HSBC: Có đến 82% người Việt trong tình trạng tài chính khả quan, cao nhất Đông Nam Á

(ĐTCK) Theo báo cáo mới nhất “Đối diện với tương lai” trong phạm vi nghiên cứu “Năng lực bảo vệ” của HSBC, cứ bốn người trên thế giới thì có một người (tương ứng tỷ lệ 25%) cho biết, họ đang “chịu áp lực về tài chính”.
HSBC: Có đến 82% người Việt trong tình trạng tài chính khả quan, cao nhất Đông Nam Á

Cuộc khảo sát người tiêu dùng do HSBC ủy quyền thực hiện nhằm tìm hiểu mức độ an toàn tài chính tại 13 quốc gia, cũng như tầm quan trọng của việc lập kế hoạch và chuẩn bị để đảm bảo một tương lai tốt đẹp.

Theo đó, “chịu áp lực về tài chính” là khái niệm chỉ tình trạng của một cá nhân chỉ có khả năng trang trải cho những chi tiêu hằng ngày và không thể thực hiện được tất cả những gì họ mong muốn.

Khảo sát đã chỉ ra rằng Argentina (34%) và Pháp (32%) là những quốc gia có số người tham gia khảo sát nói rằng họ “chịu áp lực về tài chính” chiếm tỷ lệ cao nhất.

Sự chia rẽ rõ rệt

HSBC cho biết, có một sự khác biệt về mức độ lạc quan giữa những người “chịu áp lực về tài chính” và những người “chủ động về tài chính”.

Gần 1/4 (22%) số người “chịu áp lực về tài chính” dự kiến rằng tình trạng tài chính của họ sẽ tệ hơn trong vòng 3 năm tới, so với chỉ 6% những người “chủ động về tài chính” nghĩ tương tự.

Những người “chịu áp lực về tài chính” cảm thấy khó khăn khi phải chọn lựa giữa các ưu tiên. Chỉ 43% trong số họ có thể cân bằng tất cả các nhu cầu trong cuộc sống, so với tỷ lệ 78% ở những người “chủ động về tài chính”. 54% những người “chịu áp lực về tài chính” cảm thấy căng thẳng khi nhìn về tương lai, so với 38% những người “chủ động về tài chính”.

Ngoài ra, 54% trong những người “chịu áp lực về tài chính” đang hỗ trợ tài chính cho cha mẹ hoặc con cái đã trưởng thành, và 51% trong số họ phải trì hoãn các ước vọng cá nhân để thực hiện nghĩa vụ này. Hơn 1/4 (26%) người cho rằng nghĩa vụ này khiến họ cảm thấy tài chính cạn kiệt, và 24% phải chi trả từ tiền tiết kiệm và đầu tư.

Gần 1/4 (22%) số người “chịu áp lực về tài chính” dự kiến rằng tình trạng tài chính của họ sẽ tệ hơn trong vòng 3 năm tới, so với chỉ 6% những người “chủ động về tài chính” nghĩ tương tự.   

Bên cạnh đó, những người “chịu áp lực về tài chính” cho rằng có đủ tiền để chăm lo sức khỏe cho cả gia đình là ưu tiên hàng đầu của họ, với tỷ lệ 43% xác định đây là yếu tố quan trọng nhất trong an toàn tài chính cá nhân.

Cứ 10 người thì có 3 người (31%) “chịu áp lực về tài chính” nói rằng, nếu họ mắc phải bệnh kéo dài hoặc bị thương tật, gia đình họ sẽ không thể đảm đương được vấn đề tài chính – so với chỉ 15% trong số những người “chủ động về tài chính” lo ngại điều này.

Tuy nhiên, chưa đầy 1/4 (22%) số người “chịu áp lực về tài chính” có bảo hiểm để chi trả một số tiền lớn nếu họ mắc phải bệnh hiểm nghèo như ung thư, so với 39% số người “chủ động về tài chính”.

Chỉ gần 1/3 (31%) những người “chịu áp lực về tài chính” có bảo hiểm y tế tư nhân và chỉ hơn 1/4 (27%) có bảo hiểm nhân thọ (so với những người “chủ động về tài chính”, các tỷ lệ lần lượt là 50% và 45%).

Tầm quan trọng của kế hoạch tài chính

HSBC nhận định, hơn 1/3 (34%) số người “chịu áp lực về tài chính” chưa bao giờ thảo luận với bất kỳ ai về kế hoạch đảm bảo an toàn tài chính bền vững nếu có bất trắc xảy đến với họ.

Theo ông Bryce Johns, Giám đốc Bộ phận bảo hiểm Tập đoàn HSBC, mặc dù hoàn cảnh mỗi cá nhân một khác biệt, mỗi người đều nên có một kế hoạch tài chính. Kế hoạch này sẽ giúp bạn cân bằng các ưu tiên, đồng thời vừa giúp bạn đạt được những điều bạn kỳ vọng trong cuộc sống, vừa giúp gia đình bạn được đảm bảo hơn về tài chính trong tương lai.

“Hãy suy nghĩ đâu là những điều quan trọng mà bạn cần phải bảo vệ trong cuộc đời, và tìm kiếm tư vấn chuyên nghiệp trong trường hợp bạn cần giúp đỡ. Đây chính là những bước đầu tiên để xây dựng một kế hoạch tài chính”, ông Bryce Johns nói.

Ông Sabbir Ahmed, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ tài chính cá nhân và quản lý tài sản, HSBC Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của kế hoạch tài chính cá nhân xét trong bối cảnh Việt Nam.

Cụ thể, người Việt Nam hiện đang sống trong một giai đoạn phát triển sôi động. Nhờ các điều kiện kinh tế thuận lợi, thu nhập của các hộ gia đình ngày càng tăng và tâm lý người tiêu dùng trở nên lạc quan hơn.

Có đến 82% những người Việt trong một cuộc khảo sát người tiêu dùng của Nielsen cho rằng tình trạng tài chính của họ khả quan hơn. Đây cũng là tỷ lệ cao nhất tại Đông Nam Á.

“Mặc dù vậy, chúng ta vẫn không nên xem nhẹ tầm quan trọng của kiến thức về tài chính. Một cá nhân cần phải hiểu rõ tình hình tài chính của mình và quản lý đồng tiền một cách thông minh, nhằm đảm bảo lợi ích lâu dài cho chính bản thân và gia đình của họ. Thu nhập càng tăng, bạn càng cần phải hiểu biết thấu đáo về quản lý tài chính”, ông Sabbir Ahmed nhấn mạnh.

HSBC đã đưa ra bốn bước có thể giúp các cá nhân chuẩn bị tốt hơn cho gia đình để đối diện với tương lai:

Xác định các ưu tiên

Hãy suy nghĩ về các ưu tiên của bạn trong cuộc sống và đảm bảo rằng bạn có sẵn một kế hoạch tài chính nhằm đáp ứng những nhu cầu của bản thân và những người trong gia đình. Đừng bỏ quên những ước vọng của bản thân khi lên kế hoạch cho tương lai.

Đánh giá tình hình tài chính của bạn

Đánh giá xem bạn đang cảm thấy như thế nào về an toàn tài chính của mình. Nếu bạn đang phải hỗ trợ tài chính cho một người thân, hãy suy nghĩ xem mức hỗ trợ đó liệu có tăng lên hay giảm đi trong tương lai, từ đó có sự điều chỉnh hợp lý đối với kế hoạch tài chính của bạn.

Lập kế hoạch cho cả gia đình

Những bất trắc xảy đến trong cuộc đời có thể gây ra hiệu ứng dây chuyền lên cả gia đình. Vì vậy, khi xem xét lại kế hoạch tài chính của mình, hãy chắc rằng bạn đã được bảo hiểm đầy đủ.

Thảo luận về tương lai

Dành thời gian để trò chuyện với gia đình bạn về tương lai. Hãy thảo luận điều gì có thể xảy ra với họ nếu bạn trải qua một sự kiện thay đổi cuộc đời và những giải pháp đảm bảo tài chính bạn đã có sẵn. Nếu bạn cần sự giúp đỡ, hãy tìm sự tư vấn chuyên nghiệp. 

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục