ là mảng cạnh tranh khốc liệt giữa các hãng muốn giành thị phần cao.
Với sự tham gia của nhiều “tân binh”, cuộc tranh giành thị phần smarphone năm 2014 sẽ hứa hẹn cuộc chơi khốc liệt. Và chắc chắn những đại gia đang thao túng thị trường Việt Nam như Samsung, Apple, HTC, Nokia sẽ phải dè chừng.