Cho vay tiêu dùng, lãi suất không hề cao

(ĐTCK) Thị trường cho vay tiêu dùng của Việt Nam đang phát triển khá nhanh, với dự báo sẽ duy trì đà tăng trưởng 2 con số trong thời gian tới. Để hỗ trợ cho tiềm năng phát triển của thị trường, cơ quan quản lý nhà nước, cùng các tổ chức tín dụng phải sớm nhận diện và xử lý những vấn đề còn tồn tại, giải tỏa nỗi băn khoăn của dư luận về câu chuyện lãi suất.
Ban Biên tập Báo Đầu tư tặng hoa các diễn giả tham gia buổi tọa đàm Ban Biên tập Báo Đầu tư tặng hoa các diễn giả tham gia buổi tọa đàm

Lãi suất đã được tính toán chặt chẽ

Tại buổi tọa đàm về thị trường tài chính tiêu dùng với chủ đề “Phát triển tài chính bán lẻ - cơ hội thúc đẩy tiêu dùng, phục vụ tăng trưởng kinh tế” do Báo Đầu tư tổ chức, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chia sẻ khảo sát nghiên cứu thực tế về định giá cho vay tiêu dùng, cũng như phương pháp tính thu lãi và tỷ trọng cho vay tiêu dùng tại các công ty tài chính tiêu dùng. Theo đó, kết quả nhận được cho thấy, có nhiều điểm khác nhau giữa các công ty tài chính tiêu dùng với các ngân hàng thương mại.

Định giá (lãi suất) đối với khoản vay tiêu dùng có khá nhiều phương pháp chủ yếu do trụ sở chính tính toán và có cơ chế điều hành về lãi suất cho vay tiêu dùng theo nét riêng về quản trị của từng tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, tựu chung lại, việc xác định giá cả khoản vay tiêu dùng đều thống nhất những nguyên tắc căn bản là: bù đắp được chi phí vốn đầu vào; bù đắp chi phí hoạt động về lương, về công cụ lao động khấu hao văn phòng…; phần chi phí bù rủi ro tín dụng (vỡ nợ); chi phí bù đắp phần rủi ro thanh khoản do đáo hạn nhiều kỳ hạn nguồn vốn để bù đắp khoản cho vay dài hay chi phí trả trước hạn do nguồn đã cân đối nay tìm cơ hội cho vay mới; cuối cùng là lãi biên cần có trong hoạt động cho vay tiêu dùng.

Xét về phương pháp định giá cho vay tiêu dùng, khảo sát cho thấy các công ty tài chính tiêu dùng đã quan tâm khá đầy đủ đến các yếu tố hình thành lãi suất cho vay. Cụ thể, các công ty có thống kê phân loại khách hàng rất chi tiết theo mức độ thu nhập, ngành nghề làm việc, theo vùng miền sinh sống, từ đó đánh giá đo lường về mặt rủi ro tín dụng đối với từng nhóm khách hàng.

Thậm chí, một số công ty đã sử dụng phương pháp Rick Map để đo lường rủi ro tín dụng của khách hàng theo vùng khác nhau, nhằm ấn định chi phí rủi ro vỡ nợ trong việc xác định lãi suất cho vay. Phần chi phí rủi ro kỳ hạn đều đã được các công ty tài chính tiêu dùng đo lường và lượng hóa cụ thể trong chi phí lãi suất cho vay.

Điều này cũng phản ánh chất lượng quản trị nói chung và quản trị rủi ro nói riêng của các công ty tài chính tiêu dùng đã được chú trọng và nâng cao rất nhiều. Trong khi hệ thống ngân hàng thương mại cần hoàn thiện hơn về mặt này.

Về cơ chế điều hành lãi suất cho vay tiêu dùng, với quy mô vừa phải, các công ty tài chính tiêu dùng dễ dàng triển khai thống nhất trong toàn công ty. Lãi suất được hình thành trên cơ sở định giá chung và căn cứ vào đặc điểm từng khoản vay, mức độ rủi ro từng nhóm khách hàng. Điều này cho phép cán bộ bán hàng chủ động đàm phán với khách hàng.

Tần suất về điều chỉnh lãi suất của khoản cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng được áp dụng thả nổi hoặc cố định tùy theo thỏa thuận giữa công ty với khách hàng và được ghi rõ trong điều khoản của hợp đồng tín dụng.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, diễn giả đã cung cấp nhiều thông tin, số liệu về thị trường tài chính bán lẻ Việt Nam 

Bên cạnh đó, khảo sát thăm dò ý kiến của các tổ chức tín dụng trong việc hình thành cơ chế quản lý điều hành đối với lãi suất cho vay tiêu dùng cho thấy: Có tới 90,05% các ngân hàng thương mại cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên thả nổi lãi suất cho vay theo thị trường, trong khi tỷ lệ này ở các công ty tài chính tiêu dùng là 60%.

Bởi các doanh nghiệp này cho rằng, lãi suất là giá cả của khoản vay và sẽ hình thành trên cơ sở cung cầu vốn của thị trường. Chưa kể, sự cạnh tranh quyết liệt giữa các tổ chức tín dụng trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng sẽ làm mặt bằng lãi suất không quá cao, đồng thời mang tới nhiều ích lợi cho khách hàng.

Chỉ đủ bù cho chi phí vận hành

Xung quanh việc quản lý lãi suất đối với cho vay tiêu dùng, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế chia sẻ, Chính phủ Anh đã từng áp dụng lãi suất trần để khống chế lãi suất tín dụng tiêu dùng, nhưng điều này đã gây khó khăn cho các công ty tài chính trong hoạt động kinh doanh có lãi và mở rộng cho vay.

Trong khi người tiêu dùng ở thị trường này vẫn có nhu cầu cao dẫn đến tín dụng đen gia tăng. Tại các thị trường như châu Âu, Ấn Độ, Trung Quốc..., lãi suất vay tiêu dùng do các công ty tài chính cung cấp thường cao gấp nhiều lần so với lãi suất của ngân hàng thương mại.

“Tuy nhiên, cho vay tiêu dùng tại các thị trường này vẫn phát triển và khách hàng hoàn toàn chấp nhận mức lãi suất trên với lý do là tiện lợi, nhanh chóng, đơn giản, nhỏ lẻ; chủ yếu cho vay tín chấp; lãi suất cao nhưng vẫn thấp hơn, ít rủi ro hơn so với tín dụng đen”, TS. Lực cho biết.

Liên quan tới câu chuyện lãi suất cao, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng: “Khách hàng nên hiểu, rủi ro cao sẽ song hành với lãi suất cao là chuyện đương nhiên. Cao ở đây là so với các khoản vay giá trị lớn, thời gian dài và có tài sản đảm bảo, còn thực tế, so với những rủi ro tiềm ẩn của loại hình vay tiêu dùng tín chấp, mức lãi suất này mới chỉ đủ bù cho các chi phí vận hành của công ty tài chính tiêu dùng”.

Ông Phạm Xuân Hoè, Phó viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng, NHNN trả lời phỏng vấn tại buổi tọa đàm 

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Đặng Thanh Hùng, Giám đốc Trung tâm tiếp thị FE Credit khẳng định, lãi suất cho vay hoàn toàn dựa trên thỏa thuận giữa công ty tài chính và khách hàng trong khuôn khổ pháp luật cho phép.

Theo đó, bên cạnh việc hiểu các tiện ích rõ ràng từ gói vay tài chính tiêu dùng, người tiêu dùng cần xác định rõ tham gia vay tiêu dùng với các công ty tài chính hoàn toàn khác với vay tại ngân hàng. Điều dễ nhận thấy nhất là biểu lãi suất cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng bình quân từ 20% - 60%/ năm, cao hơn nhiều so với lãi suất cho vay tại ngân hàng.

Mức lãi suất này xuất phát từ các đặc thù chính của loại hình vay tín chấp. Cụ thể, thứ nhất, chi phí đầu vào của công ty tài chính thường cao hơn so với chi phí huy động vốn của ngân hàng thương mại bởi công ty tài chính không được phép huy động vốn từ dân cư như các ngân hàng, thay vào đó phải đi vay lại từ các nhà băng.

Thứ hai, lãi suất cho vay tỷ lệ thuận với rủi ro. Mức độ rủi ro cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính cao hơn nhiều so với ngân hàng, bởi điều kiện và thủ tục cho vay dễ dàng, nhanh chóng hơn nhiều so với tại ngân hàng. Đây là hình thức vay hoàn toàn dựa trên tín chấp (không có tài sản đảm bảo) nên lãi suất áp dụng cao để bù đắp rủi ro.

Thứ ba, giá trị của khoản vay nhỏ lẻ, kỳ hạn vay ngắn dẫn đến các chi phí thẩm định, chi phí quản lý khoản vay, chi phí hoạt động cao hơn bình thường.

“Mức lãi suất sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố để cân bằng với rủi ro, tùy vào sản phẩm vay, số tiền vay, thời hạn vay và lịch sử tín dụng của từng khách hàng cụ thể. Với khách hàng có lịch sử tín dụng tốt được ghi nhận tại trung tâm tín dụng quốc gia (đã từng đi vay và có lịch sử thanh toán đầy đủ, đúng hạn), hồ sơ đầy đủ, rõ ràng sẽ nhận được mức lãi suất ưu đãi hơn.

Đây là điều mà người tiêu dùng cần phải hiểu rõ và chấp nhận mức lãi suất vay cao hơn ở các ngân hàng để tránh phát sinh các rủi ro tranh chấp, khiếu kiện khi thanh toán về sau”, ông Hùng nhấn mạnh.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục