1 nghìn 1 cổ phiếu bất động sản, ai mua?

(ĐTCK) Sự thăng hoa của thị trường bất động sản đã tạo môi trường thuận lợi giúp nhiều doanh nghiệp trong ngành có kết quả kinh doanh tốt, kéo theo giá nhiều mã cổ phiếu trong ngành tăng mạnh, xác lập vị thế bluechips trên sàn. Tuy nhiên, không ít các cổ phiếu trong nhóm này “bất động”, giá “rẻ như cho” mà thanh khoản vẫn… chết cứng.
Dự án Usilk City của Công ty cổ phần Sông Đà - Thăng Long dừng thi công, bỏ hoang nhiều năm nay Dự án Usilk City của Công ty cổ phần Sông Đà - Thăng Long dừng thi công, bỏ hoang nhiều năm nay

Những cổ phiếu giá… rẻ như cho

Cổ phiếu STL của Công ty cổ phần Sông Đà - Thăng Long lên sàn từ năm 2013 và hiện gần như không có giao dịch với giá cổ phiếu chỉ ở mức 1.400 đồng/cổ phiếu. Nếu tính từ đầu năm 2017, giá cao nhất của STL là 2.300 đồng/cổ phiếu. Hiện cổ phiếu STL vẫn đang nằm trong diện hạn chế giao dịch trên UPCoM từ ngày 22/6/2016 do vốn chủ sở hữu trong báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2015 không dương.

Giai đoạn 2011 - 2016, STL không có năm nào lãi dương và năm 2017, Công ty chưa công bố báo cáo. Mới đây, Ngân hàng Agribank - chi nhánh Bắc Hà Nội đã có công bố bán đấu giá tài sản đảm bảo của STL.

Cụ thể, Agribank sẽ bán đấu giá toàn bộ 1,4 triệu cổ phiếu của CTCP Thủy điện Bình Phước, 2 triệu cổ phiếu CTCP Bất động sản Thăng Long, gần 4 triệu cổ phiếu của CTCP Sông Đà - Nha Trang thuộc sở hữu của CTCP Sông Đà - Thăng Long cầm cố tại Agribank - chi nhánh Bắc Hà Nội. Giá khởi điểm của cả 3 loại cổ phần đấu giá là hơn 59,8 tỷ đồng.

Cùng hoàn cảnh, cổ phiếu PVL của Công ty cổ phần Đầu tư Nhà đất Việt đang có mức giá “trà đá” là 1.900 đồng/cổ phiếu, giảm 27% so với đầu năm. Mức giá cao nhất mà cổ phiếu này đạt được trong gần 18 tháng qua là 4.900 đồng/cổ phiếu. PVL cũng đang trong diện bị kiểm soát từ ngày 3/4/2017 do lợi nhuận sau thuế kiểm toán năm 2015 và năm 2016 là số âm. Giai đoạn năm 2014 - 2017, PVL có lãi lỗ trồi sụt thất thường (năm 2015 và 2017 lỗ lần lượt 23,5 tỷ đồng và 156 tỷ đồng).

Đáng chú ý, cổ phiếu PLA của  Công ty cổ phần Đầu tư Dịch vụ Hạ tầng Xăng Dầu đã “chết” thanh khoản, khi 1 tháng qua chỉ khoảng 60 cổ phiếu được trao tay. Nếu tính từ đầu năm 2017 tới nay, khối lượng giao dịch cũng chỉ khoảng 200 cổ phiếu/phiên. PLA đã thua lỗ 3 năm liên tiếp, vì thế, vốn chủ sở hữu của Công ty từ mức trên 220 tỷ đồng năm 2014, đến cuối năm 2017 chỉ còn hơn 96 tỷ đồng, tương ứng sụt giảm 56%.

Tình cảnh bi đát nhất có lẽ là cổ phiếu PFL của Công ty cổ phần Dầu khí Đông Đô, khi thị giá chỉ còn 1.000 đồng/cổ phiếu và trong vòng 1 năm qua, cổ phiếu này chưa từng vượt qua ngưỡng 2.000 đồng!!!

Khá hơn một chút, mã VNI của Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Việt Nam được giao dịch khoảng 2.000 cổ phiếu/phiên, giá cổ phiếu ở 7.500 đồng/cổ phiếu. Từ năm 2012 - 2017, Công ty hoạt động liên tục thua lỗ.

Với diễn biến hoạt động kinh doanh và hiện tượng cổ phiếu như trên, ý nghĩa lên sàn để tạo thanh khoản và giúp doanh nghiệp huy động vốn trở nên vô nghĩa. Hiện tại, câu hỏi mà các nhà đầu tư đang đặt ra là: Bao giờ các cổ phiếu bất động sản này mới thôi “bất động”?

Nên chọn hàng rẻ hay hàng tăng trưởng?

Câu hỏi này tùy thuộc vào khẩu vị của mỗi nhà đầu tư. Thực tế, bên cạnh các mã “chết” giá, “chết” thanh khoản, hàng bất động sản có nhiều mã có sự tăng trưởng ấn tượng về giá trong thời gian qua. Trong đó, có những cái tên như DXG của Công ty cổ phần (CTCP) Tập đoàn Đất Xanh, với giá cổ phiếu tăng 62,5% từ đầu năm đến nay, ghi nhận mức tăng 259% so với đầu năm 2017.

Cổ phiếu LDG của CTCP Đầu tư LDG leo dốc 405% với thanh khoản hơn 1,4 triệu đơn vị/phiên kể từ năm 2017 tới nay. Tương tự, dù trong những tháng đầu năm 2018, giá cổ phiếu PDR của CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt chỉ tăng nhẹ, thanh khoản khoảng 1,3 triệu đơn vị/phiên, nhưng nếu tính từ đầu năm ngoái, cổ phiếu này đã tăng giá 213%.

Chưa kể, cổ phiếu bất động sản mới niêm yết ngày 5/4 vừa qua là NRC cũng đã kịp tăng giá hơn 72% tính đến ngày 21/5 và còn nhiều cổ phiếu khác cũng có đà tăng tốt.

Tuy nhiên, đà tăng trong quá khứ phải là điểm tựa chắc chắn cho dự báo của tương lai. Chẳng hạn, cổ phiếu KAC của Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Khang An từng tạo dấu ấn trong năm 2017 với mức tăng 307%, nhưng từ đầu năm đến nay, KAC tiếp tục đà rơi giá và chỉ dao động quanh vùng 17.300 đồng/cổ phiếu - 21.000 đồng/cổ phiếu. KAC đang ở diện cảnh báo từ ngày 8/2/2018 do vi phạm quy định về công bố thông tin.      

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục