“Giáo viên sống được bằng lương, nhưng sống không yên tâm”

Lương giáo viên được các đại biểu đặt ra một cách mạnh mẽ tại buổi lãnh đạo Thường trực Thành ủy - UBND TPHCM gặp gỡ nhà giáo tiêu biểu sáng 17/11 nhân kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.
PGS.TS Võ Văn Sen cho rằng TPHCM phải chuẩn bị mọi điều kiện để nắm bắt cơ hội khi có cơ chế đặc thù. PGS.TS Võ Văn Sen cho rằng TPHCM phải chuẩn bị mọi điều kiện để nắm bắt cơ hội khi có cơ chế đặc thù.

PGS.TS. Võ Văn Sen, Hiệu trưởng trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TPHCM) TPHCM cho biết, TPHCM đang đứng trước rất nhiều cơ hội khi mà cơ chế riêng cho thành phố sau nhiều năm kiến nghị, đề xuất đã được đặt lên bàn Quốc hội.

Đây là cơ hội của thành phố và chính là cơ hội của giáo dục thành phố. Giáo dục thành phố cần chuẩn bị các chương trình, đề án để sẵn sàng nắm bắt cơ hội, thời cơ. Nếu có cơ chế mà không nắm bắt là lỗi của chúng ta.

Đăc biệt, ông Sen cũng nhấn mạnh, phải chú ý đến cơ chế đặc thù làm sao để nâng cao đời sống giáo viên, xây dựng chế độ để nhà giáo sống được bằng lương

“Nhìn sang Hàn Quốc, ngay khi kinh tế họ chưa phát triển, nghề giáo vẫn là nghề đứng đầu, trên cả bác sĩ, kỹ sư. Sư phạm là lựa chọn của những người ưu tú nhất. Đây là điều mà chúng ta phải đạt được. Nếu không làm được điều này, chúng ta sẽ thất bại trong cuộc cách mạng 4.0, không thể vươn lên được”, ông Sen phát biểu và cho rằng nếu có cơ chế riêng, TPHCM dư sức giải quyết vấn đề này, để làm mô hình mẫu cho cả nước.

Sát sao với giáo dục thành phố, ông Huỳnh Công Minh, nguyên GĐ Sở GD-ĐT TPHCM đánh giá giáo dục chúng ta phát triển, có những kết quả tích cực nhưng chưa phát triển bền vững phần lớn do chế độ chăm sóc giáo viên chưa tốt.

Ông Minh bày tỏ, giáo viên sống được bằng lương nhưng sống không yên tâm, phải xoay sở chạy vạy. Trong khi, nhà giáo rất cần cuộc sống an bình, để có sự yêu đời, phát triển về tâm hồn…

“Còn bây giờ các “kỹ sư tâm hồn” đứng trên bục giảng mà đầu óc phải suy nghĩ, lo toan nhiều quá. Đó là thiệt thòi cho học sinh, cho đất nước”, ông Minh nói

“Giáo viên sống được bằng lương, nhưng sống không yên tâm” ảnh 1 Ông Huỳnh Công Minh, nguyên GĐ Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng, các “kỹ sư tâm hồn” của chúng ta đứng trên bục giảng mà đầu óc phải suy nghĩ, lo toan nhiều về đời sống.

Ở góc độ quản lý cơ sở, thầy Phan Văn Quang, Phó Trưởng phòng Giáo dục Q. Tân Bình lên tiếng, đời sống của người dân TPHCM rất cao nhưng chế độ chăm lo cho nhà giáo còn nhiều bất cập. Khi tuyển viên chức vào ngành giáo dục giáo viên chỉ được hưởng mức lương theo bậc học cấp học. Còn những người làm công tác ở Sở, ở Phòng là những giáo viên giỏi về nhưng mất rất nhiều nguồn như phụ cấp, thâm niên… Thành phố cần có cơ chế riêng quan tâm đến đội ngũ.

Bà Nguyễn Thị Yến Thu, Chủ tịch Hội Giáo chức thành phố cho hay bản thân bà thường xuyên đi xin tiền các học trò, xin em này vài triệu, em kia vài triệu đồng để chia sẻ thêm với các thầy cô tuổi già.

“Hôm nay tôi đến buổi gặp gỡ này, tôi phải xin phát biểu để mọi người biết rằng rất nhiều giáo viên khi về hưu rất khó khăn, tiền lương hưu không đủ sống, không có nhà, bệnh tật… Tôi nói cũng để mọi người biết, nếu tôi đi xin tiền, cũng không phải xin cho tôi”, bà Thu nói


Theo dantri

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục