Tương lai mở rộng với dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt

(ĐTCK) Việt Nam đang có những nỗ lực mạnh mẽ để thúc đẩy một nền kinh tế không tiền mặt, tập trung vào việc phát triển thanh toán số để các sản phẩm tài chính có thể tiếp cận với nhiều người hơn.
Các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán như Visa sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến thanh toán điện tử cho người dân Các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán như Visa sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến thanh toán điện tử cho người dân

Kỷ nguyên thanh toán số

Khảo sát về “Hành vi thanh toán của người dùng” do Visa thực hiện vào tháng 9 năm 2017 chỉ ra, khoảng 57% người Việt Nam được khảo sát trả lời họ hoàn toàn tự tin có thể không dùng tiền mặt trong ba ngày liên tiếp khi ra khỏi nhà. Tỷ lệ này cao nhất so với các quốc gia khác trong khu vực, nơi chỉ có khoảng 42% người Singapore hoặc 37% người Thái Lan sẵn sàng không dùng tiền mặt trong cùng một khoảng thời gian.

Quả thật, sẽ không cần phải mang theo tiền mặt khi dịch vụ thanh toán số tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết, thấy rõ qua sự đổ bộ của các dịch vụ thanh toán di động nước ngoài như Samsung Pay đã đến Việt Nam vào tháng 9/2017, hoặc Apple Pay và các nền tảng thanh toán số khác sẽ ra mắt tại Việt Nam trong những tháng tới.

Hơn thế nữa, theo báo cáo Toàn cảnh về FinTech khu vực ASEAN 2018 được giới thiệu trong tháng 4/2018 của EY, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các nền tảng truyền thông xã hội, các nhà phát triển thương mại điện tử và các nhà cung cấp dịch vụ theo yêu cầu như Grab với dịch vụ thanh toán GrabPay, với cơ sở dữ liệu người tiêu dùng lớn, đã hoặc đang bắt đầu cung cấp các dịch vụ thanh toán như một dịch vụ chuyên biệt cho người tiêu dùng.

Những yếu tố này thực sự đang dần biến đổi toàn cảnh bức tranh thanh toán ở Việt Nam, từ một quốc gia phụ thuộc phần lớn vào tiền mặt, tiến tới một quốc gia có tới 40% dân số vào năm 2021 (theo Statista) sẽ sử dụng điện thoại thông minh để trả tiền cho các nhu yếu phẩm hàng ngày.

Theo số liệu của Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Việt Nam đang có những điều kiện cần thiết để thúc đẩy phương thức thanh toán số trong thời điểm hiện tại, nhờ vào những nền tảng vững chắc của dịch vụ viễn thông và tỷ lệ sử dụng điện thoại di động cao.

Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy, vào cuối năm 2016, Việt Nam có hơn 128 triệu thuê bao di động. Số lượng đăng ký 3G đạt 54,2 triệu vào giữa năm 2017. Vụ Thanh toán chia sẻ, với hơn 40 ngân hàng, cả nước ngoài và nội địa, hiện đang cung cấp dịch vụ thanh toán số, đã có 90 triệu giao dịch thanh toán số với tổng giá trị 423.000 tỷ đồng được báo cáo vào cuối tháng 9/2017, tăng hơn 90% số lượng giao dịch và 140% tổng giá trị so cùng thời điểm năm 2016. (Data from the SBV)

Ông Winfield Wong, Giám đốc toàn quốc Khối ngân hàng doanh nghiệp của Ngân hàng HSBC Việt Nam, chia sẻ: “Trong những năm gần đây, chúng tôi đã chứng kiến một xu hướng bùng nổ ở Việt Nam để phát triển thành một xã hội không dùng tiền mặt trong tương lai, nơi điện thoại thông minh đóng vai trò như một chất xúc tác: thanh toán di động cho bán lẻ giao dịch, thanh toán trực tuyến cho thuế, phí, thanh toán phải trả của doanh nghiệp, nhận dạng sinh trắc học để truy cập tài khoản ngân hàng và sự ra đời của nhiều công ty khởi nghiệp”.

Điều thanh toán số có thể mang đến cho các cá nhân, doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam, là sẽ vượt quá giới hạn chuyển từ tiền tươi thóc thật sang thanh toán số, để bao gồm những tác động mang tính xúc tác và tăng trưởng kinh tế trong tương lai gần, theo nghiên cứu được thực hiện bởi RoubiniThoughtLab, ủy quyền bởi Visa, công bố vào tháng 10 vừa qua

Đặc biệt, nghiên cứu này ước tính dựa vào thanh toán điện tử, như thẻ và thanh toán qua di động, có thể mang lại lợi ích ròng lên tới 470 tỷ USD mỗi năm cho 100 thành phố được khảo sát - tương đương với 3% GDP trung bình cho những thành phố này.

Lấy ví dụ là Hà Nội, thành phố sẽ thu được những tiềm năng mạnh mẽ từ việc không dùng tiền mặt bao gồm tổng lợi ích ròng (lợi ích thu được nhờ vào giảm hành vi phạm pháp liên quan đến tiền mặt và rút ngắn thời gian quản lý giao dịch ngân hàng, giao dịch bán lẻ, chuyển tiền) ước tính ở mức 600 triệu USD một năm nhờ vào kỹ thuật số, việc làm tăng thêm 3,5%, năng suất 0,2% và GDP tăng 36,4 điểm cơ bản.

“Việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số, từ điện thoại thông minh và thiết bị đeo tay đến trí tuệ nhân tạo và xe hơi không người lái, đang nhanh chóng chuyển đổi cách thức người dân thành phố mua sắm, du lịch và sinh sống”, ông Lou Celi, Giám đốc Nghiên cứu RoubiniThoughtLab cho biết.

Nỗ lực chung

Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 2545/QĐ-TTg trước đó, với mục tiêu giảm sử dụng tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán xuống dưới 10% vào năm 2020.

Bởi vậy, việc thúc đẩy thanh toán điện tử qua thương mại điện tử, để phù hợp với kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử cho cùng một dòng thời gian, sẽ được hỗ trợ bởi các yêu cầu 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cửa hàng phân phối tích hợp thiết bị đầu cuối thanh toán để cho phép khách hàng tiến hành thanh toán không dùng tiền mặt.

Ngoài ra, 70% các nhà cung cấp dịch vụ điện, nước và viễn thông có thể chấp nhận thanh toán hóa đơn không dùng tiền mặt, trong khi 50% hộ gia đình và cá nhân ở các thành phố lớn được khuyến khích không sử dụng tiền mặt để mua sắm và chi tiêu.

Trong khi đó, các dịch vụ tài chính đang được khuyến khích mở rộng tới các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, thông qua việc phát triển các phương thức thanh toán mới và hiện đại, để giúp Việt Nam tiếp cận được mục tiêu tài phát triển chính toàn diện, đảm bảo cộng đồng trong các khu vực này được tiếp cận với các dịch vụ thanh toán và ít nhất 70% người trên 15 tuổi có tài khoản ngân hàng vào năm 2020. 

Các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán như Visa, trong trường hợp này, đóng một vai trò quan trọng trong việc phổ biến thanh toán điện tử cho bộ phận lớn người dân. Visa đã tập trung vào việc tăng phát hành và chấp nhận các sản phẩm của mình trên toàn quốc, đồng thời đưa các phương thức thanh toán sáng tạo mới vào thị trường.

Ông Sean Preston, Giám đốc Visa khu vực Việt Nam, Lào và Campuchia, chia sẻ công nghệ thanh toán không tiếp xúc (contactless) của Visa hiện có tại các chuỗi siêu thị như Saigon Co-op và Big C, hoặc nhà bán lẻ đồ điện tử như Nguyễn Kim và các nhà phân phối khác. Dịch vụ thanh toán sử dụng mã QR của Visa cũng là một điểm nổi bật khác cho phép khách hàng sử dụng điện thoại di động của họ để quét mã QR tại một cửa hàng và chuyển tiền an toàn cho hàng hóa hoặc dịch vụ được mua.

“Chúng tôi đã làm việc với khách hàng của mình để mang công nghệ này tới Việt Nam và gần đây chúng tôi đã công bố dịch vụ thanh toán mã QR đầu tiên của Visa tại Việt Nam với Sacombank QR Pay. Chúng tôi thấy một cơ hội lớn cho phương pháp thanh toán mã QR để giúp phát triển việc sử dụng và chấp nhận thanh toán điện tử trên toàn quốc, đặc biệt là tại các tiểu thương nhỏ và ở các vùng sâu vùng xa,” ông Preston nói.

Theo ông Preston, Việt Nam hiện vẫn còn là một xã hội phụ thuộc nhiều vào tiền mặt, tuy nhiên Visa đang chứng kiến những động thái tích cực từ người tiêu dùng, doanh nghiệp và Chính phủ của Việt Nam, với một thái độ hướng tới thanh toán điện tử “giờ đã tốt hơn trước”.

“Visa hoàn toàn hỗ trợ lộ trình thanh toán không dùng tiền mặt của NHNN vào năm 2020 và cam kết thúc đẩy việc chấp nhận thanh toán điện tử và mở rộng chấp nhận thanh toán điện tử để đảm bảo việc chuyển đổi sang nền kinh tế không dùng tiền mặt vừa hiệu quả vừa trơn tru”, ông Preston nhấn mạnh.

Vấn đề bảo mật

Không phủ nhận việc tăng trưởng nhanh chóng của công nghệ kỹ thuật số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và không có gì sai với việc thúc đẩy một nền kinh tế sử dụng càng ít tiền mặt cho chi tiêu càng tốt, nhưng an ninh mạng trong trường hợp này sẽ là một vấn đề được quan tâm đối với hầu hết người sử dụng.

Vì vậy, câu hỏi được đặt ra là: liệu sự trỗi dậy của các công nghệ tiên tiến có giúp tăng cường các tính năng an ninh và an toàn của phương thức thanh toán số hay nó có nhiều rủi ro hơn về an ninh mạng?

Và câu trả lời là, theo Visa, một hệ thống thanh toán bảo mật và an toàn chắc chắn có thể đạt được thông qua sự tuân thủ của tất cả các tổ chức tài chính và ngân hàng tuân theo Tiêu chuẩn an ninh dữ liệu (PCI DSS) và yêu cầu mã hóa để bảo vệ dữ liệu. Đồng thời, các tổ chức này nên sẵn sàng để vô hiệu hóa hoặc giảm giá trị của dữ liệu bị mất thông qua việc sử dụng dụng token hoặc thẻ chip EMV.

Ngoài ra, gian lận thanh toán cũng có thể được ngăn chặn trước khi xảy ra, thông qua việc phát hiện, gián đoạn, rà soát giao dịch và xác thực các hành vi gian lận. Khách hàng của các tổ chức tài chính hay ngân hàng có thể được trao quyền tham gia vào việc bảo mật thanh toán thông qua các cảnh báo và kiểm soát số hóa.

Một lộ trình cho Chính phủ hoặc NHNN thực hiện trong tương lai để tăng cường an ninh trong thanh toán, như Visa đề xuất, cần bao gồm kế hoạch triển khai bảo mật trong thanh toán, ứng dụng công nghệ bảo mật 3D 2.0 và xác minh dựa trên phân tích rủi ro, cùng việc tiếp tục thúc đẩy các giải pháp bền vững và sáng tạo trong bảo mật thanh toán.

Dịch chuyển sang ngân hàng di động và trực tuyến là xu hướng tất yếu

Tương lai mở rộng với dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ảnh 1

Ông Thomas W Tobin, Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ, Vietcombank (VCB) 

Là một trong những ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam tiên phong tiếp cận và định hướng phát triển hoạt động ngân hàng theo xu hướng số hóa, Vietcombank đã, đang và luôn nỗ lực không ngừng phát triển các sản phẩm/dịch vụ của ngân hàng áp dụng các công nghệ số tiên tiến nhất, đem lại cho khách hàng các trải nghiệm thuận tiện nhất. Tự hào với hơn 5 triệu khách hàng tin dùng các dịch vụ VCB Mobile Banking, e-Banking và SMS Banking mỗi ngày, Vietcombank đang dần chuyển mình từng bước trở thành ngân hàng số hàng đầu theo xu hướng tất yếu và chắc chắn sẽ nhanh chóng phát triển tại thị trường Việt Nam trong những năm tới đây.

Cùng với sự bùng nổ của công nghệ số, các khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức ngày nay đều yêu thích sử dụng các phương tiện thanh toán mới, các dịch vụ ngân hàng điện tử để dễ dàng quản lý chi tiêu cũng như các vấn đề tài chính thông qua chính chiếc điện thoại di động của mình.

Nắm được xu hướng tất yếu của thị trường cũng như hiểu rõ nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, Vietcombank luôn tích cực làm việc chặt chẽ với các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực công nghệ số như TCTQT Visa để cung cấp cho khách hàng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng toàn diện nhất, hiện đại nhất, an toàn nhất, đáp ứng các chuẩn quốc tế trong hoạt động ngân hàng.

Tôi tin rằng, sự bùng nổ của nền kinh tế số hóa ở Việt Nam sẽ là tiền đề vững chắc để đưa Việt Nam nhanh chóng vượt qua các nền kinh tế lâu đời hơn trên toàn cầu với khả năng cung cấp dịch vụ tài chính cho tất cả mọi người. Không những thế, với chủ trương đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt của Chính Phủ Việt Nam chắc chắn sẽ giúp tăng cường tính minh bạch và an toàn cho tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế.

Hướng đi số hóa trong hoạt động thanh toán là hoàn toàn đúng đắn

Tương lai mở rộng với dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ảnh 2

Ông Phùng Duy Khương, Giám đốc Khối Bán lẻ, hàm Phó tổng giám đốc, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) 

Với tâm thế tích cực, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, VietinBank đã định hướng và xây dựng tầm nhìn chiến lược của mình bằng việc nghiên cứu, triển khai các sản phẩm, dịch vụ trên các kênh mới nhằm bổ sung, thay thế dần các kênh truyền thống.

Cùng với sự hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế lớn như Visa hay các đơn vị FinTech trong và ngoài nước, VietinBank đã đưa ra các công cụ thanh toán trên nền tảng số như QR code, Zalo Pay, Samsung Pay, M-POS, thẻ chip, ví điện tử …, nhằm đáp ứng nhu cầu về sự tiện lợi nhưng đòi hỏi tính an toàn, bảo mật cao của khách hàng. Các ứng dụng này ngay sau khi triển khai đã nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao từ đông đảo người tiêu dùng, là một minh chứng cho thấy hướng đi số hóa trong hoạt động thanh toán Ngân hàng là điều hoàn toàn đúng đắn. Thời gian tới, VietinBank sẽ tiếp tục phát triển các hoạt động số hóa khác nhằm không chỉ phục vụ khách hàng tốt hơn mà còn tạo được lợi thế cạnh tranh, gia tăng hiệu quả hoạt động và chủ

Cùng với Visa, TPBank đã triển khai thành công những giải pháp thanh toán với công nghệ mới nhất

Tương lai mở rộng với dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ảnh 3

 Ông Đinh Văn Chiến, Phó tổng giám đốc, Giám đốc Khối Ngân hàng cá nhân, Ngân hàng TPBank

Khi thiết kế các tính năng/sản phẩm/dịch vụ ngân hàng số của TPBank, lợi ích của khách hàng đều được đặt làm trung tâm. Chính vì vậy, khi được ra mắt, khách hàng đều đón nhận khá tích cực vì phục vụ đúng những nhu cầu cấp thiết mà trước nay hệ thống truyền thống chưa đáp ứng được.

Visa là một trong những đối tác chiến lược dài hạn của TPBank. Cùng với Visa, TPBank đã triển khai thành công những giải pháp thanh toán với công nghệ mới nhất. Từ việc thay thế các thẻ từ bằng thẻ chip nhằm tăng tính bảo mật giao dịch, TPBank còn ứng dụng cả công nghệ thanh toán không chạm (contactless) để nâng cao trải nghiệm của khách hàng.

Ngoài ra, TPBank và Visa cũng bắt tay xây dựng các chương trình khuyến mãi phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Kết quả là con số tăng trưởng về lượng giao dịch qua thẻ TPBank luôn đạt hai con số mỗi năm. Trong nhiều năm liền, TPBank được nhận giải thưởng từ Visa công nhận là đối tác tiêu biểu.

Dự án gần đây nhất TPBank cùng Visa triển khai nhắm vào phân khúc khách hàng trẻ. Bên cạnh việc cung ứng các dịch vụ thẻ, TPBank còn giới thiệu với khách hàng một ứng dụng di động thông minh để việc lên kế hoạch và chi tiêu khi đi du lịch không còn khó khăn. Dự kiến, sản phẩm sẽ được triển khai trong 1 - 2 tháng tới.

Sacombank cùng Visa tiên phong ứng dụng nhiều công nghệ ngân hàng mới tại Việt Nam

Tương lai mở rộng với dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ảnh 4

 Ông Nguyễn Hữu Phúc, Giám đốc Trung tâm Thẻ Sacombank

Từ năm 2017, Sacombank đã hợp tác với tổ chức thẻ quốc tế Visa để tiên phong triển khai tại Việt Nam hình thức thanh toán bằng QR code và thanh toán không tiếp xúc (contactless) cho chủ thẻ Sacombank Visa khi giao dịch trên khắp thế giới lẫn các đơn vị chấp nhận thanh toán bằng thẻ Visa phát hành bởi các ngân hàng trên toàn cầu.

Đối với công nghệ contactless, Sacombank cũng đã triển khai cho các thẻ chip, theo đó khách hàng chỉ cần chạm thẻ hoặc smartphone có cài ứng dụng Samsung Pay đã tích hợp thẻ Sacombank lên các máy POS trong vài giây là có thể hoàn tất giao dịch mà không cần dùng tới thao tác quẹt thẻ. Vào tháng 12/2017, Sacombank là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng thành công công nghệ QR cho các giao dịch rút tiền tại mạng lưới ATM Sacombank trên toàn quốc mà không cần dùng tới thẻ nhựa.

Những nỗ lực trong việc triển khai các tiện ích trên là nền tảng để Sacombank ngày càng khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực bán lẻ cũng như góp phần tạo nên hệ sinh thái ngân hàng hiện đại, trong đó các tổ chức thương mại, ngân hàng, công ty FinTech, các tổ chức thẻ… sẽ liên kết với nhau chặt chẽ để mang đến những trải nghiệm thú vị và gia tăng tiện lợi cho khách hàng.

Trang Nguyễn
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2018

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục