Chỉ tính riêng diện tích đất thu hồi phục vụ phát triển khu công nghiệp, đến nay mới sử dụng 5% - Ảnh: Đức Thanh
Tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”
Tại phiên thảo luận, vấn đề giải phóng mặt bằng và giá đất là nội dung được các đại biểu nhắc đến nhiều nhất. Các ý kiến đều tập trung vào vấn đề cốt lõi là khi thu hồi đất phục vụ cho các dự án thì phải đảm bảo đời sống cho người dân. “Đặc biệt với đất nông nghiệp, vì khi thu hồi quyền sử dụng đất, người dân không còn đất sản xuất, trong khi đất đai là tư liệu sản xuất chính với người nông dân”, đại biểu La Ngọc Thoáng nói.
Từ trước đến nay, thu hồi đất luôn là tâm điểm nhạy cảm về đất đai, vấn đề giá đất bất hợp lý dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài, làm chậm tiến độ các dự án. Chính vì vậy, làm thế nào để người dân trong khu vực bị thu hồi đất có cuộc sống ổn định, đồng thuận với các quyết định của Nhà nước và việc triển khai dự án của DN là một nội dung rất lớn chờ được giải quyết tại Luật Đất đai sửa đổi lần này.
Liên quan đến vấn đề thu hồi đất, có đại biểu nêu ý kiến, khi người sử dụng đất bị thu hồi thì nên được bồi thường bằng việc giao đất mới cùng loại với đất, nhà ở bị thu hồi. Tuy nhiên, do quỹ đất bị hạn chế, nên cơ bản, việc bồi thường được chi trả bằng tiền, nhưng vấn đề là bồi thường ở mức giá nào và nguyên tắc nào được đưa ra để xác định giá đó?
Về nguyên tắc, với các dự án của DN, việc xác định giá đất theo nguyên tắc sát với giá thị trường, nhưng thực tế khi thu hồi và đền bù theo khung giá đất mà UBND các tỉnh ban hành hàng năm lại gặp phải sự phản ứng gay gắt của người dân, do giá đất được xác định để bồi thường thấp hơn nhiều giá giao dịch trên thị trường. Tại Dự thảo luật, nguyên tắc này có sự thay đổi, đó là giá đất phải đảm bảo nguyên tắc “phù hợp” với giá thị trường và quan trọng nhất, giá đất phải được định giá một cách độc lập, khách quan và trung thực. Nhưng thế nào là giá thị trường lại là một vấn đề nan giải.
Theo đại biểu Lê Minh Hiền, giá bồi thường phải phù hợp với giá thực tế tại địa phương tại thời điểm quyết định thu hồi và phải có hỗ trợ tổn thất thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, đại biểu Huỳnh Minh Hoàng cũng nêu ý kiến, cần có cơ quan định giá đất độc lập đối với cơ quan quản lý nhà nước, tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
“Nên có quy định bắt buộc tư vấn định giá đất để xác định giá, không nên để đến khi có khiếu nại mới mời tư vấn định giá đất. Ngoài ra, khi giá của tư vấn định giá khác biệt lớn so với giá đất được ban hành thì pháp luật đất đai sẽ giải quyết như thế nào, công nhận hay không công nhận?”, đại biểu Hoàng đặt câu hỏi.
Song song với vấn đề thu hồi đất, việc dự án bị bỏ hoang cũng được nhiều đại biểu đề cập với con số chứng minh, chỉ tính riêng diện tích đất thu hồi phục vụ phát triển khu công nghiệp, đến nay mới sử dụng 5%. Giải pháp cho vấn đề này là các DN khi triển khai dự án cần có một khoản ký quỹ đủ lớn, nếu dự án chậm triển khai vì lý do chủ quan sẽ phải bị thu hồi và mất luôn khoản ký quỹ trên.
Quy hoạch treo, quy trách nhiệm cá nhân
Theo Dự thảo Luật sửa đổi, thẩm quyền lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được rút lại ở 3 cấp: cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện, thay vì thêm cấp xã như quy định hiện hành. Quy định này nhận được nhiều ý kiến ủng hộ từ các đại biểu khi cho rằng, việc lập quy hoạch 3 cấp sẽ thuận lợi hơn cho việc triển khai những dự án liên vùng, phù hợp với quy hoạch tổng thể. Ngoài ra, cũng phải kể đến năng lực hạn chế của cấp xã trong quy hoạch, vì không có điều kiện nhìn tổng thể địa giới bằng cấp huyện.
Về nguyên tắc quy hoạch sử dụng đất, đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng, cần xác định quy hoạch sử dụng đất là nền tảng cho các quy hoạch khác, tránh tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột giữa các quy hoạch. Do đó, cần bổ sung quy định, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch các ngành, lĩnh vực khác chỉ được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất.
Vấn đề này cũng được đại biểu Nguyễn Lâm Thành, đại biểu Trần Văn Tấn nêu ý kiến, chu kỳ lập kế hoạch hàng năm ở cấp huyện là quá ngắn nên quy định là 5 năm 2 lần để có tính ổn định. Quy trình điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cũng phải đảm bảo tính minh bạch, công khai và có sự tham gia của người dân. Ngoài ra, các đại biểu còn đặt vấn đề trách nhiệm cá nhân đối với quy hoạch treo.
“Ai đề ra quy hoạch mà không thực hiện được thì người đó phải chịu trách nhiệm”, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nói.
Dự kiến, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ được hoàn thiện, trình Quốc hội biểu quyết, thông qua vào ngày 21/6 này.
Ông Đinh Xuân Thảo, Thành viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp
Có thể nói, đất đai là lĩnh vực có nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhất, kể từ Luật năm 1987, đến Luật 1993, Luật 2003 và nay là Luật sửa đổi Luật Đất đai. Hiện, có khoảng hơn 40 Nghị định hướng dẫn đang có hiệu lực, tính cả Thông tư thì có đến hàng trăm văn bản. Bên cạnh đó, đất đai cũng là lĩnh vực có liên quan đến nhiều quy định của ngành khác. Ví dụ như người dân muốn đăng ký cấp sổ đỏ thì có thể vướng rất nhiều quy định từ các lĩnh vực như đê điều, thủy lợi, xây dựng, quy hoạch, lưu vực sông…
Nói đến vấn đề cấp sổ đỏ, khi ban hành Luật 1993, chúng ta từng muốn hoàn thành trong vòng 2 năm, nhưng thực tế không làm được. Đến khi Luật 2003 ra đời, dự định đến năm 2005 sẽ hoàn thành, thời hạn này bị lùi đến 2010 và đến Quốc hội khóa 13, Chính phủ dự kiến là đến cuối 2014 sẽ hoàn tất, nhưng với tình hình hiện tại việc này là khó thực thi. Những vướng mắc này đòi hỏi các bộ, ngành phải cùng phối hợp giải quyết. Nếu thủ tục đơn giản, thuận tiện và chi phí hợp lý, người dân sẽ tích cực thực hiện hơn và Chính phủ cũng thuận tiện trong việc quản lý lĩnh vực này. |