
Thời gian vừa qua, TTCK diễn biến hết sức phức tạp. Lòng tin của NĐT bị xói mòn nghiêm trọng. VN-Index lình xình kéo dài chính là cơ hội cho các nhà đầu tư quay lại thị trường sau một thời gian chờ đợi, lượng tiền mặt đang nắm giữ của các NĐT rất lớn. Thế nhưng, với quyết định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng lãi suất cơ bản lên 9% đã làm phần lớn nguồn vốn còn lại chạy ra khỏi thị trường, nhiều NĐT kiên nhẫn lúc này cũng tháo chạy. Động thái tăng lãi suất được cho là nhằm ổn định tình hình kinh tế vĩ mô được cho là tốt lại làm cho TTCK giảm điểm trầm trọng và kịch bản cuối năm được dự báo không mấy khả quan cho các NĐT đang nắm giữ chứng khoán trong tài khoản.
Lãi suất tăng dẫn đến chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp tăng đáng kể, do đang là thời kỳ cuối năm, vào vụ làm ăn của các doanh nghiệp. Như vậy, giá cả nhiều khả năng sẽ tăng trong thời gian tới. Có thể NHNN cho rằng, rút bớt tiền trong lưu thông sẽ kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, giá cả các khu vực bị thiên tai đang tăng lên đáng kể. Trong khi đó, kế hoạch bình ổn giá chỉ diễn ra ở một số khu vực và ở một số mặt hàng nhất định, nên khó thể làm giảm lạm phát. Điều này có thể sẽ phá vỡ kế hoạch lạm phát dừng lại ở mức một con số như đã công bố. Lãi suất tăng làm cho lượng tiền từ các nguồn đổ vào hệ thống ngân hàng và làm cho bài toán nguồn vốn cho TTCK càng thiếu. Do đó, giảm điểm có lẽ sẽ là xu hướng chủ đạo của VN-Index trong thời gian tới.
Đã vậy, các CTCK liên tục hô hào mọi người cắt lỗ, bán cổ phiếu trong tài khoản và nắm giữ tiền mặt lúc này. Nhiều công ty cùng nhận định, "thị trường đã rẻ, nhưng sẽ còn rẻ nữa". Trước đây, một tô bún đổi một cổ phiếu, bây giờ mỗi bó rau đổi một cổ phiếu.
Rất nhiều cổ phiếu đang ở dưới mệnh giá. Các phương pháp phân tích cổ phiếu đều cho chung một nhận định là nên mua vào với cơ cấu hợp lý. Thực tế, các NĐT nước ngoài là những người mua ròng trong thời gian vừa qua. Thế nhưng, với tỷ giá như hiện nay, mọi biện pháp bình ổn xem như "bó tay", các NĐT nước ngoài đã bị lỗ kép, vừa lỗ tỷ giá, vừa lỗ vì giá chứng khoán giảm. Như vậy, việc cắt lỗ của các NĐT nước ngoài lúc này (nếu xảy ra) sẽ làm cho thị trường giảm điểm nhanh hơn. Có thể nói, thị trường từ nay đến cuối năm chưa thấy điểm sáng.