Tuy nhiên, thực tế cho thấy, VN-Index rất dễ bị "điều khiển" từ những mã chứng khoán có mức vốn hóa lớn như MSN, VIC, BVH. Tổng giá trị vốn hóa của ba mã chứng khoán này vào ngày 29/12/2010 là 112.000 tỷ đồng, chiếm 19,55% giá trị vốn hóa của sàn HOSE (BVH chiếm 7,81%, VIC chiếm 5,91%, MSN chiếm 5,81%).
Ví dụ, phiên giao dịch ngày 29/12/2010, lúc 9h20 khi VN-Index đang lình xình quanh mức điểm tham chiếu là 479,33 điểm, nếu muốn "giúp" VN-Index tăng 2,81 điểm, nhóm "đánh lên" chỉ cần bỏ ra số tiền 2,8 tỷ đồng để kéo 3 mã chứng khoán là BVH lên giá 67.500 đồng/CP, VIC lên 95.000 đồng/CP và MSN lên 71.000 đồng/CP.
Đối với BVH, với số dư bán và mức giá bán tại thời điểm trên, nhóm đánh lên chỉ cần bỏ ra số tiền như sau: 4.610 x 65.500 + 15.380 x 67.000 + 10 x 67.500 = 1,339 tỷ đồng. Tương tự, để kéo VIC lên giá 95.000 đồng/CP thì với số dư bán ở các bước giá tại thời điểm trên, chỉ cần bỏ ra 1,260 tỷ đồng. Với mã chứng khoán MSN, để đưa lên mức giá 71.000 đồng/CP, chỉ cần 188 triệu đồng.
Với việc 3 mã trên được "kéo" lên mức giá mục tiêu thì so với giá tham chiếu, BVH tăng 1,5%, VIC tăng 4,4%, MSN tăng 3,6%. Từ đó, các mã này giúp VN-Index tăng được: 7,81% x 1,5% + 5,91% x 4,4% + 5,82% x 3,6% = 0,59%. Như vậy, VN-Index sẽ tăng được 0,59% so với mức điểm đóng cửa hôm trước, tương đương mức điểm tăng tuyệt đối là 0,59% x 479,33 điểm = 2,81 điểm, một mức điểm lớn so với số tiền quá nhỏ mà nhóm đánh lên bỏ ra.
Đáng chú ý, bỏ ra ít tiền hơn vẫn có thể có những tác động khá lớn vào chỉ số thị trường bằng cách tác động vào mã chứng khoán MSN, khi mã này chỉ giao dịch trung bình 32.000 cổ phiếu/phiên trong 5 phiên gần đây. Ví dụ, trong lúc VN-Index lình xình đi ngang, nhiều nhà đầu tư không định hướng được thị trường, thì những người muốn điều khiển chỉ số chỉ cần bỏ ra 710.000 đồng giao dịch 10 cổ phiếu MSN cũng có thể khiến VN-Index tăng hoặc giảm 0,04% (tương đương 0,2 điểm).
Là người có điều kiện theo dõi sát sao thị trường, trong thời gian tới, tôi sẽ chỉ ra những lợi ích và bất lợi của đặc điểm thị trường này.